h-1623062639.jpeg
Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa VPBank và SMBC trong thương vụ bán vốn tại FE Credit. (Nguồn: VPBank)

Mọi thông tin đều hướng đến 1 cái tên

Với tỷ suất sinh lời lên đến hơn 120% kể từ đầu năm, cổ phiếu VPB của VPBank là một trong những mã có diễn biến giá tốt nhất ngành ngân hàng nói riêng và toàn thị trường thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung. 

Đi cùng với độ ''hot'' của cổ phiếu, giới đầu tư cũng theo dõi sát hoạt động kinh doanh của nhà băng này với ''game'' được kỳ vọng nhất là thương vụ phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược dự kiến hoàn thành trong năm nay. Thậm chí, ngân hàng còn có thể dùng thêm cả lượng cổ phiếu quỹ đang có để bán cho đối tác nước ngoài.

Thông tin này đã được ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank xác nhận trong đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua: ‘’Room ngoại mới ở mức 20% và ngân hàng tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để huy động thêm vốn, có thể thực hiện vào cuối năm nay’’.

Thêm nữa, VPBank mới đây thông báo khóa 'room' ngoại ở mức 15%, so với quy định về giới hạn sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng Việt Nam là 30%. Phần "room ngoại" còn trống, tương ứng 15% vốn điều lệ VPBank, bằng tỷ lệ sở hữu tối đa của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại một ngân hàng.  Trước đó, Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho biết sau khi tìm đối tác chiến lược, ngân hàng sẽ xin khóa "room" và chào bán cổ phần.

Mặc dù VPBank chưa tiết lộ danh tính đối tượng hướng đến nhưng theo một số nguồn tin chưa chính thức trên thị trường, Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (Nhà đầu tư đến từ Nhật Bản) đang đàm phán trở thành đối tác chiến lược của VPBank sau thương vụ mua lại 49% vốn FE Credit.

Thông tin này hoàn toàn có cơ sở khi SMBC đã phát tín hiệu ‘buông tay’’ Eximbank sau gần 13 năm làm cổ đông chiến lược. Theo đó, cổ đông ngoại này đã không cử người tham dự đại hội thường niên 2021 diễn ra vào ngày 27/4 của Eximbank sau khi rút thành viên đại diện vốn góp trong Hội đồng quản trị vào cuối năm 2019.

Theo luật định, một tập đoàn tài chính nước ngoài không thể là cổ đông chiến lược lâu dài và quy mô (nắm giữ 15% vốn) cùng lúc tại hai tổ chức tín dụng. Điều đó có nghĩa nếu tham gia đầu tư vào VPBank, SMBC phải thoái vốn khỏi Eximbank

Bên cạnh đó, Báo Đầu Tư cũng dẫn một nguồn tin cho biết đại diện các nhóm nhà đầu tư nội quan tâm đến cổ phần Eximbank của SMBC đã có những cuộc tiếp xúc, đánh tiếng về giá cả chuyển nhượng.

Khả năng SMBC tiếp tục bắt tay với VPBank càng được củng cố khi trong báo cập nhật mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) - đơn vị tư vấn thương vụ bán vốn FE Credit và sở hữu 1% vốn tại đây - cho rằng nhà đầu tư chiến lược mà VPBank đang đàm phán là một tổ chức đến từ Nhật Bản.

VPBank hưởng lợi lớn nếu SMBC trở thành cổ đông chiến lược?

Theo VCSC, VPBank có thể chào bán cho 1 nhà đầu tư chiến lược theo nhiều giai đoạn với đợt đầu tiên dự kiến diễn ra vào năm 2021 với việc bán 60,2 triệu cổ phiếu quỹ, tiếp theo là đợt chào bán lớn hơn 344 triệu cổ phiếu trong năm 2022 (tỷ lệ cổ phiếu sơ cấp/thứ cấp là 50:50) để tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) hợp nhất từ 11,7% năm 2020 lên 18,5% năm 2022. 

Tỷ lệ CAR tăng theo từng giai đoạn sẽ cho phép ngân hàng tăng tốc độ tăng trưởng tín dụng từ 17,5% năm 2021 lên mức đỉnh 22,1% vào năm 2023 và sau đó giảm dần xuống 18,2% vào năm 2025. 

VCSC cho rằng nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào vị trí cổ đông chiến lược của VPBank sẽ làm gia tăng tiền gửi ngoại hối từ các tổ chức tín dụng đáng kể tương tự diễn biến tại Vietcombank. Hiện tại, chỉ có Vietcombank và VietinBank là có lượng tiền gửi ngoại hối từ các tổ chức tín dụng khá lớn và cả 2 đều có các ngân hàng Nhật Bản làm nhà đầu tư chiến lược. 

Trên cơ sở đó, nhóm phân tích dự báo tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại VPBank tăng từ 2,5% trên tổng nợ phải trả có phát sinh lãi (bao gồm cả tiền gửi) vào năm 2020 lên 7% vào năm 2025, điều này sẽ được thúc đẩy chủ yếu bởi tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức tín dụng bằng ngoại tệ sau sự hiện diện của nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản. Kịch bản này - cùng với sự gia tăng dự kiến trong tỷ lệ CASA - dự kiến sẽ làm giảm chi phí huy động hợp nhất từ 5,9% vào năm 2020 xuống 4,2% vào năm 2025.

Đồng quan điểm, Chứng khoán SSI cho rằng, phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài sẽ có tác động tích cực đối với VPBank. Với nguồn vốn mới từ việc bán vốn FE Credit và khả năng phát hành cổ phiếu mới này, hoạt động của VPBank sẽ được cải thiện đáng kể.

Chia sẻ kế hoạch sử dụng nguồn tiền thu về từ phát hành riêng lẻ và bán vốn tại FE Credit, ông Nguyễn Đức Vinh, CEO VPBank cho biết mục tiêu cụ thể đang được ban lãnh đạo xây dựng. Lợi ích đầu tiên là nâng hệ số an toàn vốn (CAR), hiện là 11% sắp tới có thể lên trên 20%.

Với nguồn vốn lớn, ông Vinh cho biết ngân hàng có kế hoạch mở rộng mảng kinh doanh mới, các phân khúc chiến lược, những lĩnh vực mà trước kia chưa có nhiều vốn để mở rộng. Đơn cử, ngân hàng đầu tư là một mảng tiềm năng. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo sẽ nghĩ đến khả năng, tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, cơ hội để phát triển rất lớn ở ngân hàng số.