Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (HOSE: OCB) vừa phát thông báo đấu giá tài sản gắn liền với đất thuộc khu đô thị du lịch sinh thái FLC, phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa. Đơn vị tổ chức đấu giá là Công ty Đấu giá Hợp danh Thành Trí.

Các tài sản được đấu giá là 86 biệt thự nghỉ dưỡng thấp tầng, công trình thương mại dịch vụ tại khu đô thị du lịch sinh thái FLC. Mục đích sử dụng xây dựng resort, thời hạn sử dụng đến 09/05/2064.

Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. Dự án được UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào tháng 8/2014, với quy mô 200 ha. Tổng mức đầu tư lên đến trên 12.000 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thiện phần lớn bao gồm cả sân golf và đi vào hoạt động nhiều năm qua.

Các tài sản này được ngân hàng thu hồi theo Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, các thông báo thu hồi được đề ngày 8/8/2023.

OCB cho biết, danh mục tài sản này sẽ bán chung toàn bộ, không bán riêng lẻ. Thời gian đăng ký tham gia đấu giá là 4/10 - 17/10. Cuộc đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày 20/10 sắp tới tại 67 Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM. Mức khởi điểm ngân hàng đưa ra là gần 550 tỷ đồng, đặt cọc trước gần 27,5 tỷ đồng khi tham gia đấu giá. Thời gian đăng ký tham gia đấu giá là ngày 4/10 - 17/10.

Trước đó, vào ngày 11/9, OCB cũng đã phát thông báo đấu giá loạt tài sản nói trên với mức giá khởi điểm hơn 610 tỷ đồng. Như vậy trong lần đấu giá này, mức khởi điểm đã giảm 60 tỷ đồng.

OCB là một trong những chủ nợ lớn của Tập đoàn FLC. Tại ngày 31/3/2022, FLC vay OCB hơn 713 tỷ đồng ngắn hạn và 818 tỷ đồng dưới dạng trái phiếu.

Từ năm 2020, FLC đã sử dụng toà tháp văn phòng 265 Cầu Giấy để gán nợ thay thế cho nghĩa vụ của Tập đoàn FLC, FLCHomes, Xây dựng FLC Faros, FLC Stone và Bamboo Airways tại OCB. Sau khi gán nợ tòa trụ sở chính, HĐQT Tập đoàn FLC quyết định thuê lại một phần diện tích của chính tòa nhà này để phục vụ hoạt động kinh doanh của FLC và các bên thứ ba do FLC chỉ định. Bên cho thuê là OCB.

Về tình hình trái phiếu, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố kết quả mua lại trái phiếu trước hạn của Tập đoàn FLC. Theo đó, đến ngày 15/9/2023, FLC đã mua lại trước hạn tổng giá trị trái phiếu là gần 983 tỷ đồng của 3 lô trái phiếu đã phát hành. Theo báo cáo tài chính gần nhất được công bố, FLC có tổng dư nợ trái phiếu gần 2.000 tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh của FLC, hồi tháng 3 vừa qua,  bà Trần Thị Hương, Phó tổng giám đốc thường trực FLC chia sẻ với cổ đông rằng năm 2023, doanh nghiệp này sẽ tập trung giữ lại hai lĩnh vực cốt lõi gồm phát triển bất động sản, kinh doanh nghỉ dưỡng, sân golf và thực hiện M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay, có nguồn vốn duy trì hoạt động.

Trong lĩnh vực bất động sản, FLC đặt mục tiêu tiếp tục thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư để được chấp thuận làm chủ đầu tư với các dự án mới, còn dự án không hiệu quả sẽ rà soát và đưa ra phương án chuyển nhượng. Với các sản phẩm đã bán, công ty tiếp tục duy trì trách nhiệm nhằm thu hồi công nợ, tập trung bàn giao sản phẩm cho khách, hoàn thiện hạ tầng, pháp lý.

Với lĩnh vực nghỉ dưỡng, tập đoàn này có bốn quần thể tại Quy Nhơn, Thanh Hoá, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc. Công ty tập trung tăng tỷ lệ lấp đầy tại các khu nghỉ dưỡng này. 

FLC sẽ chấp nhận chuyển nhượng các dự án để có nguồn vốn nhất định phục vụ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, việc M&A các dự án của FLC nhằm tái cấu trúc các khoản vay, giảm dư nợ với tổ chức tín dụng. Năm ngoái, FLC đã thanh toán nghĩa vụ tại các tổ chức tín dụng hơn 7.000 tỷ đồng (chưa gồm các khoản lãi và phí). Bên cạnh đó, FLC cũng sẽ sắp xếp lại các bộ phận phòng ban, đơn vị trực thuộc, giảm nhân sự để tối ưu hóa hoạt động.

Đến nay FLC vẫn chưa công bố báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2021, 2022 và các quý năm 2023. Theo báo cáo tài chính công bố gần nhất hồi tháng 10/2022, công ty này lỗ gần 1.900 tỷ đồng ba quý đầu năm.

Cổ phiếu của công ty cũng bị HOSE hủy niêm yết và phải chuyển sang sàn UPCom nhưng vẫn bị đình chỉ giao dịch trong thời gian chờ khắc phục vi phạm.