Mới đây, Công ty AG&P LNG – công ty con thuộc Tập đoàn Nebula Energy (Mỹ) vừa mua 49% cổ phần kho cảng LNG Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Giá trị thương vụ này không được công bố.

Kho cảng LNG Cái Mép do Công ty TNHH Hải Linh làm chủ đầu tư, đã hoàn thiện xong phần xây dựng, sẵn sàng đưa vào chạy thử và vận hành thương mại vào tháng 9 tới. 

Kho cảng LNG Cái Mép được kết nối qua tuyến ống với tổ hợp các nhà máy điện có quy mô lớn nhất Việt Nam, khu công nghiệp Phú Mỹ, với công suất điện khí là 3,9 GW. Cảng này có vị trí chiến lược gần Đồng bằng sông Cửu Long và có ba bể chứa trên bờ với tổng sức chứa 220.000 m3 LNG, có hệ thống giao nhận có thể nạp LNG vào bồn chứa và xuất LNG cho các tàu nhỏ hơn.

Với 14 trạm nạp xe bồn cho CNG và LNG, kho cảng LNG Cái Mép kết nối thuận tiện với nhiều đường cao tốc để có thể cung cấp nguồn LNG đáng tin cậy cho một số khu vực trọng điểm gần đó. Đây sẽ là kho cảng LNG thứ hai của Việt Nam bắt đầu hoạt động, sau kho cảng LNG Thị Vải của Petrovietnam Gas, cũng thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

chan-dung-ong-le-van-tam-dai-gia-xang-dau-vua-ban-49-co-phan-kho-cang-lng-cai-mep-cho-tap-doan-my1-1710179499.jpg
Ông Lê Văn Tám - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Linh (trái) và ông Karthik Sathyamoorthy - Giám đốc Điều hành AG&P LNG (phải) tại buổi lễ ký kết

Ông Karthik Sathyamoorthy, Giám đốc Điều hành AG&P LNG, chia sẻ: “Nằm ở vị trí chiến lược, kho cảng LNG Cái Mép sẽ cung cấp nguồn LNG đáng tin cậy cho nhiều nhà máy điện trong khu vực lân cận, bao gồm nhà máy điện Hiệp Phước do công ty Hải Linh đang xây dựng, và các ngành công nghiệp tại khu vực phía Nam”.

Phát biểu về việc hợp tác, ông Lê Văn Tám, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Linh cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng chào đón AG&P LNG trở thành cổ đông của Công ty Cảng LNG Cái Mép. Thông qua mối quan hệ hợp tác này, chúng tôi có thể đẩy nhanh hơn quá trình khởi động, vận hành cảng và các hoạt động kho cảng LNG, cũng như phục vụ nhu cầu ngày càng tăng về LNG tại Việt Nam”.

-----

Doanh nhân Lê Văn Tám – ông chủ 'đại gia' xăng dầu Hải Linh

Công ty TNHH Hải Linh (Hải Linh) được thành lập ngày 18/7/2002, hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và phân phối dầu, khí đốt và các sản phẩm dầu mỏ. Công ty có trụ sở tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Doanh nghiệp này được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường xăng dầu tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Hải Phòng... Hiện tại công ty có khoảng hơn 200 đại lý trên địa bàn các tỉnh trên. Thị phần xăng dầu của công ty chiếm 20-30% và thị phần gas chiếm trên 50% thị phần khu vực.

Năm 2022, Công ty TNHH Hải Linh đứng thứ 68 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và đứng thứ 33 trong 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Và nhắc đến Hải Linh, không thể không nhắc đến ông Lê Văn Tám. Vị doanh nhân này sinh năm 1966, là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.

Nói về những ngày đầu khởi nghiệp của mình, ông Lê Văn Tám từng chia sẻ trên báo Phú Thọ như sau: Hải Linh những ngày đầu khởi nghiệp vào giữa năm 2002 gặp rất nhiều khó khăn, bởi ngay tại thời điểm đó, kinh doanh xăng dầu gần như là độc quyền của một số doanh nghiệp Nhà nước. Nhưng, sau gần 2 thập niên, Hải Linh đã hiện diện trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất cả nước. Hiện tại Hải Linh có hơn 60.000 thành viên khắp thị trường trên cả nước”.

Cập nhật tình kinh doanh, theo dữ liệu từ VietnamFinance cho thấy giai đoạn 2017-2019, Hải Linh có sự tăng trưởng doanh thu khá nhanh, từ 11.549 tỷ đồng (2017) tăng gấp rưỡi lên 17.663 tỷ đồng (2018), rồi tiếp tục tăng thêm 7% lên 18.879 tỷ đồng (2019).

chan-dung-ong-le-van-tam-dai-gia-xang-dau-vua-ban-49-co-phan-kho-cang-lng-cai-mep-cho-tap-doan-my-1710175740.PNG
Nguồn: VietnamFinance

Tuy nhiên, bên cạnh đó, chi phí lãi vay và chi phí bán hàng của Hải Linh ở giai đoạn này cũng khá lớn. Kết quả là lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp suy giảm qua các năm. Cụ thể, năm 2017, Hải Linh báo lãi 39,4 tỷ đồng, sau đó giảm xuống còn 25 tỷ đồng ở năm 2018 và 15,7 tỷ đồng ở năm 2019.

Gần đây nhất, năm 2021 doanh thu của công ty lên tới 20.607 tỷ đồng, thế nhưng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 164 tỷ đồng.

Thông tin thay đổi đăng ký kinh doanh vào đầu tháng 2/2023 cho thấy, doanh nghiệp này đã tăng vốn điều lệ từ 2.050 tỷ đồng lên 4.550 tỷ đồng. Tuy nhiên, đáng chú ý chỉ hai tháng sau đó, vốn điều lệ đã giảm từ 4.550 tỷ đồng về còn 1.350 tỷ đồng. Hai thành viên góp vốn của công ty bao gồm: ông Lê Văn Tám sở hữu 85,9% và bà Nguyễn Thị Hải sở hữu 14,1%.

Được biết, ngoài Hải Linh, trong hệ sinh thái của vị doanh nhân đất Phú Thọ này còn có một số doanh nghiệp khác như: Công ty TNHH Điện Lực Hiệp Phước, Công ty TNHH MTV dầu khí Hải Linh Vũng Tàu, Công ty TNHH MTV Hải Linh Bắc Ninh, Công ty TNHH MTV Hải Linh Hà Nam, Công ty TNHH MTV Hải Linh Tây Bắc…

------

Sở hữu Lâu đài Hải Linh nức tiếng ở Phú Thọ

Bên cạnh công việc kinh doanh, "đại gia" xăng dầu Lê Văn Tám còn được nhắc đến với vai trò là ông chủ sở hữu lâu đài Hải Linh tọa lạc tại mặt đường Nguyễn Tất Thành, giáp Công viên Văn Lang thuộc TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

chan-dung-ong-le-van-tam-dai-gia-xang-dau-vua-ban-49-co-phan-kho-cang-lng-cai-mep-cho-tap-doan-my4-1710179918.jpg
Ảnh: Ngô Hùng/daidoanket
chan-dung-ong-le-van-tam-dai-gia-xang-dau-vua-ban-49-co-phan-kho-cang-lng-cai-mep-cho-tap-doan-my6-1710179956.jpg
Ảnh: Ngô Hùng/daidoanket

Tòa lâu đài này được khởi công từ năm 2019 nhưng đến nay "siêu lâu đài" vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Theo đơn vị thiết kế và thi công, lâu đài có diện tích sàn tầng 1: 2.100 m2; tầng 2: 1.768 m2; tầng 3: 1.980 m2; tầng 4: 1.500 m2; tầng 5: 1.500 m2; tầng 6: 1.350 m2 và 4 chóp nhỏ trên sàn tầng 6, mỗi chóp gần 500m2; mái phòng thờ: 174m2, các cung tròn lớn và mái lớn khoảng 1000m2.

 Theo tìm hiểu được biết, tổng đầu tư của tòa lâu đài này lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Sau khi hoàn thiện, công trình này trở thành trụ sở làm việc của Công ty Hải Linh.