Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 và 6 tháng đầu năm.
Cụ thể, lợi nhuận của MBBank trong quý 2/2023 đạt 6.223 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm 2023, MBBank đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 12.735 tỷ, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, MB đứng thứ 3 trong hệ thống về lợi nhuận sau Vietcombank (20.499 tỷ đồng), BIDV (13.862 tỷ đồng) và đứng trước VietinBank (12.531 tỷ đồng).
Một trong những điểm đáng chú ý của báo cáo là tình hình trái phiếu doanh nghiệp. Tính tới cuối quý 2/2023, MB vẫn còn nắm giữ 40.428 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm 7,2% so với cuối năm.
Trước đó, tại thời điểm kết thúc năm 2022, MBBank dẫn đầu hệ thống ngân hàng về số lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ, với 46.870 tỷ đồng, tăng 4.500 tỷ so với cuối năm 2021, chủ yếu là trái phiếu bất động sản và trái phiếu năng lượng.
Với mảng chứng khoán kinh doanh, tính đến ngày 30/6/2023, ngân hàng này có 22.715,4 tỷ đồng chứng khoán nợ chưa niêm yết, tăng 18.703 tỷ đồng so với đầu năm và được hạch toán ở khoản mục chứng khoán kinh doanh.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất, MBBank không nói rõ về các khoản đầu tư này nhưng tại báo cáo tài chính riêng quý 2 có thể thấy, chứng khoán nợ của ngân hàng là 22.132, tỷ đồng, tăng 81,5% so với cuối năm 2022. Tất cả khoản này đếu đến từ chứng khoán do các tổ chức tín dụng trong nước phát hành, tăng gần 2 lần so với mức 1.162 tỷ đồng của cuối năm 2022.
Tại mục Chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán, MBBank có 177.124 tỷ đồng, tăng gần 17% trong nửa năm qua. Trong số đó, Chứng khoán nợ do Chính phủ phát hành là hơn 40 nghìn tỷ đồng chứng khoán nợ do Chính phủ bảo lãnh là hơn 23 nghìn tỷ đồng. Chứng khoán nợ do Chính phủ phát hành và Chứng khoán nợ do Chính phủ bảo lãnh bao gồm trái phiếu phát hành có kỳ hạn từ 5 năm đến 20 năm và có lãi suất từ 2,00 - 8,80%/năm.
75,4 nghìn tỷ đồng là chứng khoán do các tổ chức tín dụng khác phát hành. Khoản này bao gồm trái phiếu có kỳ hạn từ 06 tháng đến 05 năm và có lãi suất từ 3,80 - 15,00%/năm. Phần còn lại hơn 39 nghìn tỷ đồng đến từ chứng khoán do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành bao gồm trái phiếu có kỳ hạn từ 03 năm đến 15 năm và có lãi suất từ 7,30 - 13,80%/năm.
Ngân hàng cũng có hơn 1.815,1 tỷ đồng chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn. Trong đó Chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng khác phát hành là 50 tỷ đồng, có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 9%. Chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành là 1.765 tỷ đồng, có kỳ hạn 4 - 10 năm, lãi suất 8,90 - 13,0%/năm. Ngân hàng trích hơn 63,2 tỷ đồng dự phòng rủi ro đầu tư chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn.
Tổng tài sản của MB ngày 30/6/2023 tăng 10,7%, cho vay khách hàng tăng 12,6% so với đầu năm. Số dư tiền gửi khách hàng của MB tăng 7,2% đạt 475.406 tỷ đồng.
Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu của MB cũng tăng mạnh gần 49% so với cuối năm trước với 7.480 tỷ đồng. Tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức thấp 1,44%. Đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đã giảm gần 20% so với đầu năm và chỉ chiếm 25% trong tổng nợ xấu.
Trong năm 2023, ban lãnh đạo MB dự kiến lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 15% so với năm 2022, đạt 26.100 tỷ đồng. Tổng tài sản ước tăng 14% lên 830.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 20%, đạt 54.363 tỷ đồng. Tín dụng dự kiến đạt 583.600 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022 và phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn ước đạt 591.000 tỷ đồng và phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn. Mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu hợp nhất dưới 2% và riêng Ngân hàng mẹ dưới 1,5%.