Công ty CP Nhựa Đại Đồng Tiến tiền thân là một tổ hợp sản xuất nhỏ ở quận 5 ra đời vào năm 1983, chủ yếu là sản xuất những sản phẩm gia dụng thiết yếu, nhà sáng lập là vợ chồng gốc Hoa ông Trịnh Đồng và vợ mình là bà Trần Thị Huê. Đến năm 1997, từ một tổ hợp 2 vợ chồng ông Trịnh Đồng đã phát triển lên thành Công ty TNHH Đại Đồng Tiến, năm 2007 chuyển sang hình thức công ty cổ phần và có tên gọi như hiện nay. Từ những sản phẩm như ly nhựa, tủ nhựa, bàn ghế nhựa,... dần dần mở rộng theo sự phát triển của công ty với những sản phẩm như hộp thực phẩm, thùng sơn, bình nước, đồ chơi.
Đến năm 2007, ông Trịnh Đồng đột ngột lâm trọng bệnh, quyền điều hành được chuyển giao cho người con trai cả là Trịnh Chí Cường, khi ấy Trịnh Chí Cường nhận được sự chuyển giao trong một tâm thế bị động.
Thời điểm nhận quyền điều hành công ty vào năm 2007, Trịnh Chí Cường chỉ vừa 25 tuổi. Theo kế hoạch Cường cùng với bố bàn bạc, thời điểm ấy Cường sẽ dùng khoảng 5 năm trong vai trò trợ lý Tổng giám đốc cho bố, sau đó mới tiếp quản cơ nghiệp của gia đình. Nhưng việc bố anh đột ngột lâm bệnh, Cường bị rơi vào thế buộc phải đứng ra điều hành công ty, lúc đó anh mới làm trợ lý được 3 tháng. Cuộc sống của hàng ngàn nhân viên và cơ nghiệp của gia đình đặt lên đôi vai của chàng trai sinh năm 1982 này (theo Forbes Việt Nam).
Thời gian còn đi học, Cường được gia định định hướng đi du học và ở lại nước ngoài để phát triển, nhưng anh vẫn quyết học xong sẽ trở về. Cường yêu thích ngành ngoại ngữ và công nghệ thông tin, nhưng vẫn thích nhất ngành nhựa. Vì để sau này có đủ năng lực tiếp quản sự nghiệp của gia đình, Cường đã chọn học thêm 3 năm rưỡi chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại trường Đại học Buffalo - New York thuộc chi nhánh Singapore. Trịnh Chí Cường quay về nước vào năm 2007 sau khi trải qua 7 năm học tập tại nước ngoài.
Trong thời gian đầu điều hành vì chưa có kinh nghiệm nhưng lại nuôi tham vọng đưa công ty đột phá, dẫn đến công ty trong thời gian Cường quản lý gặp nhiều tình huống rủi ro. Tuy nhiên, đến năm 2011 Trịnh Chí Cường đã đưa doanh thu công ty tăng lên 1.000 tỷ đồng từ hơn 400 tỷ đồng khi nhận chức.
Cũng trong năm 2007, Đại Đồng Tiến chuyển đổi mô hình cổ phần, đồng thời lập nên trụ sở tại Hà Nội. Nhận thấy con trai có khả năng lãnh đạo nên dù đã hết bệnh ông Đồng vẫn quyết định để con trai tiếp tục giữ vai trò Tổng giám đốc điều hành công ty.
Từ một công ty nhỏ sản xuất đồ gia dụng những ngày đầu thành lập, đến năm 2014 công ty đã nhận được chứng nhận ISO 9001:2008, quy mô công ty cũng tăng lên hơn 2000 nhân viên, cùng với 2 nhà máy lớn hàng chục hecta tại quận Bình Tân và Đồng Nai, chính thức trở thành Công ty nhựa lớn nhất Việt Nam. Đến nay, nhựa Đại Đồng Tiến đã phủ rộng trên khắp cả nước từ các chuỗi siêu thị, nhà phân phối, đại lý,...
Để đứng vững trên thị trường, những ngày đầu mới nhận chức vụ Tổng giám đốc Trịnh Chí Cường đã làm ra một quyết định rất quyết đoán đó là thành lập phòng Nghiên cứu và Phát triển cho công ty. Dù là những bước đi hợp thời nhưng lại phải chịu sự cản bước của sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Công suất nhà máy giảm tới 40%, sản phẩm mới sản xuất phải xếp vào kho. Đến năm 2009, doanh thu của Đại Đồng Tiến tăng lên 15% so với năm 2008, đạt 625 tỷ đồng.
Từ năm 2016 đến năm 2019, doanh thu công ty luôn duy trì trên mức 1.000 tỷ đồng, trong đó năm 2018 doanh thu đạt được 1.122 tỷ đồng nhưng lỗ hơn 91 tỷ đồng (năm 2017 công ty báo lãi 10,9 tỷ đồng). Năm 2019, doanh thu của Đại Đồng Tiến đạt 1.118 tỷ đồng nhưng lỗ thuần lại lên tới 214 tỷ đồng. Cuối năm 2019, tổng tài sản của công ty ở mức 1.009 tỷ đồng.
Ngoài ra, Cường còn có 2 người em gái và 1 người em trai, em gái và em trai của Cường đều theo học ngành quản trị kinh doanh. Trong đó, có Trịnh Ngọc Hiền sinh năm 1987 đang giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc của Đại Đồng Tiến. Hai người em còn lại tự mở công ty riêng cũng về ngành nhựa, tuy cùng ngành nhưng không có cùng Đại Đồng Tiến cạnh tranh.
Năm 2021, ông Trịnh Đồng qua đời, bà Huê cũng không tham gia vào công ty nữa mà đi làm những công việc thiện nguyện. Ngoài ra, Cường còn cho biết đã chấm dứt cuộc sống hôn nhân sau 18 năm chung sống. Đây cũng là lần đầu Cường chia sẻ việc này (theo Forbes Việt Nam). Kết quả kinh doanh năm 2022 không được tiết lộ nhưng Cường kỳ vọng trong thời gian tới doanh số công ty sẽ quay về mức 1.000 tỷ đồng.
Năm 2021, bên cạnh ông chủ Tập đoàn Hòa Bình, ông Trịnh Chí Cường cũng là một trong hai doanh nhân được Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.