logo-bankpng-moi-15700930760361968583504-crop-1570093083833197698176-1634790251.png
Ảnh minh họa.

Techcombank vừa công bố lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm nay đạt 17.100 tỷ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm trước và tương đương hơn 86% kế hoạch năm. Đây cũng là mức lãi 9 tháng cao nhất kể từ khi thành lập vào năm 1993.

Tổng thu nhập hoạt động (TOI) trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng 37,9% lên 26.900 tỷ đồng, với cả thu nhập từ lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng hai chữ số. Trong đó, thu nhập từ lãi (NII) đạt 19.500 tỷ đồng, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm trước, dẫn dắt bởi biên lãi thuần (NIM - tính trên 12 tháng gần nhất) đạt 5,6% (so với mức 4,8% trong 12 tháng kết thúc tại thời điểm 30/9/2020).

Dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tổng tài sản Techcombank vào cuối quý III vẫn đạt 542.000 tỷ đồng tăng 34,9% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 23,2% tính từ đầu năm 2021.

Trước đó, ACB đã công bố lợi nhuận trước thuế quý III/2021 đạt 2,6 nghìn tỷ đồng (+1% so với cùng kỳ), tăng trưởng chậm lại so với kết quả ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2021 (+66% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng 40% lên khoảng 9.000 tỷ đồng.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của SHB đạt 5.055 tỷ đồng, tăng gần 94% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) là 1,5%; ROE của SHB đạt 25,6%.

VIB cũng đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với tổng thu nhập hoạt đạt hơn 10.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.300 tỷ đồng, đều tăng 32% so với cùng kỳ. Với kết quả này, VIB tiếp tục duy trì tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) lên trên 29%, mức cao hàng đầu trong ngành ngân hàng.

Tại OCB, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 3.768 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu thuần của OCB trong quý III/2021 tiếp tục tăng khá mạnh 23,3% so với cùng kỳ, đạt 6.246 tỷ đồng, trong đó thu thuần từ lãi và thu thuần ngoài lãi đều tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ.

Kết quả này có sự đóng góp rất lớn từ hoạt động cho vay với dư nợ trên thị trường 1 đạt 99.045 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố giúp lợi nhuận của OCB duy trì mức khả quan, theo lãnh đạo ngân hàng là việc tiếp tục kiểm soát tốt chi phí hoạt động (CIR) khi tỷ lệ này giảm từ 31,9% của cùng kỳ năm ngoái xuống còn 29,1% vào quý III năm nay.

LienVietPostBank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt hơn 2.802 tỷ đồng, tăng 60% cùng kỳ năm 2020, thực hiện được khoảng 87,5% kế hoạch của cả năm.

Nguồn đóng góp chính vào lợi nhuận của ngân hàng vẫn đến từ thu nhập lãi thuần khi tăng gần 34% mang về 6.313 tỷ đồng, chủ yếu nhờ sự mở rộng của dư nợ cho vay khách hàng (tăng gần 11% lên 195.830 tỷ đồng). 

Kết thúc 3 quý vừa qua, SeABank báo lãi trước thuế đạt 2.530 tỷ đồng, tăng 123% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần tăng 84,6% lên gần 3.850 tỷ đồng. Lãi thuần từ mảng dịch vụ và ngoại hối cũng tăng gấp đôi, gấp ba góp phần thúc đẩy lợi nhuận SeABank.

Tương đự, lợi nhuận và doanh thu của ABBank trong 9 tháng cũng tăng gần 70% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt 1.556 tỷ đồng, tương đương 78,9% kế hoạch năm. Tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối quý III đạt 75.349 tỷ đồng, hoàn thành 99,97% chỉ tiêu.

Tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ nhất phải kể đến những ngân hàng nhỏ như Kienlongbank và NCB.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế Kienlongbank đạt 878 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần cùng kỳ năm trước và thực hiện được 87,8% kế hoạch năm.

Hai nguồn thu chính giúp Kienlongbank đạt được kết quả này đến từ hoạt động cho vay và hoạt động dịch vụ. Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm đạt 1.518 tỷ đồng, tăng 92% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ mảng dịch vụ đạt 180 tỷ đồng, tăng 227%; trong đó, Kienlongbank ghi nhận khoản thu từ dịch vụ tư vấn lên tới hơn 110 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc xử lý xong khoản nợ xấu gần 1.900 tỷ đồng đảm bảo bằng 176,4 triệu cổ phiếu STB cũng giúp Kienlongbank giảm được lượng lớn chi phí trích lập dự phòng rủi ro; qua đó, thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận.

Tương tự, việc không phải trích lập các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc là động lực chính giúp lợi nhuận hợp nhất trước thuế NCB đạt gần 80 tỷ đồng trong quý III, gấp 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 64 tỷ, gấp 23 lần. 

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế và sau thuế 9 tháng NCB đạt 206 tỷ và 164 tỷ, gấp lần lượt 7,2 lần và 7,8 lần cùng kỳ năm trước.