Hiện nay, Nhạc Số đã bị “khai tử”, Nhạc Của Tui sở hữu một lượng người dùng ổn định với trên 2 triệu lượt truy cập mỗi ngày và Zing MP3 đã trở thành trang nghe nhạc trực tuyến lớn nhất ở Việt Nam.

Nhạc Số (nhacso.net)

Được FPT ra mắt từ tháng 6/2005, nhacso.net thực sự đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của những người yêu âm nhạc, đặc biệt là nhạc Việt Nam. Vào thời điểm đó, khó có thể tìm được một trang web nào vừa có giao diện dễ nhìn, vừa sở hữu lượng bài hát phong phú như nhacso.net. Website này đã từng có những giai đoạn ở thời kỳ "đỉnh cao" khi dẫn đầu về lượng người dùng tại Việt Nam.

nhac-5-1638465619.jpg

Tuy nhiên, sau 6 năm hoạt động nhacso.net đã có dấu hiệu chững lại, lượng người dùng nghe nhạc trực tuyến trên website cũng giảm đi khá nhiều.

Nguyên nhân chính là do nhacso.net chậm đổi mới, không bắt kịp xu thế. So với các đối thủ như NhacCuaTui hay Zing MP3 ngày càng phát triển và tập trung đẩy mạnh ứng dụng cho nền tảng di động thì nhacso.net vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Phải đến ngày 11/4/2015, nhacso.net mới tung ra ứng dụng di động. Trong khi NhacCuaTui đã có ứng dụng trên mobile vào năm 2010, còn Zing MP3 là năm 2011.

Vào năm 2011, nhacso.net đã quyết định “lột xác” bằng cách ra mắt phiên bản 2.0: thay đổi từ một website nhạc trực tuyến có bản quyền thành một trang trực tuyến mang tính mở, cho phép người dùng chia sẻ âm nhạc và tương tác nhiều hơn.

Phiên bản 2.0 này cũng mang đến cho người dùng một số tính năng nổi bật như: nghe nhạc theo cảm xúc, làm quen kết bạn có cùng sở thích âm nhạc, xây dựng tủ nhạc và bình luận các bản nhạc hay của bạn bè… Dù phiên bản này được đánh giá là có nhiều tính năng mới, hướng đến người dùng nhiều hơn nhưng vẫn không giữ chân được người dùng.

Cuối cùng, đến tháng 10/2016, nhacso.net đã chính thức bị đơn vị chủ quản là FPT Telecom "khai tử" sau 11 năm hoạt động.

Lý do cho việc đóng cửa nhacso.net được cơ quan chủ quản là FPT Telecom đưa ra là: do người dùng đang chuyển sang các hình thức nghe nhạc trực tuyến khác, thay vì hình thức như đơn vị này cung cấp.

Trên thực tế, lý do này không thực sự thuyết phục vì cả NhacCuaTui hay Zing MP3 đều cung cấp mô hình tương tự như nhacso.net nhưng vẫn giữ vững được tốc độ tăng trưởng tại thời điểm đó. Vấn đề thực sự của nhacso.net nằm ở việc: bỏ ra chi phí bản quyền lớn, nhưng thu lại không được bao nhiêu lợi nhuận, bắt buộc phải đóng cửa vì hoạt động thiếu hiệu quả.

NhacCuaTui (nhaccuatui.com)

Ra đời vào ngày 05/08/2007, NhacCuaTui.com (NCT) lúc mới hình thành chỉ là một webiste để bạn bè chia sẻ những bài hát yêu thích được tạo ra bởi ông Nhan Thế Luân.

nhac-10-1638465655.png
Ông Nhan Thế Luân -  Founder của NhacCuaTui

Ban đầu, ông Luân quyết định bỏ ra khoảng 10 USD để mua một tên miền gọi là "NhacCuaTui". Sau đó, khi lượng truy cập trang web đạt con số vài nghìn và bắt đầu nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng internet, ông Luân quyết định sẽ phát triển và xây dựng website theo hướng chuyên nghiệp hơn, hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài.

Lúc mới lập nghiệp, ông Luân và NhacCuaTui cũng gặp phải những khó khăn mà phần lớn startup nào cũng gặp phải như: về tài chính, về kĩ thuật, về cách marketing, về doanh thu… Để giải quyết những vấn đề trên, Nhan Thế Luân đã tự mình mày mò tìm hiểu và luôn cố gắng đưa ra những giải pháp hiệu quả và tiết kiệm nhất.

Sau một thời gian, lượng người truy cập bắt đầu tăng lên và những quảng cáo đầu tiên cũng xuất hiện. Từ đó, công ty bắt đầu có doanh thu.

Với nhũng nỗ lực không ngừng, sau hơn 14 năm hoạt động dưới sự dẫn dắt của Nhan Thế Luân, NCT đã vươn lên trở thành một trong những nền tảng nhạc được yêu thích hàng đầu tại Việt Nam.

Về lượng truy cập, hiện nay mỗi ngày NhacCuaTui.com có trên 2 triệu lượt truy cập và nằm trong Top 5 website có lượng truy cập cao nhất Việt Nam.

Về mặt doanh thu: có một thực trạng hiện nay là không nhiều dùng chịu trả tiền để nghe nhạc trực tuyến, dù đó là nhạc chất lượng cao.

Điều này khiến các trang nghe nhạc trực tuyến phải tìm nguồn doanh thu từ nhiều thứ khác chứ không thể trông chờ vào túi tiền của khách hàng và NCT cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Cụ thể, ngay từ năm đầu thành lập NCT đã đạt doanh thu 300 triệu đồng từ tiền quảng cáo và đến 2010 tiền quảng cáo vẫn chiếm khoảng 80% doanh thu NCT.

nhac-12-1638465755.png
Giao diện NhacCuaTui

Về vấn đề bản quyền, chiến lược hoạt động của NCT kể từ những ngày đầu đến nay là luôn chú trọng đến bảo vệ bản quyền, tác quyền cho nghệ sĩ.

Ngay từ những năm đầu thành lập, Nhan Thế Luân là đã từng đến Hội công nghiệp Ghi âm Việt Nam, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt, những hãng đĩa, ca sĩ… để ký bản quyền. Đến khoảng năm 2011-2013, NhacCuaTui là một trong những đơn vị đầu tiên ký bản quyền với các đơn vị quốc tế như: Sony Music, Universal Music và Warner Music.

“Về mục tiêu trong tương lai, cứ hai năm NhacCuaTui lại nâng cấp thêm nhiều tính năng giúp khách hàng sử dụng dễ dàng hơn, nghệ sĩ tiếp cận với người dùng tốt hơn cùng tham vọng sẽ có phiên bản riêng dành cho thị trường nước ngoài”, ông Nhan Thế Luân từng chia sẻ trong một lần phỏng vấn với Tuổi Trẻ.

Tuy nhiên, mới đây ông Nhan Thế Luân đã thông báo rằng: mình đã rời khỏi NhacCuaTui, sau 14 năm gắn bó với công ty.

“Không phải vì hết đam mê mà là có nhiêu skill (kỹ năng) đã xài hết và công ty cũng cần trẻ hơn, năng động mới hơn, sáng tạo hơn…”, ông Nhan Thế Luân chia sẻ về lý do quyết định rời khỏi NCT.

Có thể xem việc NCT dù khó khăn song vẫn cố gắng sinh tồn bởi họ chỉ là 1 startup, dừng lại xem như thua cuộc và mất hết; trong khi  cả nhacso.net và Zing MP3 đều được hậu thuẫn bởi hai tập đoàn lớn là FPT và VNG, nếu có đóng hoặc dừng lại thì chỉ như mất '1 sợi lông trên con trâu'.

Zing MP3 (mp3.zing.vn)

Cùng thời với NhacCuaTui, Zing MP3 cũng ra đời vào năm 2007. Ngay tại thời điểm đó, xu hướng nhạc trực tuyến là chỉ nghe những gì sẵn có trên website. Vì thế, Zing MP3 ra đời đã mở ra một xu hướng nghe nhạc mới: tìm kiếm bài hát mà mình ưa thích.

Sau 3 tháng ra mắt, Zing MP3 đã vượt mặt các đối thủ khác trên thị trường và trở thành website số một về âm nhạc với hàng triệu lượt nghe mỗi ngày.

Đến tháng 9/2010, Zing MP3 đã tổ chức Zing Music Awards - Giải thưởng âm nhạc trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam nhằm ghi nhận và vinh danh những nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp trên thị trường âm nhạc trực tuyến.

Vào tháng 3/2011, Zing MP3 có bước tiến mới khi ra mắt ứng dụng trên thiết bị di động trên iOS, Android và sau đó là Windows Phone. Nhờ liên tục cải tiến sản phẩm để đáp ứng nhu cầu người dùng, Zing MP3 luôn nằm trong Top 3 ứng dụng được tải nhiều nhất trên các kho ứng dụng.

Tháng 12/2012, Zing MP3 ký hợp đồng bản quyền âm nhạc Quốc tế với Universal Music Group. Đến tháng 6/2013, Zing MP3 tiếp tục sở hữu kho bài hát quốc tế khổng lồ khi ký kết thành công với hãng ghi âm quốc tế Sony Music Group và là đối tác quan trọng của Youtube.

Bên cạnh đó, Zing MP3 còn hợp đồng độc quyền với rất nhiều ca sĩ và nhóm nhạc nổi tiếng như: Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Lệ Quyên, Thủy Tiên, Hiền Thục… Với hàng loạt các ký kết về âm nhạc trong và ngoài nước, cũng như lượng người dùng cao, Zing MP3 đã trở thành trang nghe nhạc trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam với thị phần chiếm đến gần 50%.

nhac-19-1638465866.PNG
Giao diện Zing MP3

Dù chiếm thị phần lớn nhưng Zing MP3 cũng dính vào nhiều bê bối về vi phạm bản quyền âm nhạc. Trong đó nổi bật nhất phải kể đó là: Trung tâm sản xuất, phát hành nhạc Làng Văn kiện Zing MP3 vi phạm bản quyền ở Mỹ vào năm 2004. Theo đơn kiện, Làng Văn cáo buộc Zing đã sử dụng trái phép hơn 3.000 bài hát và hơn 600 album nhạc mà Làng Văn có bản quyền. Tuy nhiên, đến nay vụ kiện vẫn chưa có hồi kết.

Với Zing MP3, dù doanh thu của từ quảng cáo, nhạc chuông chờ… vẫn ổn định nhờ lượng lớn người dùng nhưng dễ dàng để nhận thấy rằng trong suốt vài năm qua Zing MP3 không có bất kì tính năng nào thực sự đột phá. So với những sản phẩm chiến lược khác của VNG như Zalo hay Zing News, thì rõ ràng Zing MP3 “vẫn đang đứng yên”. Dường như, VNG đã buông mảng nội dung giải trí số và không còn đầu tư bài bản như xưa.

Trước đây, tại Việt Nam, lựa chọn nghe nhạc số chất lượng cao duy nhất là sử dụng các dịch vụ trực tuyến miễn phí do các công ty trong nước cung cấp. Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin cùng yêu cầu của người dùng, nhiều dịch vụ nghe nhạc chất lượng cao miễn phí hoặc có trả phí đã bắt đầu tràn vào Việt Nam như: Youtube, Spotify hay Apple Music.

Việc các ứng dụng này xuất hiện, đã tạo lên sự cạnh tranh đáng gờm với những tên tuổi khác trong nước như NhacCuaTui hay Zing MP3, trong việc đem lại sự trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. 

Không thể phủ nhận rằng thói quen nghe nhạc miễn phí đã ăn sâu vào tiềm thức của đa số người Việt, đồng thời tác động trực tiếp, theo chiều hướng tiêu cực đến sự phát triển của mô hình kinh doanh nhạc số tại Việt Nam. Chừng nào YouTube và nhiều ứng dụng khác còn cho nghe nhạc miễn phí, thì chừng đó những Spotify hay NCT còn lỗ. Vậy nên, vấn đề là ai sẽ 'căn răng' chịu lỗ tốt hơn và làm sao để cho mức lỗ thấp nhất có thể bằng cách phát triển hoặc sáng tạo những cách thức khác, để khai thác hiệu quả (tức tạo ra tiền) tệp người dùng lớn mà mình đang có.