Website chính thức của Minh Phú vừa đưa tin tập đoàn quyết định tăng vốn điều lệ với công ty con là Công ty TNHH Thực phẩm xanh Minh Phú từ 2 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng từ vốn chủ sở hữu (tương đương 2 triệu USD) nhằm tăng doanh thu tại thị trường trong nước.

Thời gian thực hiện tăng vốn dự kiến trong tháng 3 năm nay. Theo đó, Minh Phú cam kết sẽ cung cấp ra thị trường các sản phẩm đã qua chế biến với chất lượng tương đương xuất khẩu.

Động thái này của nhà xuất khẩu hải sản tại Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến lược Zero COVID, thắt chặt kiểm tra các mặt hàng xuất khẩu nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 52 lô hàng xuất khẩu của 36 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản Việt Nam bị hải quan Trung Quốc cảnh báo, trả về vì phát hiện virus trên mặt bao bì, kiện hàng, và trên mẫu sản phẩm, theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản (NAFIQAD).

mpc1592390640-1629339450-1647918357.jpeg

Tuy không cung cấp số liệu so sánh giữa các năm, NAFIQAD chỉ khẳng định số lô hàng thuỷ sản bị Trung Quốc trả về đang tăng mạnh. Việc này hiện đang ảnh hưởng đáng kể đến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Hiện tại, Minh Phú vẫn giữ im lặng trước động thái của Hải quan Trung Quốc.

Tuy nhiên, bằng việc chi mạnh tay để phát triển thị trường nội địa, có thể thấy Minh Phú đang nỗ lực chuyển hướng cơ cấu thị trường sau nhiều năm tập trung vào xuất khẩu. Và Trung Quốc cũng là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của tập đoàn này.

Trong 2 tháng đầu năm, doanh thu của Minh Phú tại 3 thị trường là Hàn Quốc, Nga, và Trung Quốc đồng loạt giảm mạnh đến 31-51%, do các vấn đề về chính trị cũng như ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

Thậm chí, hồi đầu tháng 3, Minh Phú cho biết công ty sẽ phải tạm ngừng xuất khẩu các lô hàng tôm sang Nga vì căng thẳng địa chính trị ngày càng nghiêm trọng.

Về vấn đề này, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết mặc dù kim ngạch giữa Việt Nam với Nga và Ukraine không lớn nhưng năm vừa qua nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang mở đường đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang Nga. Chính vì thế hiện tại doanh nghiệp đang đứng trước lo lắng khó thu được tiền hàng khi Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT.

Trong khi đó, doanh thu của tập đoàn tại thị trường Australia và New Zealand trong 2 tháng đầu năm cộng lại tăng đến 77% so với cùng kỳ lên 19,4 triệu USD. Hai thị trường quan trọng nhất là Nhật Bản và Mỹ cũng ghi nhận mức tăng mạnh lần lượt là 42% và 103% lên 18,3 triệu USD và 14,5 triệu USD.

Tuy nhiên, triển vọng tại các thị trường Âu Mỹ cũng đang lung lay do giá vận tải biển, chi phí thuê container ngày càng tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Điều này dự kiến sẽ tác động đáng kể đến tình hình kinh doanh của Minh Phú bởi xuất khẩu đang chiếm đa số trong cơ cấu doanh thu của công ty, trong khi thị trường nội địa chỉ chiếm 1%, theo trang Seafoodsource.

Từ đó có thể thấy ưu tiên phát triển thị trường nội địa là sự lựa chọn hợp lý ngay lúc này cho doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính năm 2021 cho thấy trong quý IV năm 2021, Minh Phú đạt 2.931 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu tài chính giảm 67% còn gần 22 tỷ, đặc biệt chi phí bán hàng tăng mạnh 92% lên gần 153 tỷ đồng.

Công ty giải trình rằng trong kỳ, chi phí tàu tăng cao và không nhận cổ tức từ các công ty con, đã kéo lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ Minh Phú giảm gần 11% còn gần 123 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm 2021, công ty mẹ Minh Phú đạt 10.141 tỷ đồng doanh thuần, tăng 8,6% so với năm 2020. Chi phí bán hàng tăng đột biến cộng với việc hụt thu tài chính đã kéo lợi nhuận sau thuế của tập đoàn giảm gần 2,6% so với năm 2020.