Nghe có vẻ khó hiểu, với mình, thành công mới chính là khởi đầu tốt đẹp cho thành công. Vì thành công thường tạo cảm giác hưng phấn hơn thất bại, thành công mang đến động lực mạnh mẽ cho những lần bước tiếp, thành công từ những việc nhỏ nhất (task), lâu dài sẽ tích lũy thành thành công của một nhiệm vụ (mission).

Thế cho nên, dù làm việc với vai trò nào, cắt gạch, hàn đồng, xiết bulong, gõ văn bản, thiết lập một dự án hay hiện thực hóa một ý tưởng lớn... tất thảy mình đều cố gắng làm tốt nhất, cố gắng làm đẹp nhất, cố gắng làm sáng tạo nhất... cuối cùng là cố gắng làm - để thành công.

Mỗi khi tất cả các rủi ro thất bại đã được loại trừ thì thành công tất sẽ đến.

Người ta hay lấy hình ảnh Edison phải mất 10.000 lần thất bại để sáng chế ra sợi tóc bóng đèn, rồi từ đó làm gương, tự động viên mình mỗi khi thất bại. Mình thấy cách nghĩ ấy là không nên cho lắm. Thứ 1, chúng ta không phải là Edison, ông ấy là một thiên tài, có tố chất đặc biệt, và hàng tỷ người, qua hàng nghìn năm, đến lượt Edison thì mới có "đèn không cần phải dùng dầu để thắp". Thứ 2, 10.000 lần đó là 10.000 lần loại trừ những vật liệu không phù hợp để làm ra sợi tóc bóng đèn, đó là một kỹ thuật trong nghiên cứu, không phải là 10.000 lần thất bại. Thứ 3, người ta nghĩ Edison thất bại 10.000 lần, nhưng Edison thì nghĩ khác, Edison nghĩ Edison đã có 10.000 lần loại trừ thành công những vật liệu không phù hợp.

Các bạn hay động viên nhau, cố gắng hết sức rồi thành công sẽ đến, nhưng có một sự thật rất phủ là, trong một trăm người thì chỉ đâu đó 2-3 người thành công thôi. Vì sao lại bất bình đẳng trong cùng một nỗ lực tìm đến thành công như vậy?

Đơn giản vì hầu hết trong chúng ta đều rất khó thay đổi, cách làm không đổi, tư duy không đổi, vị trí không đổi, quan điểm không đổi... chúng ta là số 1, tức n*1 = n, bất kỳ số nào nhân cho 1 cũng bằng chính số đó. Hay nói cách khác, sẽ không có một kết quả khác nhau cho cùng một cách làm giống nhau. Khối đá nặng ngàn cân sẽ chẳng thể nào dịch chuyển dù bạn cố đẩy đến 10.000 lần, trừ khi bạn thuê ngay một cái xe cẩu với cái đã biết thì đơn giản vậy đó, nhưng cái chưa biết thì người ta vẫn ngày ngày cố đẩy khối đá bằng đúng một phương pháp như cũ đó thôi.

Nên chúng ta cần có những cân nhắc nhất định khi khuyên ai đó nổ lực, sẵn sàng thất bại... vì cái giá phải trả cho n lần thất bại ấy là rất lớn, ảnh hưởng tới gia đình, tinh thần, có khi cả phần đời còn lại mắc kẹt ở đó. Đôi khi khuyên người ta bỏ đi là một lựa chọn tốt.

Từ bỏ không phải là sợ, là dở, từ bỏ đúng lúc chính là sự can đảm.

Quay lại với người thành công, mỗi khi một phép thử không cho ra kết quả tốt, họ loại trừ nó ra khỏi lần thử tiếp theo, sau đó nghiên cứu, phân tích và ghi chép lại... tương tự như vậy cho đến n vòng lặp, mỗi vòng lặp họ chỉ cần thấy tiến triển 1.01, tức là 1% so với lần trước đó.

Công thức 1.01*365 = 37 lần cho thấy sự khác biệt lớn đến chừng nào giữa 0.01 và 0.00. Những thay đổi rất bé của một người thành công mỗi ngày - tạo nên người thành công.

Nếu thất bại là mẹ của thành công
Thì thành công cũng chính là người sinh ra thành công. Hay nói cách khác, thành công cha sinh thành công con.

Tác giả: Trần Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Vũ Phong Tech