Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Pacific Holdings được thành lập ngày 12/11/2021, chỉ 4 tháng trước khi nắm quyền kiểm soát Vinaconex. Ông Trần Đình Tuấn, sinh năm 1978 là người đại diện theo pháp luật của công ty. Cần phải nói, tuy là công ty trẻ nhưng vốn đăng ký của Pacific Holdings lên tới 7.100 tỷ đồng.
Công ty TNHH An Quý Hưng - công ty mẹ của Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG) đã hoàn tất việc bán gần 278 triệu cổ phiếu VCG, tương đương 62,9% vốn điều lệ. Sau giao dịch, An Quý Hưng không còn nắm giữ cổ phiếu nào của Vinaconex.
Giá trị giao dịch theo mệnh giá hơn 2.778 tỷ đồng. Tạm tính theo giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/2/2022 (44.400 đồng/cổ phiếu), lô cổ phiếu này có giá trị xấp xỉ 12.336 tỷ đồng.
Thời điểm thực hiện giao dịch là ngày 23/02/2022. Bên nhận chuyển nhượng là Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific Holdings). Như vậy, sau giao dịch, Pacific Holdings chính thức thay thế An Quý Hưng làm công ty mẹ của Vinaconex.
Hoạt động chính của Pacific Holdings là kinh doanh bất động sản như mua bán nhà, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng; chuyển nhượng, cho thuê lại quyền sử dụng đất; Dịch vụ quản lý tài sản.
Thực tế, Pacific Holdings là công ty con do An Quý Hưng thành lập và nắm giữ 99,92% vốn cổ phần (tương đương 7.094 tỷ đồng). Như vậy, An Quý Hưng không rút hoàn toàn khỏi Vinaconex mà gián tiếp sở hữu Vinaconex thông qua Pacific Holdings.
Còn nhớ, cuối năm 2018, thị trường xôn xao trước thông tin An Quý Hưng - công ty có vốn đăng ký vỏn vẹn 500 tỷ đồng (cuối năm 2018) bất ngờ trở thành công ty mẹ của Vinaconex, trong khi giá trị vốn của Vinaconex lên tới 12.000 tỷ đồng, tổng tài sản cuối năm 2018 cũng vượt 20.000 tỷ đồng.
Chưa hết, ở thời điểm thâu tóm Vinaconex, An Quý Hưng vẫn là một cái tên khá xa lạ, ít tên tuổi trên bản đồ kinh doanh Việt Nam nhưng lại gây “chấn động” giới tài chính khi vượt qua nhiều đối thủ khi chi tới 7.400 tỷ đồng để mua lô cổ phiếu của Vinaconex do Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chào bán, cao hơn giá khởi điểm SCIC chào bán khoảng 2.000 tỷ đồng.
Vì vậy, nguồn vốn gần 7.400 tỷ An Quý Hưng thâu tóm Vinaconex luôn là câu hỏi lớn gây chú ý thị trường thời điểm đó. Về phía Vinaconex, tình hình kinh doanh của Vinaconex đến nay vẫn chưa có nhiều đột phá, sau khi về tay An Quý Hưng.
Năm 2021, dù doanh thu tăng trưởng khả quan nhưng lợi nhuận trước thuế của Vinaconex vẫn “bốc hơi” gần 66% so với năm 2020, đạt 726 tỷ đồng - mức thấp nhất trong 5 năm qua. Tính cuối tháng 12/2021, tổng tài sản của Vinaconex tăng 60% so với đầu năm, đạt 31.194 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nợ phải trả của công ty tăng lên 23.554 tỷ đồng, tăng lên đến 90%, cao gấp 3 lần vốn chủ sở hữu, chiếm 75% vốn điều lệ. Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu cũng tăng vọt lên 154%, trong khi những năm trước tỷ lệ này chỉ dao động từ 52% đến 61%.
Mới đây, CTCP Pacific Holdings vừa cho biết trong tổng số 19,9 triệu cổ phiếu VCG được niêm yết bán từ ngày 12/4 đến 11/5 theo phương thức khớp lệnh công ty đã bán được 18,25 triệu cổ phiếu. Giao dịch được thực hiện nhằm mục đích cơ cấu lại khoản đầu tư.
Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Pacific Holdings tại VCG giảm xuống còn 52,44% vốn cổ phần (tương đương 254,8 triệu cổ phiếu) thay vì còn 52,10% vốn cổ phần (tương đương hơn 253 triệu cổ phần) theo như kế hoạch trước đó.
Tạm tính theo giá đóng cửa ngày 11/5 của cổ phiếu VCG là 19.700 đồng/cổ phiếu, ước tính Pacific Holdings đã huy động được khoảng 359,5 tỷ đồng. Pacific Holdings trở thành cổ đông chi phối của VCG sau khi mua 277,8 triệu cổ phiếu, tương đương 62,9% cổ phần của Công ty TNHH An Quý Hưng vào ngày 23/2/2022. Giao dịch được thực hiện ngoài hệ thống, theo thông báo của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.
Trước đó, Pacific Holdings cũng đã thu về trị giá 684,6 tỷ đồng, khi bán ra tổng cộng 32,6 triệu cổ phiếu VCG trong khoảng thời gian từ 20/3 đến 6/4, đồng thời cắt giảm tỷ lệ sở hữu tại VCG từ 292,6 triệu cổ phiếu (tương đương 60,23% vốn cổ phần) lên 56,19% vốn cổ phần.
Năm 2023, VCG đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất tăng 70% so với năm 2022; doanh thu công ty mẹ tăng 25% so với năm 2022; kết quả sau thuế hợp nhất phải đạt 92% so với năm 2022; kết quả sau thuế công ty mẹ phải tăng 22% so với năm 2022. Tỷ lệ cổ tức 10% bằng 100% so với năm 2022.