Thị trường mỹ phẩm Việt Nam ngày càng trở nên sôi động nhờ nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng tăng cao. Hiện nay, vấn đề làm đẹp không chỉ được nữ giới quan tâm mà ngay cả đối tượng nam giới cũng có xu hướng chăm sóc da nhiều hơn.
Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Statista, thị trường làm đẹp và chăm sóc cá nhân tại Việt Nam đã tăng từ 2 tỷ USD năm 2018 lên 2,3 tỷ USD vào năm 2022. Ước tính đến năm 2024, thị trường này sẽ cán mốc 2,8 tỷ USD.
Đồng quan điểm, Mintel - công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu cũng nhận định thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang có giá trị khoảng 2,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, thị trường mỹ phẩm nội địa lại đang là sân chơi của những thương hiệu ngoại. Theo thống kê, các thương hiệu nhập khẩu đang thống trị thị trường Việt Nam với tỷ lệ 90% và thương hiệu nội địa chính hãng của Việt Nam chỉ chiếm được gần 10% thị phần.
Tại Việt Nam, bên cạnh một vài thương hiệu mỹ phẩm truyền thống lâu đời chiếm số lượng không đáng kể như: Lan Hảo Cosmetics - chủ quản thương hiệu Thorakao, Saigon Cosmetics chuyên sản xuất nước hoa... thì trong vòng vài năm trở lại đây thị trường mỹ phẩm nội địa lại xuất hiện nhiều nhà sản xuất chui, không có giấy phép, không tuân theo quy trình sản xuất. Minh chứng rõ ràng của việc này đó là sản xuất và phân phối kem trộn ra thị trường, khiến người tiêu dùng khi sử dụng bị nhiễm độc corticoid, nổi mụn, dị ứng... Thực trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp Việt có sự đầu tư vào nghiên cứu sản phẩm, làm ăn chân chính, bài bản.
Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết dư địa ngành mỹ phẩm còn lớn, sức mua tăng cao, đặc biệt hiện nay với sự phát triển công nghệ, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận mua hàng từ nhiều kênh như: thương mại điện tử, mạng xã hội, website… Các doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cơ hội này để phát triển thương hiệu riêng.
Theo ông Bùi Ngọc Anh - CEO và đồng sáng lập Skinetiq cho biết thị trường mỹ phẩm đang có nhiều công ty lớn và nhiều đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, thu nhập của tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, vì vậy nhu cầu làm đẹp và chăm sóc cá nhân cũng tăng cao. Đặc biệt, lĩnh vực thương mại điện tử phát triển ‘như vũ bão’ tại Việt Nam đã thay đổi hành vi mua hàng của người tiêu dùng, tạo thêm nhiều dư địa tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành làm đẹp, đặc biệt là đối với các công ty bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng (D2C - direct to consumer).
D2C tức là mô hình phân phối trực tiếp sản phẩm đến người tiêu dùng thông qua website, mạng xã hội, thương mại điện tử… mà bỏ khâu qua đại lý và trung gian. Các công ty làm D2C có thể có nhà máy sản xuất riêng hoặc hợp tác với các nhà máy sản xuất tại nước ngoài để sản xuất sản phẩm.
Điểm nổi bật của các công ty theo mô hình D2C là có thể mang đến cho người tiêu dùng nhiều sản phẩm chất lượng, giá thành hấp dẫn so với sản phẩm của các thương hiệu lớn do giảm được nhiều chi phí không phải qua các khâu phân phối trung gian.
Tại Việt Nam, Skinetiq là một trong những công ty mỹ phẩm tiên phong định hướng phát triển theo mô hình này. Đồng sáng lập của Skinetiq là beauty blogger Hannah Nguyễn, được đánh giá là một trong những beauty blogger có ảnh hưởng nhất trong ngành làm đẹp tại Việt Nam. Hiện Hannah Nguyễn đang sở hữu và điều hành một trong những trang thương mại xã hội thành công nhất trên thị trường.
Dù mới ra đời cách đây khoảng hơn 2 năm, Skinetiq lại đặt tham vọng khá lớn trong mảng D2C. “Tầm nhìn dài hạn của chúng tôi là trở thành công ty bán hàng theo mô hình trực tiếp đến người tiêu dùng, sở hữu nhiều thương hiệu được yêu thích nhất về làm đẹp và phong cách sống. Skinetiq hiện đang phấn đấu trở thành công ty có tốc độ tăng trưởng đột phá trong hoạt động phân phối và phát triển các thương hiệu làm đẹp và đáp ứng nhu cầu đa dạng cho phụ nữ Việt ở phân khúc trung và cao cấp” - ông Bùi Ngọc Anh, chia sẻ.
Hiện Skinetiq đang là chủ sở hữu của thương hiệu Candid với các dòng sản phẩm dưỡng da hoạt chất (active-ingredient) như retinol, AHA & PHA, BHA với mức giá dao động từ 830.000 - 1.350.000 đồng.
Không chọn phân khúc trung và cao cấp như thương hiệu Candid, Cocoon – thương hiệu mỹ phẩm thuần chay đầu tiên tại Việt Nam cũng được người tiêu dùng yêu thích nhờ giá cả phải chăng, dao động từ 120.000 – 300.000 đồng. Đặc biệt, Cocoon đã tận dụng các nguyên liệu thuần Việt sẵn có như: cà phê, bí đao, nghệ... để tạo ra các dòng sản phẩm khác nhau.
Nhìn từ hai thương hiệu trên có thể thấy, Candid đang nhắm vào mô hình D2C, dòng sản phẩm active-ingredient với phân khúc khách hàng trung và cao cấp còn Cocoon thì chọn phân khúc khách hàng bình dân với các sản phẩm thuần chay. Rõ ràng, điểm chung của cả hai thương hiệu này là tìm được hướng đi riêng cho doanh nghiệp mình giữa bối cảnh thị trường mỹ phẩm nội địa đang vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu ngoại.
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường mỹ phẩm tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Với nhận định này, các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành mỹ phẩm vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Do vậy, họ có thể tận dụng lợi thế này chọn cho mình một mô hình kinh doanh phù hợp, đồng thời kết hợp với việc xây dựng giá trị thương hiệu và đầu tư vào chất lượng sản phẩm để tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.