Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam trong năm 2024 đã chứng kiến nhiều khó khăn, với hàng loạt doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sụt giảm và một số thậm chí lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính mới nhất đến ngày 15/4, có tới 10 công ty bảo hiểm ghi nhận mức lợi nhuận giảm so với năm trước, trong đó không ít doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng thua lỗ nghiêm trọng.

Trong số các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, AIA, FWD, Prudential, Generali, Chubb Life, Fubon Life, Manulife, Sun Life, Mirae Asset Prévoir, và Hanwha Life đều thông báo kết quả kinh doanh kém khả quan. Đặc biệt, ba doanh nghiệp là Sun Life, Fubon Life và Phú Hưng Life đã ghi nhận lợi nhuận âm, cho thấy bức tranh u ám của ngành trong năm qua.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là sự suy giảm đáng kể trong doanh thu phí bảo hiểm. Ngay cả Bảo Việt Nhân Thọ "ông lớn" trong ngành bảo hiểm cũng không tránh khỏi tác động này khi doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của họ giảm 1,05%, chỉ còn hơn 32.000 tỷ.

nganh-bao-hiem-chao-dao-doanh-nghiep-nao-dang-ganh-lo-lon-nhat-nam-2024-1744966891.webp

Bất chấp sự sụt giảm doanh thu, Bảo Việt Life vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.851 tỷ tăng 34% so với năm 2023, trở thành doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất toàn ngành. Tuy nhiên, AIA là một cái tên đáng chú ý với lợi nhuận giảm mạnh tới 75% chỉ còn 418 tỷ, kéo AIA xuống vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng lợi nhuận năm 2024.

Dẫn đầu về lợi nhuận trước thuế trong năm 2024 là Manulife với 4.082 tỷ giảm 1,42% so với năm trước. Prudential đứng thứ hai với 3.339 tỷ giảm 12%, trong khi Dai-ichi Life đạt 2.670 tỷ tăng 10%. Bảo Việt Life và Cathay Life chiếm giữ hai vị trí còn lại trong Top 5 với lợi nhuận lần lượt là 1.851 tỷ và 1.827 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thị trường khó khăn, Sun Life Việt Nam tiếp tục ghi nhận thua lỗ 868 tỷ nâng tổng lỗ lũy kế lên tới 6.365 tỷ. Công ty này đã liên tục gặp khó khăn kể từ khi PVI rút vốn khỏi liên doanh PVI - Sun Life. Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Sun Life trong năm qua chỉ đạt 3.294 tỷ giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.

Fubon Life cũng không khá hơn khi lợi nhuận trước thuế của họ là âm 7,053 tỷ giảm 117% so với năm 2023. Các chỉ tiêu tài chính khác của Fubon đều giảm mạnh: doanh thu thuần đạt 104 tỷ giảm 22%, doanh thu hoạt động tài chính 102 tỷ giảm 51%.

Phú Hưng Life cũng tham gia danh sách các công ty bảo hiểm nhân thọ thua lỗ với lợi nhuận trước thuế âm 236 tỷ, mặc dù đã giảm khoản lỗ so với 517 tỷ của năm 2023. Doanh thu phí bảo hiểm của Phú Hưng trong năm 2024 giảm sâu tới 43%, chỉ còn 511 tỷ.

Tình hình khó khăn của ngành bảo hiểm nhân thọ nói chung có thể được lý giải bởi những "dư chấn" từ khủng hoảng ngành năm 2022, cùng với việc thực hiện các quy định mới từ Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Các Tổ chức Tín dụng, trong đó có quy định cấm ngân hàng ép khách vay mua bảo hiểm nhân thọ.

Trước bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh để tồn tại và phát triển. Điều này bao gồm việc đầu tư nhiều hơn vào công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và cải thiện chất lượng dịch vụ.