vib-dhcd-750-5609-1647404473.jpg
 

Sáng 16/3, VIB tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2022 tại TP.HCM, với phương án chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 35%, tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng và đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 đạt 10.500 tỷ đồng.

Theo chia sẻ của ông Hàn Ngọc Vũ, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VIB tại ĐHCĐ sáng nay, động lực giúp kết quả kinh doanh của VIB tăng trưởng vững mạnh đến từ cả 3 mảng kinh doanh cốt lõi: Ngân hàng bán lẻ, Khách hàng doanh nghiệp, Nguồn vốn và Ngoại hối.

Riêng mảng Ngân hàng bán lẻ được VIB xem là trọng tâm chiến lược và đầu tư mạnh mẽ nhất, với mục tiêu đưa VIB trở thành Ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam về chất lượng và quy mô.

Hiện tại, VIB là ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ dẫn đầu thị trường với gần 90% danh mục tín dụng, so với trung bình ngành 40%. Trong đó, gần 95% danh mục có tài sản đảm bảo.

Tính về quy mô, VIB nằm trong top 4 ngân hàng TMCP tư nhân có mảng bán lẻ lớn nhất, và liên tục dẫn đầu thị phần trong các lĩnh vực kinh doanh trọng yếu như cho vay ô tô, bảo hiểm nhân thọ, thẻ tín dụng.

Sự phát triển vượt trội của ngân hàng số cũng là một trong những thành tựu nổi bật trong 5 năm qua, với 97% giao dịch của khách hàng VIB đã được thực hiện trên nền tảng số.

Lợi nhuận VIB tăng gấp 11 lần sau 5 năm, vượt 8.000 tỷ đồng vào 2021. Quy mô tổng tài sản gấp 3 lần, từ khoảng 100.000 tỷ đồng vào năm 2016 vượt lên mốc gần 310.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 12/2021.

Tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) về tín dụng và huy động lần lượt đạt 25% và 29% trong 5 năm liên tục.

ĐHĐCĐ VIB: Đặt mục tiêu lợi nhuận 10.500 tỷ đồng, đề xuất cổ phiếu thưởng 35% ảnh 1

VIB đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng kép tối thiểu 30%/năm cho giai đoạn 2022 - 2026, nền tảng khách hàng sẽ được mở rộng gần gấp 3 lần, giá trị vốn hóa được kỳ vọng tăng trưởng ấn tượng.

Riêng năm 2022, các chỉ tiêu tăng trưởng chính về tổng tài sản, quy mô tín dụng, huy động và lợi nhuận trước thuế được VIB dự kiến tăng từ 30% trở lên.

Trong đó, lợi nhuận ước tính đạt 10.500 tỷ đồng, giúp VIB giữ vững vị thế là ngân hàng hiệu quả hàng đầu trên thị trường với tỷ suất sinh lợi trên vốn (ROE) ở mức 30%.

ĐHĐCĐ cũng trình cổ đông phương án nâng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, tăng 35,7%. Trong đó, Ngân hàng sẽ chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Theo HĐQT VIB, kế hoạch này xuất phát từ nhu cầu vốn của Ngân hàng dành cho các dự án đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong kinh doanh theo Quy định của Pháp luật.

Bên cạnh đó, chính sách ESOP (chia cổ phiếu thưởng cho cán bộ công nhân viên) sẽ góp phần phát triển và duy trì đội ngũ nhân sự chất lượng, phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, vận hành của Ngân hàng.

Sau hơn 1 năm niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), song hành với sự tăng trưởng ấn tượng và bền vững về kết quả kinh doanh, giá trị vốn hóa và giao dịch cổ phiếu VIB trên thị trường cũng ghi nhận được những cột mốc quan trọng.

Tính đến 31/12/2021, giá trị vốn hóa của VIB đạt hơn 70.000 tỷ đồng (3,2 tỷ USD), gấp 2,4 lần so với ngày đầu tiên chuyển sàn HOSE, đứng top 5 trong các ngân hàng TMCP tư nhân và thứ 19 trong các doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn nhất sàn.

Đồng thời, VIB nằm trong top 3 các ngân hàng tăng mạnh nhất trên sàn chứng khoán, mang lại hiệu suất sinh lời cao cho nhà đầu tư và thuộc nhóm 12 cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào mức tăng điểm VN-Index trong năm 2021.