sao-ta-1634111398.jpg
C.P Việt Nam sẽ mua 9,17% cổ phần của Sao Ta

Sau tin tức CP Foods mua thêm 25% cổ phần từ công ty con CPP chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi, C.P Việt Nam lại chuẩn bị mua thêm lượng lớn cổ phần từ CTCP Thực phẩm Sao Ta – doanh nghiệp hiện đang đứng thứ ba về xuất khẩu tôm Việt và sở hữu vùng nuôi với 270ha.

Theo công bố từ HOSE, CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam đã có báo cáo về giao dịch tại CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC). Theo đó, trong 2 ngày, C.P. Việt Nam là bên đã nhận chuyển nhượng 9,74 triệu cổ phiếu FMC. Trong ngày 11/12, "ông lớn" đến từ Thái Lan đã mua 4,34 triệu cổ phiếu FMC và ngày 12/12, mua tiếp 5,4 triệu cổ phiếu FMC. Giá trị mua vào bình quân là khoảng 50.000 đồng/cổ phiếu. 

Trong 2 phiên này, FMC đều là cổ phiếu được mua vào mạnh nhất trên HOSE. Tuy nhiên, danh tính của nhà đầu tư mua vào FMC chỉ đến chiều nay mới được công bố.

Trước đó, doanh nghiệp chi phối FMC là PAN cũng đã đăng ký bán ra 5,4 triệu cổ phiếu. Cùng với đó là một số người nội bộ của PAN cũng đăng ký bán ra như Phó tổng giám đốc Đinh Văn Thới đăng ký bán 50 nghìn cổ phiếu, Chủ tịch HĐQT Hồ Quốc Lực đăng ký bán 300 nghìn cổ phiếu…

Sau giao dịch trên, PAN vẫn là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ nắm giữ tại FMC là 41,95% kế đến là C.P Việt Nam với tỷ lệ 16,56%.

Sao Ta hiện đang có 4 nhà máy chế biến đang hoạt động ở Sóc Trăng đồng thời đang xây dựng hai nhà máy mới với công suất chung 20.000 tấn/năm, mức đầu tư gần 400 tỷ đồng, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2022.

Bên cạnh nông nghiệp chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản là một trong những ngành chủ lực nước ta với sản lượng xuất khẩu luôn chiếm tỷ trọng cao.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuỷ sản thuộc Bộ NN&PTNN, ước tính đến hết tháng 6, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,1 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng khai thác đạt gần 2 triệu tấn, tăng 1%, sản lượng nuôi trồng đạt 2,1 triệu tấn, tăng 4%; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 4,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,6% so với cùng kỳ và đạt 47,1% kế hoạch nhờ sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các thị trường tiềm năng khác.

Với triển vọng tích cực trong thời gian, việc C.P đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng thuỷ sản tại Việt Nam cũng là dễ hiểu.

Tình hình kinh doanh của Sao Ta cũng ghi nhận nhiều kết quả khả quan trong năm nay bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Trong 9 tháng đầu năm, doanh số tiêu thụ của Sao Ta đạt gần 155 triệu đô la Mỹ, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt hơn 77% mục tiêu của năm. 

Về lợi nhuận 9 tháng, Chủ tịch Sao Ta tiết lộ con số lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước khoảng 180 tỷ đồng, tăng khoảng 11% so với cùng kỳ nhờ nền tảng 7 tháng tăng tốt trước khi giảm mạnh vào tháng 8 do giãn cách xã hội.

C.P Việt Nam cũng không kém cạnh gì khi liên tiếp là một trong những doanh nghiệp chăn nuôi hàng đầu tại thị trường này. CP Việt Nam đang phát triển kinh doanh theo chuỗi 3F khép kín gồm Feed (thức ăn chăn nuôi), Farm (trang trại), Food (thực phẩm).

Công ty hiện đang sở hữu các trang trại gồm heo, gà, tôm, cá với khoảng 14 trại nuôi tôm nằm rải rác ở Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Bình Định, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang.