Muji - thương hiệu bán lẻ đồ gia dụng Nhật Bản nổi tiếng với các sản phẩm theo phong cách tối giản - đã tạo được tiếng vang trên thế giới. Chính triết lý về “sự đơn giản” đã đem lại sự thành công vang dội cho thương hiệu này. 
Khi cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn, kinh tế cá nhân bị eo hẹp thì người tiêu dùng có xu hướng mua sản phẩm theo tính năng, chất lượng và giá thành hơn là vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài. Đây cũng là lúc mà cuộc cạnh tranh của các công ty, tập đoàn về hàng tiêu dùng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. 
Khi đó, các thương hiệu của Nhật như Muji, Miniso với ưu điểm là sản phẩm tinh tế, mẫu mã đa dạng, thiết kế nhẹ nhàng gần gũi đã cho thấy sự ưu việt của mình. 
Và hiện nay, Muji có khoảng 400 cửa hàng nội địa tại Nhật Bản và hơn 300 cửa hàng tại các nước khác, đang trở thành một thách thức thực sự với các thương hiệu đồ gia dụng, tiêu dùng nổi tiếng trên thế giới. Bởi khi nhắc đến Muji, người tiêu dùng có thể các sản phẩm đậm bản sắc của người Nhật: Văn minh - tốt - đẹp - tối giản. 
Ông Satoru Matsuzaki, Chủ tịch của Ryohin Keijkaku, công ty điều hành Muji chia sẻ tại một hội nghị diễn ra ở Singapore: "Chúng tôi tin rằng mình có thể ‘giải phóng’ người tiêu dùng bằng cách loại bỏ tất cả những yếu tố không cần thiết ở sản phẩm của mình. Tất cả sản phẩm của chúng tôi đều hướng tới những điều cơ bản nhất và rất dễ sử dụng. Chính khách hàng là người đã làm tăng giá trị cho chúng".
Nếu như chất lượng sản phẩm là điều kiện cần thì với lối thiết kế tao nhã, nhẹ nhàng và sáng tạo là điều kiện đủ để làm nên sản phẩm thương hiệu Muji. 
Muji - sản phẩm chất lượng không thương hiệu 

Muji - tên đầy đủ là Mujirushi Ryōhin có nghĩa là “sản phẩm chất lượng không thương hiệu” trong tiếng Nhật. Quả thật giữa một thị trường toàn các sản phẩm xả xỉ, giá thành cao ngất ngưởng với các chiến dịch quảng cáo truyền thông rầm rộ thì Muji lại xuất hiện một cách “lặng lẽ” với các sản phẩm không thể nào tối giản được hơn nữa. 
Được thành lập năm 1980 tại Nhật Bản, là một nhãn hiệu riêng của chuỗi siêu thị Seiyu của Nhật Bản, với mục tiêu cung cấp các sản phẩm giá rẻ với số lượng được hạn chế. Tại thời điểm đó, Muji chỉ có vỏn vẹn 40 sản phẩm, trong đó có 9 sản phẩm gia dụng cùng với 31 loại thực phẩm. Ngày nay Muji đã phát triển mạnh mẽ với việc kinh doanh khoảng 7.000 mặt hàng với hầu hết sản phẩm từ từ ga giường cho tới găng tay, sổ cho tới gối kẹp cổ. 

"Bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống thường ngày tồn tại, chúng tôi sẽ giải quyết nó", ông Shimazaki - Chủ tịch của Muji Mỹ nhấn mạnh.
Năm 1989, Seiyu tách ra khỏi Ryohin Keikaku, Muji sớm thu hút được người dùng và rất phù hợp với một xu hướng mới ở Nhật Bản. Thương hiệu này có những sản phẩm bao gồm thực phẩm đóng gói, văn phòng phẩm, vali và thậm chí là đồ nội thất. Các sản phẩm của Muji thường không thay đổi mẫu mã trong nhiều năm, nhằm nhấn mạnh chức năng và độ bền của sản phẩm.
Dù cửa hàng quốc tế đầu tiên của Muji được mở tại London vào năm 1991, nhưng việc vươn ra thị trường nước ngoài bắt đầu mạnh mẽ hơn chỉ vào những năm 2000, khi số lượng các cửa hàng tại Trung Quốc tăng lên nhanh chóng vào năm 2012. Từ đó, doanh thu của Muji tăng vọt lên gấp đôi, lên khoảng 400 tỷ yen (3,7 tỷ USD) và các cửa hàng ở nước ngoài hiện chiếm khoảng 40% tổng doanh thu. Và hiện nay, hãng đang tìm cách mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á thông qua việc tham gia vào một thị trường tiềm năng chưa được khai thác cuối cùng trong khu vực: Việt Nam - và tới đây sẽ khai trương cửa hàng trải nghiệm đầu tiên -  POP UP store tại trung tâm thương mại Parkson Saigon Tourist Plaza.
Matsuzaki cho rằng thành công tại nước ngoài của Muji là nhờ niềm tin của ông rằng người tiêu dùng ở những quốc gia khác cũng giống như người Nhật Bản: Tôn trọng, đánh giá cao và coi sự đơn giản là bản chất của cuộc sống.
Trong gần bốn thập kỷ kể từ khi Muji mở cửa hàng đầu tiên, quan niệm về cuộc sống của người Nhật đã có nhiều thay đổi. Ngày trước, họ rất hiếm khi đi du lịch nước ngoài nhưng giờ đây điều đó đã trở nên phổ biến hơn. Muji đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng và mở những khách sạn đầu tiên, hai trong số đó đặt tại Trung Quốc và một khách sạn mới dự kiến sẽ được khai trương tại Tokyo vào tháng Tư năm nay.
Matsuzaki chia sẻ: "Giờ đây du lịch khám phá thế giới đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống và chúng tôi đang cố gắng đáp ứng nhu cầu đó của khách hàng".

Cũng giống như triết lý ban đầu của Muji, khách sạn Muji cũng hoạt động theo triết lý đơn giản. Những căn phòng được tối giản thay vì bài trí cầu kỳ sang trọng để tạo cảm giác như thể bạn đang sống trong một ngôi nhà chứ không phải phòng khách sạn xa lạ.
Để đạt được sự thành công như vậy, Muji luôn tuân theo “kim chỉ nam” - đó là họ tập trung vào “giá trị cốt lõi” của ngành hàng sản xuất tiêu dùng. Nguyên tắc thành công của Muji không chỉ nằm ở mỗi yếu tố giá cả, hay chất lượng, cũng không chỉ nằm ở thiết kế - mà là sự tổng hợp từ 3 thành tố đó - điều làm nên thành công cho Muji. Họ để cho chất lượng của mình lên tiếng và thu phục trái tim khách hàng. Họ không quảng cáo về những khả năng, mà họ tập trung vào cung cấp trải nghiệm. Sự thấu đáo đó, không phải nhà sản xuất nào cũng nhìn nhận ra được.
Ngoài đồ gia dụng và khách sạn, Muji còn có kế hoạch phát triển giao thông công cộng. Theo Matsuzaki, Nhật Bản là một quốc gia có dân số già hóa nhanh nhất thế giới và người già ở Nhật đang phụ thuộc nhiều hơn vào giao thông công cộng. Hơn nữa, vấn đề thay đổi khí hậu đe dọa làm giảm tài nguyên càng khiến giao thông công cộng trở nên quan trọng ở nhiều quốc gia. Vì tất cả những điều trên, Muji đã tham gia vào thị trường và thiết kế một loại xe bus tự động sẽ hoạt động tại Phần Lan trong năm 2020.
Muji - là công ty “ngược đời”, luôn phát triển theo hướng ngược lại so với các công ty khác, đây cũng có thể là “vũ khí bí mật” làm nên thành công của Muji. Matsuzaki từng chia sẻ: "Một số phương diện cơ bản của cuộc sống nên như nhau ở tất cả mọi người, bất kể chủng tộc, giới tính hay tuổi tác của họ. Hay nói cách khác, triết lý thành công đơn giản của chúng tôi chính là ‘sự đơn giản’. Đó là lý do tại sao Muji thiết kế sản phẩm mà chúng tôi tin là ai cũng có thể sử dụng".