Công ty xe điện VinFast (Việt Nam) dự kiến chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) từ ngày 15/8 sau khi hoàn tất thương vụ hợp nhất với Black Spade Acquisition. Sau hợp nhất, Black Spade sẽ trở thành một công ty con hoàn toàn thuộc sở hữu bởi VinFast và hủy niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán New York.

Với mức định giá doanh nghiệp dự kiến lên đến 27 tỷ USD, VinFast sẽ trở thành nhà sản xuất xe điện lớn thứ 3 thế giới chỉ sau Tesla và Li Auto. Đây cũng là mức định giá cao nhất mà một doanh nghiệp Việt Nam từng chạm đến từ trước đến nay.

vinfast-niem-yet-nasdaq-1692072840.jpg
 

Không chỉ là mức định giá cao nhất từ trước đến nay dành cho một công ty đến từ Việt Nam, với sự kiện này, VinFast được kỳ vọng là người mở cánh cửa sang Mỹ cho các công ty Việt Nam khác, trong bối cảnh nhiều đơn vị cũng có nhu cầu tìm đến một thị trường vốn có quy mô lớn hơn.

Sự ra đời của VinFast - bước ngoặt từ kinh doanh bất động sản sang sản xuất ô tô của Vingroup - là một sự bất ngờ và đầy những nghi ngờ. Kế hoạch niêm yết trên sàn Mỹ càng gặp nhiều nghi ngờ hơn nữa. Có thời điểm tưởng chừng kế hoạch này đã thất bại. Nhưng cuối cùng VinFast cũng thành công đem chuông đi đánh sàn ngoại.

Vậy đạo diễn cho thương vụ này của Vinfast là ai? 

Đầy tiên chính là Chardan Capital Markets, LLC (Chardan), đơn vị tư vấn cho thương vụ sáp nhập giữa VinFast và Black Spade là Chardan Capital Markets, LLC (Chardan). Là định chế chưa quen tên với phần đông giới đầu tư Việt, nhưng đừng vì thế mà xem nhẹ Chardan.

Thành lập từ năm 2002, Chardan có hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư (investment bank), đã tham gia bảo lãnh, cố vấn và tài trợ cho hơn 170 thương vụ liên quan tới SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt), với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 38 tỉ USD.

thuong-vu-de-doi-1671-1692084939.png
Một số thương vụ gần nhất mà Chardan Capital Markets tham gia thu xếp

Công ty này cũng bày tỏ mối quan tâm tới khách hàng tại Trung Quốc, Việt Nam, Châu Phi và Đông Âu. Chardan tự giới thiệu đã giúp huy động vốn cho 54 đợt IPO SPAC quốc tế, với giá trị giao dịch hơn 4,1 tỉ USD và 27 thương vụ sáp nhập SPAC quốc tế, với giá trị giao dịch hơn 10 tỉ USD.

Tuy vậy, 'deal' VinFast và Black Spade vẫn là thương vụ có giá trị 'khủng' nhất của Chardan từ trước đến nay mà công chúng biết tới.

jonas-grossman-2-5538-1692084933.pngÔng Jonas Grossman - Chủ tịch Chardan Capital Markets

Hiện tại, đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch (President) của Chardan là ông Jonas Grossman. Gia nhập Chardan từ năm 2003, ông Grossman chuyên quản lý các hoạt động thị trường vốn và ngân hàng đầu tư.

Trong bài viết có tựa đề 'Meeting 'Mr SPACS'', xuất bản vào tháng 5/2022, tờ The Fintech Times dẫn lời ông Jonas Grossman chia sẻ về những thăng trầm trong lĩnh vực SPAC.

Khi được hỏi "Tại sao các công ty chọn SPAC(?)", ông Jonas Grossman cho biết, trong thị trường đầy biến động, SPAC là 'cửa' duy nhất (the only game in town) dành cho các công ty tư nhân muốn niêm yết cổ phiếu.

"Nếu một công ty tư nhân muốn huy động vốn ở vòng cuối (later stage financing), họ cần phải cân nhắc: Liệu có nên đi theo lộ trình IPO truyền thống, hay thử đi theo con đường SPAC?. Những lợi ích hoặc hạn chế là gì?. Không phải giải pháp nào cũng đều phù hợp với mọi công ty, nó phụ thuộc vào nhu cầu của họ", ông Grossman nói.

Theo người đứng đầu Chardan, SPAC có nhiều ưu điểm so với IPO – vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo thông lệ, khi IPO, doanh nghiệp muốn niêm yết sẽ ‘thuê’ một loạt ngân hàng – cam kết một mức định giá nhất định, tiêu tốn rất nhiều tiền và phải tuân theo các quy định của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC). Sau đó, họ sẽ khởi động một cuộc roadshow trong 2 tuần. Nếu thị trường biến động, nó có thể gây hại cho doanh nghiệp vì các cuộc đàm phán định giá được thực hiện một cách công khai.

Trong khi đó, SPAC có một chút khác biệt. Khi đi theo lộ trình này, các công ty tư nhân sẽ tìm đến SPAC mà họ cho là phù hợp. Quá trình này sẽ được giữ bí mật, qua đó giúp các công ty có thời gian gặp gỡ các nhà đầu tư mục tiêu.

Sau khi có được các nhà đầu tư ‘ruột’ và thống nhất về định giá, doanh nghiệp muốn niêm yết sẽ quyết định xem có muốn thực hiện thỏa thuận sáp nhập với SPAC và chuyển sang giai đoạn tiếp theo hay không.

Các bước thực hiện được bảo mật cho phép các doanh nghiệp muốn niêm yết kiểm soát được quy trình, và theo ông Jonas Grossman, hậu Covid-19, SPAC đã trở thành một sự lựa chọn tối ưu để các công ty 'lên sàn'.

Ngoài Chardan Capital Markets, LLC, một nhân vật khác quan trọng nhất phải kể đến trong thương vụ niêm yết này của VinFast phải kể đến chính là bà Lê Thị Thu Thủy, chủ tịch Vinfast và là cánh tay phải của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho toàn bộ dự án tham vọng này. 

“Đây là cột mốc lớn đối với chúng tôi khi niêm yết tại Mỹ. Sự kiện này mở ra cho VinFast cơ hội tiếp cận với nhiều hơn các thị trường vốn trong thời gian tới”, CEO Lê Thị Thu Thủy trả lời phỏng vấn đài CNBC sáng 15/8 theo giờ châu Á.

341468933-547819230781113-6859045396159152381-n-1692088823.jpg
 
Bà Lê Thị Thu Thủy, chủ tịch Vinfast

Bà Thủy sinh ngày 22/07/1974 tại Bình Định, tốt nghiệp cử nhân Kinh tế, đại học Ngoại Thương, có bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) đại học Quốc tế Nhật Bản.

Trước khi đến với Vingroup, bà Thủy từng làm việc tại Chương trình Tín dụng của Ủy ban Châu Âu tại Việt Nam từ năm 1996 tới năm 1998, và giữ chức Phó Chủ tịch ngân hàng đầu tư của Lehman Brothers tại thị trường Nhật, Thái Lan và Singapore từ năm 2000 tới năm 2008.

Từ năm 2008, bà gia nhập VinGroup với vai trò CFO và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại tập đoàn trước khi được bổ nhiệm chức vụ tổng giám đốc VinFast toàn cầu. Các vị trí khác bà từng đảm nhiệm tại VinGroup bao gồm Tổng giám đốc Tập đoàn VinGroup; Tổng giám đốc Công ty VinSmart.

Với cương vị là chủ tịch toàn cầu của VinFast, bà Thủy là người trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh của VinFast tại các thị trường hiện nay như Việt Nam, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan và bà cũng chịu trách nhiệm nghiên cứu và mở rộng kinh doanh của VinFast sang các thị trường tiềm năng khác.

Trong quá trình tham gia vào Vingroup, bà Thủy đã có những đóng góp lớn khi trực tiếp thực hiện thành công nhiều thương vụ quan trọng với đối tác nước ngoài cho Tập đoàn như: Phát hành 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế của Vincom vào năm 2009 và 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế của Vingroup vào năm 2012...

Đặc biệt, trong năm 2013, bà Thủy là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) bình chọn là một trong 199 "Lãnh đạo trẻ toàn cầu 2013" - Young Global Leaders (YGL) Class of 2013 về những đóng góp của mình trong điều hành.

Tháng 6.2017, Vingroup quyết định gia nhập thị trường ô tô. Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng gọi cho bà Lê Thị Thu Thủy, khi ấy còn giữ chức vụ Phó Chủ tịch Vingroup, và yêu cầu bà mở nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên của Việt Nam.

Bà Thủy cho biết: “Tháng 9.2017, tôi bắt đầu đi khắp thế giới để nói với mọi người trong ngành ô tô và cung ứng. Họ nghĩ rằng chúng tôi điên rồi nhưng sau đó bắt đầu tin vào kế hoạch của chúng tôi. Chúng tôi có quan hệ tốt đẹp với BMW ngay từ lúc bắt đầu cũng như tương tác khá tốt với GM”.

Sau khoảng 21 tháng thành lập, VinFast khánh thành tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy điện rộng 335 héc ta tại khu công nghiệp Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng) và bàn giao những chiếc xe Fadil đầu tiên cho khách hàng – một tốc độ triển khai dự án thần tốc với sự khởi đầu lĩnh vực kinh doanh mới từ con số 0. Tháng 11.2022, tại triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES, VinFast công bố chiến lược phát triển thành công ty sản xuất xe điện 100% và công bố các dòng xe điện hoàn chỉnh phân khúc A-B-C-D-E. VinFast đang tiên phong triển khai mô hình kinh doanh cho thuê pin tại tất cả thị trường.

Ngày 2.10.2018, VinFast - doanh nghiệp sản xuất ô tô của Tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam Vingroup đã khiến cho cả ngàn người trên thế giới “ngưỡng mộ và thán phục” khi chính thức ra mắt bộ đôi sản phẩm ô tô đầu tiên của mình mang tên LUX A2.0 cho dòng Sedan và LUX SA2.0 cho dòng SUV tại Paris Motor Show 2018.

Bà Thuỷ chính là người phát biểu mở màn cho buổi lễ ra mắt 2 dòng xe của VinFast tại sự kiện Paris Motor Show 2018 và được coi là cầu nối giữa tỷ phú Phạm Nhật Vượng với toàn bộ dự án tham vọng này.

Mới đây nhất, Bà Lê Thị Thu Thủy là người đại diện cho VinFast cùng các quan chức Việt nam và Mỹ chính thức khởi công dự án nhà máy sản xuất xe điện tại hạt Chatham, Bắc Carolina, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu xe điện toàn cầu và tự chủ nguồn cung của hãng tại khu vực Bắc Mỹ.

photo-2-6183-1692086857.jpg
Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast phát biểu tại buổi lễ.

Dự án nhà máy của VinFast là cơ sở sản xuất xe điện đầu tiên tại Bắc Carolina, đồng thời là dự án phát triển kinh tế lớn nhất trong lịch sử bang cho đến thời điểm hiện tại.

Nhà máy VinFast tại Bắc Carolina có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2 tỷ USD, trên quy mô 733 ha và được chia thành 5 phân khu sản xuất chính, bao gồm: xưởng hàn thân vỏ, xưởng lắp ráp, xưởng dập, xưởng sơn và trung tâm năng lượng. Ngoài ra, trong khuôn viên nhà máy sẽ có các công trình chức năng khác như nhà bảo vệ, nhà máy bơm, và nhà tập trung rác thải…