Thông tin trên được chia sẻ tại buổi hội thảo trực tuyến của Nokia vào ngày 14/9. Theo đó, mặc dù 86% những người có thẩm quyền ra quyết định cho biết họ đã có chiến lược ứng dụng 5G ở mức độ nào đó, nhưng chỉ có 15% hiện đang đầu tư triển khai công nghệ này.  

Chính vì vậy, đẩy mạnh triển khai 5G sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng yếu không chỉ ở Việt Nam mà còn khắp toàn cầu.

Công nghệ 5G sẽ tạo đột phá cho những ngành phụ thuộc nhiều vào tài nguyên hay những ngành phổ biến của Việt Nam như khai thác khoáng sản, dầu khí; sản xuất, y tế,…Như vậy, những ngành này cần có sự chuẩn bị sẵn sàng để tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sắp diễn ra thông qua số hoá các quy trình và tăng cường tự động hoá.

Cụ thể, các thành phố, nhà máy và bệnh viện tương lai của Việt Nam sẽ dựa vào năng lực kết nối mới để phát huy tiềm năng của các giải pháp dựa trên nền tảng 5G như là trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật, và tự động hoá.

Theo ông Hoàng Ngọc Thức, giám đốc công nghệ của Nokia Việt Nam, trong bối cảnh của những thách thức gây bởi đại dịch COVID-19, yêu cầu về kết nối có độ trễ siêu thấp và độ tin cậy siêu cao hiện nay là “vô cùng cấp thiết” trong các ngành kinh tế - từ những lĩnh vực trọng yếu như y tế và dịch vụ tài chính cho tới các lớp học trực tuyến và hoạt động chơi game.

“Trong bối cảnh đất nước quyết tâm triển khai cơ sở hạ tầng thiết yếu để mở rộng phủ sóng 5G trên phạm vi toàn quốc, Nokia tin tưởng rằng công nghệ 5G chính là nền tảng để góp phần mở ra một kỷ nguyên mới về đổi mới sáng tạo, qua đó hỗ trợ sự tăng trưởng trên phạm vi toàn quốc,” bà Dung cho biết.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Việt Nam đặt mục tiêu phát triển xã hội số vào năm 2030 và do đó, việc cung cấp kết nối, truy cập tốt hơn vào các dịch vụ băng rộng sẽ là một tiền đề quan trọng để đạt được mục tiêu quốc gia về kinh tế số.

Theo chia sẻ của Nokia, bước tiếp theo của mục tiêu này là 5G sẽ chính thức đi vào hoạt động tại Việt Nam từ năm 2022.

Hiện nay, Nokia là nhà cung cấp giải pháp 5G hàng đầu toàn cầu. Tại Việt Nam, công ty đã cung cấp hạ tầng mạng GSM đầu tiên (cho Mobifone năm 1993 và Vinaphone năm 1996). Cùng với Viettel, Nokia đã thực hiện cuộc gọi 5G toàn trình đầu tiên trên mạng 5G tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2019.  

Trên thị trường thế giới, Nokia đã ký 183 hợp đồng triển khai mạng 5G thương mại và cung cấp thiết bị cho 69 nhà mạng 5G đang hoạt động của các nhà mạng trên thế giới. Ngoài ra, Nokia còn ký 20 hợp đồng triển khai mạng 5G thương mại tại Khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản - trong đó công ty đóng vai trò chủ động trong việc đưa khu vực này bước vào tương lai của mạng 5G. Công ty còn kết hợp kiến thức chuyên môn về công nghệ mạng và bảo mật để phát triển các giải pháp an ninh mạng cho mạng 5G.