Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã kết luận Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) có vi phạm không đúng các quy định của pháp luật. Cụ thể, ngân hàng này đã cấp tín dụng cho một loạt doanh nghiệp bất động sản khi chưa đủ điều kiện vay vốn với dư nợ hàng nghìn tỷ đồng.

Theo đó, danh sách các công ty mà VietABank đã cấp tín dụng là: Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại HSTC, Công ty TNHH đầu tư đô thị An Phú, Công ty TNHH hợp tác Thương mại Nam Bình, Công ty TNHH Xây dựng thương mại và Dịch vụ LT, Công ty CP Dịch vụ Đầu tư nhà đất Nhật Anh, Công ty TNHH Đĩa ốc Phú Gia Green, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển Nhà Vicoland, Công ty TNHH Thương mại xây dựng và Đầu tư Hà Thủy, Công ty CP Đầu tư Phát triển Hưng Thịnh Việt Nam, Công ty CP Điện Bình Thủy Lâm Đồng, Công ty CP Đầu tư Toàn Cầu, Công ty TNHH Đầu tư đô thị Gia Phát, Công ty CP Đầu tư PHD và Công ty CP Đầu tư Bất động sản Vạn Phúc.

Đáng chú ý, tổng số vốn tín dụng mà ngân hàng VietABank đã cấp cho 14 doanh nghiệp là 6.510 tỷ đồng.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: “VietABank phê duyệt cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại HSTC vay khi Dự án chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý (chưa có giấy phép quy hoạch, quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư, quyết định giao đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng) chưa đúng theo quy định tại Điều 7 “Điều kiện vay vốn” Quyết định số 1627 của Ngân hàng Nhà nước năm 2001.

Công ty HSTC không đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án theo quy định của Luật Đất đai (theo báo cáo tài chính năm 2015, doanh nghiệp chưa có doanh thu, vốn tự có là 200 tỷ đồng, nhỏ hơn 15% tổng mức đầu tư dự án).

VietABank chưa thu thập đầy tủ chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay; chưa có chứng từ hoàn ứng khoản giải ngân trước cho Công ty Cổ phần đầu tư đô thị Hồ Tây theo hợp đồng tổng thầu số 01 (2015) số tiền là 400 triệu đồng”.

Tại thời điểm phê duyệt cấp tín dụng, hồ sơ pháp lý của Công ty TNHH Hợp tác Thương mại Nam Bình chưa đầy đủ. Theo đó, doanh nghiệp này chưa có giấy phép xây dựng, chưa đủ điều kiện huy động vốn.

Đối với Công ty TNHH đầu tư đô thị An Phú, dự án của công ty này được VietABank cấp tín dụng khi chưa có quyết định giao đất và chưa có giấy phép xây dựng.

Ngân hàng VietABank cũng đã cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Vạn Phúc vay góp vốn hợp tác theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh không có hiệu lực pháp lý theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP, chưa đúng các quy định về điều kiện vay vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, dự án chưa có quyết định điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết 1/500, chưa giải phóng mặt bằng xong, chưa có biên bản bàn giao mốc giới dự án, chưa đủ điều kiện huy động vốn…

Những hợp đồng tín dụng của các doanh nghiệp còn lại cũng vi phạm những lỗi tương tự. 

Qua đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải xử lý theo thẩm quyền đối với các khuyết điểm, vi phạm trong việc cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần. Đối với một số khoản cho vay có vi phạm, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đã được tổ chức tín dụng tất toán, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là việc đảo nợ, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

mot-ngan-hang-cho-hang-loat-doanh-nghiep-bat-dong-san-vay-khi-chua-du-dieu-kien-1-1690904392.jpeg

Về tình hình kinh doanh, tổng dư nợ cho vay của VietABank tại thời điểm 31/12/2017 là 38.770 tỷ đồng, nợ xấu là 525,7 tỷ đồng, chiếm 1,36% tổng dư nợ. Đến ngày 30/6/2018, tổng dư nợ cho vay của ngân hàng VietABank là 37.673 tỷ đồng, nợ xấu là 941 tỷ đồng chiếm 2,5% tổng dư nợ - tăng 415,3 tỷ đồng so với số liệu tại thời điểm 31/12/2017, nếu tính cả bán nợ cho VAMC chưa xử lý thì tỷ lệ nợ xấu là 8,2% tương ứng 3.504 tỷ đồng.