Tổng quan về HDBank
Được thành lập từ năm 1989, HDBank (HDB) là một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, đứng thứ 10 về tổng tài sản trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Sau nhiều năm phát triển, HDB hiện sở hữu 352 chi nhánh và phòng giao dịch trải dài trên 61/63 tỉnh thành Việt Nam, phục vụ hơn 17 triệu khách hàng.
Với hơn 17 triệu khách hàng, HDB là ngân hàng định hướng bán lẻ tại Việt Nam, có cơ cấu kinh doanh chuyên biệt tập trung vào ngân hàng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như tài chính tiêu dùng.
HDB có chiến lược tập trung khai thác chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và cung cấp vốn cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của các công ty FDI lớn như Coca-Cola và Unilever tại Việt Nam. Ngoài ra, HDB đang tích cực mở rộng thị phần cho vay tại các khu vực nông thôn và đô thị loại hai tại Việt Nam.
Năm 2013, HDB mua lại 100% cổ phần của Công ty Tài chính TNHH Societe Generale Việt (SGVF), một thành viên của Tập đoàn Societe Generale đến từ Pháp, một trong ba công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất Việt Nam.
Năm 2015, HDFinance được đổi tên thành HD Saison sau khi bán 49% cổ phần cho Credit Saison từ Nhật Bản và 1% cho Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại, HD Saison là một công ty lớn trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, chiếm thị phần lớn thứ hai (15%). Chiến lược phát triển của HD Saison tập trung vào các lĩnh vực chính như cho vay mua xe máy, hàng tiêu dùng, tiền mặt và các lĩnh vực khác.
Tại HDBank, nữ tỷ phú đôla Nguyễn Thị Phương Thảo nắm vai trò là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT.
Kết quả kinh doanh HDBank
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2023, Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng tăng 40,7% so với cùng kỳ lên 8.258 tỷ đồng do thu nhập lãi thuần (NIM) tăng 51,5% so với cùng kỳ lên 7.437 tỷ đồng trong quý 4. Thu nhập lãi trong quý tăng mạnh sau khi chậm lại trong ba quý trước đó, đạt mức cao nhất mọi thời đại nhờ NIM mở rộng, và dư nợ cho vay bùng nổ. Tổng chung, thu nhập lãi thuần của HDBank trong năm 2023 đạt 22.184 tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng của HDB tăng 31,8% so với cùng kỳ trong 2023, cao hơn mức 25,6% của năm 2022, thúc đẩy bởi dư nợ cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (tăng 54,6% so với cùng kỳ) và trái phiếu doanh nghiệp (tăng 133,4% so với cùng kỳ) tăng mạnh. Tăng trưởng cho vay của doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu được đóng góp bởi lĩnh vực Bất động sản (tăng 327% so với cùng kỳ) và lĩnh vực Dịch vụ và Thương mại (tăng 57% so với cùng kỳ). HDB đang giành được thị phần trong việc huy động vốn cho lĩnh vực bất động sản tại các thành phố cấp 2 và khu vực nông thôn.
Nhờ mô hình kinh doanh độc đáo, tập trung vào chiếm thị phần mảng cho vay BĐS và cấp vốn cho khu vực đô thị loại 2 và khu vực nông thôn, HDB đã đạt mức tăng trưởng cho vay là 30,1% so với cùng kỳ vào cuối quý 4/2023 – một trong những ngân hàng cao nhất toàn hệ thống. Đây đánh dấu mức tăng tốc từ 18,3% so với cùng kỳ vào quý 3/2023.
HDB quản lý hoạt động hiệu quả nhờ chi phí vận hành giảm 1,5% so với cùng kỳ trong qusy 4/2023, giảm CIR xuống 31,9%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm là 42,8%. Nhờ những nỗ lực trên, lợi nhuận hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng (PPOP) tăng 76,0% so với cùng kỳ lên 5.628 tỷ đồng trong quý 4/2023 – đạt mức cao nhất lịch sử.
Mặc dù ngân hàng đã tăng chi phí dự phòng đáng kể lên 31,4% so với cùng kỳ trong quý 4/2023, lợi nhuận trước thuế vẫn tặng 94,7% so với cùng kỳ lên 4.385 tỷ đồng. Trong năm 2023, lợi nhuận trước thuế của HDB đạt 13.017 tỷ đồng.
Chất lượng tài sản của HDB cải thiện trong quý khi giá trị nợ xấu giảm 7% so với quý trước, khiến tỷ lệ nợ xấu thấp hơn ở mức 1,8% so với 2,3% trong quý 3. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên 65,8% vào cuối quý 4/2023 từ mức 54,2% vào cuối quý 3/2023 bởi chi phí dự phòng tăng 95,3% so với quý trước trong quý 4. Tuy nhiên, trong quý 4, nợ nhóm 2 tặng 22,4% so với quý trước, chiếm 5,2% dư nợ, cao hơn mức 5,0% trong quý 3/2023.
Danh mục đầu tư thúc đẩy tăng trưởng tài sản sinh lãi
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán VnDirect, thu nhập lãi thuần của HDBank sẽ chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ trong 2024, mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2016, do kết quả của thu nhập lãi thuần mở rộng lên 5,1% và tăng trưởng tín dụng tăng 20,3% so với cùng kỳ 2024.
"Trong 2024, chúng tôi tin rằng NIM có thể tăng 0,2 điểm % svck lên 5,1% do g chi phí vốn (COF) giảm xuống 4,5% (giảm 2,2 điểm % so với cùng kỳ), trong khi lợi suất tài sản (AY) giảm chậm hơn 2,1 điểm % so với cùng kỳ.
Một mặt, chúng tôi tin rằng COF thấp hơn chủ yếu là do lãi suất huy động của HDB sẽ giảm 2,2 điểm % so với cùng kỳ do duy trì chi phí huy động thấp nhờ tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động (LDR) thấp 68,2% vào 2023, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao hơn 12,5% bằng cách khai thác cơ sở khách hàng theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp neo là doanh nghiệp FDI, và giảm chi phí huy động vốn vay nước ngoài vì FED dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất ba lần.
Mặt khác, chúng tôi kỳ vọng HDB sẽ duy trì AY giảm chậm hơn COF do chiến lược tập trung vào lĩnh vực bất động sản vùng ven (17% cơ cấu dư nợ cho vay) và nhu cầu tín dụng hồi phục trên các mảng chính (48% cơ cấu dư nợ cho vay) như Dịch vụ & Thương mại, cho vay hộ kinh doanh và cho vay mua nhà.
Sự phục hồi của nhu cầu tín dụng trên các mảng cho vay chính sẽ hỗ trợ HDB duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cao khoảng 20,3% trong 2024. Sự phục hồi của nhu cầu tín dụng sẽ được hỗ trợ bởi sự phục hồi trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng cá nhân", VnDirect nhận định.