CTCP Xây dựng Coteccons mới đây đã có Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022. Theo đó, doanh thu thuần của công ty tăng 28,6% so với cùng kỳ, đạt 3.281 tỷ đồng. Lũy kế doanh thu 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu đạt 5.193 tỷ đồng, tăng 74 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Công ty đã thành công thắng thầu hơn 39 dự án với tổng giá trị xây dựng hơn 16.000 tỷ đồng. Một số dự án trọng điểm phải kể đến như Diamond Crown Hai Phong với kết cấu Diagrid lần đầu tiên xuất hiện tại châu Á; Dự án Novaworld Phan Thiet áp dụng công nghệ Pre-cast; chủ đầu tư Ecopark tiếp tục tin tưởng trao thầu gói xây dựng CT06 cho Coteccons với tổng giá trị lên tới gần 2.400 tỷ đồng.

vietnambusinessinsider-chu-tich-coteccons-bolat-duisenov-1659409069.jpg
Chủ tịch Coteccons - Bolat Duisenov: Ảnh Coteccons

Việc trích lập dự phòng nợ khó đòi cho các dự án tồn đọng từ 2018 - 2020, cùng những khó khăn của ngành bất động sản, xây dựng hiện nay, đã tạo áp lực rất lớn lên biên lợi nhuận quý 2/2022 của Công ty.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 2/2022 của Công ty âm 23,8 tỷ đồng, biên lợi nhuận âm 0,73%. Lũy kế 6 tháng 2022, lợi nhuận sau thuế của Coteccons chỉ đạt 5,4 tỷ đồng, biên lợi nhuận đạt 0,1%. Ngoài ra, dòng tiền kinh doanh của Coteccons âm hơn 1.298 tỷ đồng, lần đầu tiên dư nợ vay của Coteccons đạt 1.314 tỷ đồng, tuy nhiên thu nhập tài chính ròng của Công ty 6 tháng đầu năm vẫn đạt 155% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một trong những dự án Công ty phải trích lập dự phòng nặng nề nhất là của Công ty Ngôi sao Việt - một công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Dự án đã được bàn giao, đưa vào sử dụng từ năm 2019 và mặc dù đã nỗ lực trong công tác thu hồi công nợ, nhưng trong quý 2/2022, Coteccons vẫn phải thực hiện trích lập dự phòng 242 tỷ đồng cho dự án này, nâng số trích lập dự phòng lũy kế 2020 - quý 2/2022 lên đến 484 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dự án tại Công ty cổ phần đầu tư Minh Việt cũng khiến Conteccons phải trích lập dự phòng 122 tỷ đồng. Tổng chung, mảng nợ xấu của công ty lên đến hơn 1.025 tỷ đồng, dự phòng 865 tỷ đồng.

"Không chỉ chịu các gánh nặng trong quá khứ do giai đoạn trước để lại, Coteccons cũng như nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản khác cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức hiện nay khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt với tín dụng bất động sản, vụ việc tại Tân Hoàng Minh khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị thắt chặt, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài như gián đoạn chuỗi cung ứng, xung đột, căng thẳng địa chính trị khiến giá nguyên, nhiên vật liệu leo thang trong nửa cuối 2021 và đầu năm 2022 đang tiếp tục đè nặng lên các nhà thầu xây dựng. Cùng với đó, dư âm của đại dịch Covid tiếp tục ảnh hưởng đến sự phân bổ lao động chung của Việt Nam, dẫn đến thiếu hụt nhân công lao động tại các thành phố lớn, khiến chi phí lao động tăng cao", thông cáo báo chí về hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 2/2022 của Coteccons giải trình.

Tại ngày 30/6, quy mô tài sản của Coteccons là 16.457 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản vẫn là khoản phải thu ngắn hạn với 9.140 tỷ cuối quý II, chủ yếu là của khách hàng. Trong đó, doanh nghiệp đã phải trích lập dự phòng gần 919 tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm.

Công ty đã hình thành danh mục đầu tư ngắn hạn cân đối và đa dạng theo 3 loại: tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 3 tháng, tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 4-12 tháng và danh mục đầu tư trái phiếu hỗn hợp kỳ hạn 1-12 tháng. Điều này cho phép CTD tăng tỷ suất lợi nhuận thu nhập tài chính bình quân và phòng ngừa rủi ro về khả năng thanh toán, tỷ lệ thu nhập dao động từ 3-6% trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 5-12% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Cuối quý II, Coteccons có tổng cộng 2.250 tỷ đồng khoản tiền, tiền gửi ngân hàng được hưởng lãi suất từ khoảng 2,9% tới 7%/năm. Coteccons còn có khoản đầu tư trái phiếu có thoả thuận mua lại với giá trị 1.248 tỷ đồng. Trái phiếu này có kỳ hạn không quá một năm và hưởng lãi suất từ 7,5% - 12%/năm. Tổng cộng CTD giữ hơn 3.000 tỷ trong các công cụ tài chính.

Cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác, Coteccons cũng đầu tư một lượng lớn tiền vào việc mua cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.

Cụ thể, Coteccons đã chỉ gần 220 tỷ đồng mua cổ phiếu trong quý 2/2022. Trong số đó, có một số mã cổ phiếu đáng chú ý như: FPT của Công ty cổ phần FPT (30,5 tỷ), TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam Techcombank (30 tỷ), MWG của Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di động (22,3 tỷ), các công ty khác (136,7 tỷ). Doanh nghiệp đã phải trích lập dự phòng gần 21 tỷ đồng, đây cũng chính là nguyên nhân khiến chi phí tài chính quý II tăng đột biến lên hơn 47 tỷ (bao gồm 19 tỷ đồng chi phí lãi vay).

Theo kế hoạch kinh doanh 2022, Coteccons dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất 15.010 tỷ đồng, tăng 65% so với năm trước. Tuy nhiên, nhà thầu này chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất 20 tỷ đồng, thấp hơn cả mức lãi đã chạm đáy lịch sử năm trước là 24 tỷ đồng.

Đại diện Coteccons cho biết kế hoạch lợi nhuận năm nay thấp do công ty xác định không lao vào cuộc chiến giảm giá với các nhà thầu khác trên thị trường và áp dụng chính sách trích lập dự phòng rủi ro thận trọng với các khoản phải thu khó đòi, ưu tiên chiến lược phát triển bền vững. Giá vật liệu xây dựng vẫn đang tăng, cộng với những rủi ro bất ngờ trong năm 2021 khiến công ty đặt ra mục tiêu có phần thận trọng trong năm nay.