Nếu cha mẹ họ là những người thành công trên chính trường, thì họ sẽ là nơi nhiều người nhắm tới. Họ "được" nhắm tới để giúp người khác tiến thân, kiếm tiền. Còn họ "bị" nhắm tới vì họ chính là tử huyệt của cha hay mẹ mình.
Khi họ "được" nhắm tới, đương nhiên cuộc sống vật chất của họ sẽ rất rất tốt. Nhưng họ có thể tiêu được nhiều tiền không? Không! Vì nếu họ làm vậy thì họ sẽ hại cha mẹ họ. Họ đành im ắng mà hưởng thụ cuộc sống thôi. Có tiền mà chẳng được tiêu là không sướng rồi!
Khi họ "bị" nhắm tới thì sao? Họ phải sống khép kín, chuẩn mực hết sức có thể, phải tròn trịa với tất cả mọi người. Họ không thể thể hiện những gì mình muốn, những gì mình thích. Chắc chắn họ phải hy sinh mọi thứ của bản thân. Vì nếu có sơ hở, họ sẽ là mũi giáo mà kẻ thù dùng để đâm chính cha mẹ mình. Đương nhiên cuộc sống chả sung sướng chút nào.
Thế hệ F2 của các doanh nhân thì dễ thở hơn. Họ có thể sống gần như ý họ muốn. Nhưng họ bị một áp lực vô cùng lớn, đó là cái bóng của phụ huynh. Người ta đến với họ cũng vì cái bóng, người ta chê cười họ cũng vì cái bóng. Để vượt qua cái bóng và khẳng định được mình là điều không hề dễ dàng. Họ phải nỗ lực không chỉ trong tri thức, mà còn phải nỗ lực rất lớn trong cả tâm lý của mình.
Và ở chiều ngược lại, chính khách hay doanh nhân khi hết thời, khi thất thế, khi vướng vào bê bối, thì thế hệ F2 chính là những người chịu hậu quả nặng nề nhất.
Con chính khách thì chắc chắn không thể tiến thân, sự nghiệp dừng lại, có khi còn bị "đánh" cho tơi tả. Còn con doanh nhân thì cũng không thể tìm được hậu thuẫn để phát triển nữa.
Vậy "ngậm thìa vàng" có sướng như mọi người nghĩ không? Vàng nào cũng phải qua lửa, không rèn, không luyện chắc chắn bị bỏng, không sung sướng gì đâu!