Sáng 24-2 ngủ dậy tôi thấy có gần 60 tin nhắn. Tin nhắn đầu tiên đập vào mắt tôi là ba chữ “Nga đánh Ukraine” của một người bạn ở Mỹ. Lướt xuống bên dưới là tin nhắn mấy chữ bằng tiếng Anh của bạn giám đốc đầu tư một quỹ ở Úc mà tôi tư vấn, ngắn gọn “Cậu lại đúng rồi”.
Tôi tự hỏi, “Nga đánh thật rồi?”. Lao vào mở máy tính, đọc tin từ Bloomberg và Financial Times, tôi nhận ra, Nga tấn công Ukraine rồi. Tờ Financial Times giật tít “Quân Nga tràn vào Ukraine theo ba mũi tấn công Bắc, Nam và Đông”.
Trước đó mấy ngày, tôi, anh bạn giám đốc đầu tư ấy cùng hai bạn kinh doanh vốn tranh cãi quyết liệt về chuyện có nên mua vào dầu ở giá khoảng 91 đô la Mỹ/thùng như một giao dịch để phòng ngừa lại tình huống Nga tấn công Ukraine hay không. Vào thời điểm đó, người ta vẫn còn tin rằng Nga sẽ không tấn công Ukraine. “Nga không dám vì tổn hại kinh tế sẽ khủng khiếp” – đó là tầm nhìn của đa số các bạn. Tôi cũng ngại như vậy, nhưng tôi càng ngại hơn nếu Nga tấn công. Quan điểm của tôi là “ai cũng nghĩ vậy nên nếu Nga tấn công thì làm sao?”, “các vị thế đầu tư của chúng ta có thể lỗ nặng nếu không phòng ngừa tình huống đó”.
Cuối cùng chúng tôi thống nhất thỏa thuận là mở vị thế phòng thủ, tăng tiền mặt, đóng lại một số vị thế đầu tư cược là Nga không đánh và mở một vị thế đầu tư dầu với giá “chát” 91 đô la/thùng. May mắn là tôi đúng.
Nhưng không quan trọng là tôi đúng hay sai, kiếm được tiền hay không, mà là tôi học được nhiều thứ từ sự kiện xung đột ở Ukraine lần này.
Điều đầu tiên tôi học được là không có gì là chắc chắn với những xung đột như vầy. Trước ngày hôm nay, có những người bình luận “chắn chắn Nga không dám tấn công”, những dự đoán của Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ là dọa nạt, hồ đồ vì đây là một cuộc chiến không ai muốn đánh, chỉ “diễn” thôi.
Khi thị trường tài chính thở phào sau khi tổng thống Mỹ tuyên bố trừng phạt kinh tế Nga không quá nặng tay ngày 22-2, có người lại khẳng định như đinh đóng cột “vụ việc ở Ukraine coi như đã xong rồi, sẽ không ảnh hưởng gì đến thị trường nữa”.
Chỉ chưa đầy hai ngày sau khi tôi đọc được nhận định đó, Nga đưa quân tấn công Ukraine và thị trường tài chính ở châu Âu tiếp tục “đỏ lửa”.
Những người có nhận định chắc chắn như vậy có thể vì họ đã đọc được những nhận định của một số chuyên gia ngồi ở trong một phòng máy lạnh ở cách nơi diễn ra căng thẳng hàng ngàn cây số viết bình luận về diễn biến ở Ukraine. Nhiều ý kiến chuyên gia nghiên cứu sâu sắc về chính trị là đáng tham khảo, và tôi cũng bỏ tiền mua những báo cáo đó. Nhưng tôi không tin hết vào một bên nào, cũng không dám kết luận chắc chắn như những bạn đó.
Lấy ví dụ, một trong những nguyên nhân khiến tôi lo sợ Nga rồi sẽ tấn công Ukraine là vì tôi đã đọc được quan điểm của chuyên gia John Mearsheimer do tác giả Nguyễn Xuân Hoài dịch và đưa lên trang Nghiên cứu quốc tế. Tôi đặc biệt chú ý luận điểm “Nga không muốn có một lá chắn của phương Tây chình ình trước ngưỡng cửa nhà mình. Điều này, xét theo quan điểm của Nga, là hoàn toàn hợp lý. Tôi không hiểu tại sao rất nhiều người ở phương Tây không chịu hiểu điều đơn giản này. Chúng tôi ở Mỹ có học thuyết Monroe, trong đó nói rất rõ không một cường quốc lớn nào có thể thành lập một liên minh quân sự với bất kỳ quốc gia nào ở Tây bán cầu và đóng quân ở đó. Người Nga có phiên bản riêng của học thuyết này và hiện đang cố gắng áp dụng nó. Cuộc khủng hoảng hiện nay là kết quả trực tiếp của quyết định ngu ngốc của Mỹ và các đồng minh dự định kết nạp Ukraine vào NATO”.
Tôi không phải chuyên gia về chính trị học để bình luận về học thuyết Monroe, nhưng tôi đặc biệt chú ý luận điểm về việc “lá chắn của phương Tây chình ình trước ngưỡng cửa nhà mình”. Luận điểm này hầu như không được khai thác hay được nhấn mạnh bởi các kênh truyền thông cũng như báo cáo phân tích chính trị, tài chính mà tôi nhận được. Tôi nhớ ở đâu đó trên tờ Economist hình như có viết một vài dòng về việc này, và chuyển sang chú ý về những gì mà phương Tây đang làm để ngăn chặn cuộc chiến cũng như cái giá mà Nga phải trả nếu tấn công Ukraine.
Vì vậy, rủi ro này rõ ràng tồn tại, và có cơ sở phân tích. Chỉ là người ta bỏ qua nó. Vì sao?
Tôi nghĩ có thể lý giải nó theo cách nhìn của nhà tâm lý học đoạt giải Nobel Kinh tế Daniel Kahneman trong quyển sách có tựa đề là Nhiễu thông tin – Sai sót trong quyết định của con người mà ông viết chung với hai giáo sư Olivier Sibony và Cass Sunstein. Một trong những tư tưởng chủ đạo của quyển sách này là con người thường đưa ra nhận định hay quyết định sai vì họ bị ảnh hưởng của hai nhân tố: thiên kiến và nhiễu thông tin, với công thức “Sai sót = Thiên kiến + Nhiễu”.
Vì nhiều người có thể có thiên kiến về sức mạnh Mỹ và khối quân sự NATO của phương Tây, vì việc Nga sợ tổn hại kinh tế, và bị nhiễu bởi đủ loại tin tức và bình luận xung quanh sự kiện ảnh hưởng đến tâm lý và quyết định của mình, họ có thể đưa ra đánh giá ban đầu sai lệch. Và thiên kiến từ sai lệch ban đầu tiếp tục khuếch đại thêm.
Những định kiến ban đầu về Nga, về Mỹ, về ông Putin, ông Biden đã khiến người ta không thể nhìn nhận vấn đề một cách khách quan nữa.
Kết quả, người ta đã đi đến những quyết định đầu tư như kiểu đặt cược vào một canh bạc Ukraine, trong khi đúng ra cần duy trì một cách nhìn tỉnh táo là điều gì cũng có thể xảy ra, và trong điều kiện đó cần phải có giải pháp phòng ngừa rủi ro tương ứng.
Biết sợ, biết nói “không biết” và bình tĩnh điều chỉnh hành vi thay vì giữ cái đầu nóng, kiên quyết chỉ đặt cược vào một hướng, tạo ra khác biệt rất lớn và giúp tôi giữ được tiền trong giai đoạn này.
Điều thứ hai tôi học được, còn quan trọng hơn. Đó là không thể trông cậy vào trừng phạt kinh tế hay những khối quân sự lớn bảo bọc để mong rằng một nước lớn sẽ không hành động gây chiến với một nước nhỏ nhân danh lợi ích quốc gia của mình. Thị trường cổ phiếu Nga mất giá gần 50%, đồng ruble của Nga mất giá không phanh, nhưng ông Putin vẫn quyết tâm tấn công. Và NATO không đưa quân vào Ukraine. Canh bạc tấn công Ukraine của ông Putin đã bắt đầu như vậy đó.
Nói vậy để thấy, không gì có thể ngăn chặn một cường quốc đầy tham vọng làm điều mà lãnh đạo họ cho rằng phù hợp với lợi ích của nước đó, và không thể trông cậy vào vai trò “gìn giữ hòa bình” của phương Tây. Trở nên hùng cường, đứng được trên đôi chân mình, chứ không phải vốn đầu tư ngoại, nhờ những khoản ưu đãi đầu tư nước ngoài, mới chính là cách để tự bảo vệ mình tốt nhất. Lúc đó thì không ai dám mạo muội lặp lại một canh bạc Ukraine ở nơi khác nữa.
Nguồn: TBKTSG
https://thesaigontimes.vn/canh-bac-o-ukraine/?