Đối với những doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp niêm yết thì việc quản trị rủi ro từ xung đột lợi ích giữa các bên là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mang tính sống còn. Đã quá nhiều, không thể kể hết, các trường hợp mà những doanh nghiệp đã sụp đổ do không thể quản trị được sự xung đột lợi ích giữa các bên, đặc biệt giữa cổ đông và HĐQT, giữa cổ đông lớn, cổ đông sáng lập và cổ đông nhỏ.
Ngày 31/07/2021, trang báo điện tử vnexpress.net có đưa tin về việc “Doanh nghiệp kêu cứu vì bị yêu cầu dừng sản xuất đột ngột” tại các KCN ở Tiền Giang, trong đó có một doanh nghiệp tên là “Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang”. Sẽ không có gì đáng nói nếu trong bài viết không nhắc đến một nhân vật có cùng tên với một vị doanh nhân tầm cỡ, uy tín trong làng xuất khẩu cá tra của Việt Nam, đó chính là bà Trương Thị Lệ Khanh, chủ tịch Công ty Cổ Phần Vĩnh Hoàn (Vĩnh Hoàn), doanh nghiệp xuất khẩu cá số 1 Việt Nam. Một doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán Hồ Chí Minh với mã cổ phiếu VHC.
Nhân vật có cùng tên với bà Trương Thị Lệ Khanh, chủ tịch Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn
(Nguồn: vnexpress.net)
Có rất nhiều sự trùng hợp ở đây, thứ nhất chính là tên của vị doanh nhân này, hoàn toàn trùng tên với chủ tịch của Công ty Cổ Phần Vĩnh Hoàn, Trương Thị Lệ Khanh. Thứ hai là tên của công TNHH Chế Biến Thực Phẩn Xuất Khẩu Vạn Đức Tiền Giang, gần hoàn toàn trùng tên với công ty con trước kia của Vĩnh Hoàn.
Vĩnh Hoàn bán công ty con cho bên mua bí ẩn
Được biết, năm 2019, HĐQT Vĩnh Hoàn (VHC) đã thông qua việc chuyển nhượng 35% còn lại tại Chế biến Thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang, ủy quyền bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch HĐQT – chịu trách nhiệm ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tổ chức phân công và theo dõi thực hiện kế hoạch. Đầu tháng 2/2018, Vĩnh Hoàn đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Vạn Đức Tiền Giang xuống còn 35%, thông qua việc phát hành tăng vốn lên 873 tỷ đồng bằng hình thức nhận góp vốn của một cá nhân bằng tiền mặt. Qua đó, đơn vị này trở thành công ty liên kết và không còn hợp nhất kinh doanh vào Vĩnh Hoàn. Điều này đã gây nhiều băn khoăn với cổ đông, tại sao quyết định giảm tỷ lệ sở hữu tại đơn vị từng được cho là đóng góp chính trong kinh doanh. Hồi đáp, đại diện Vĩnh Hoàn cho biết đây là chiến lược nhằm củng cố nguồn tài chính để phát triển vùng nuôi cũng như giảm gánh nặng lãi vay. Vào thời điểm năm 2018 và 2019 khi Vĩnh Hoàn bán đi Vạn Đức Tiền Giang, một công ty có khả năng chế biến 200 tấn phi lê cá/ngày và diện tích vùng nuôi 125ha, thì hầu hết các cổ đông bên ngoài đều không biết được ai là người mua lại doanh nghiệp này. Như trong bài viết trên cafef, chỉ ghi nhận vốn góp của “một cá nhân”. Và cổ đông cũng cảm thấy tạm an tâm khi Vĩnh Hoàn tạo ra khoản lợi nhuận khoảng 100 tỷ đồng từ việc bán công ty con là Vạn Đức Tiền Giang.
Vào thời điểm đó, có rất nhiều cổ đông thắc mắc tại sao lại bán đi con gà đẻ trứng vàng, một doanh nghiệp có quy mô rất lớn sở hữu vùng ao nuôi đáng mơ ước hơn 125ha như vậy. Nhưng thời gian trôi qua, cổ đông cũng dần nguôi ngoai khi HĐQT của Vĩnh Hoàn, cũng là nhóm cổ đông lớn nhất của công ty phê duyệt thông qua nghị quyết. Quyền phủ quyết và biểu quyết cũng như thông qua hoàn toàn nằm trong tay của HĐQT của Vĩnh Hoàn khi riêng bà Trương Thị Lệ Khanh đã nắm tới 43.5% cổ phần của Vĩnh Hoàn. Như vậy, cổ đông nhỏ gần như không có tiếng nói trong thương vụ chuyển nhượng này. Và mọi chuyện có thể đã trôi vào dĩ vãng nếu như đại dịch Covid19 không xảy ra, tỉnh Tiền Giang không yêu cầu các doanh nghiệp trong KCN dừng hoạt động, chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang không gửi đơn kêu cứu và trang báo điện tử vnexpress.net không đưa tin.
Vấn đề ở chỗ mọi thông tin đều giống nhau, trùng khớp và trùng hợp một cách kinh ngạc. Do chúng tôi không có đủ thông tin và điều kiện để tìm hiểu cũng như xác minh liệu bà Trương Thị Lệ Khanh trong bài viết trên báo vnexpress.net và bà Trương Thị Lệ Khanh chủ tịch của Công ty Cổ Phần Vĩnh Hoàn có phải là một hay không và Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang có phải là công ty con trước kia của Công ty Cổ Phần Vĩnh Hoàn hay không. Giả sử nếu cả hai yếu tố trên đều là một, có nghĩa là bà Trương Thị Lệ Khanh chủ tịch của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang cũng chính là chủ tịch của Vĩnh Hoàn và Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang cũng chính là công ty con trước kia của Vĩnh Hoàn, thì điều này không khỏi làm cho nhà đầu tư cảm thấy bất an từ rủi ro trong việc quản trị xung đột lợi ích giữa các bên tại Vĩnh Hoàn.
Vì sao lại bất an?
- Việc tăng vốn điều lệ công ty con là Công ty TNHH MTV Chế Biến Thực Phẩm Xuất Khẩu Đức Giang lên 837 tỷ bằng hình thức nhận góp vốn của một cá nhân bằng tiền mặt mà không hề có bất kỳ một thông tin gì liên đến cổ đông đó, vì sao lại tăng vốn hay lý do đánh mất quyền kiểm soát công ty con quá dễ dàng không khỏi làm cho cổ đông nghi ngờ về việc bán tháo tài sản tốt giá rẻ mạt cho những bên có lợi ích xung đột.
- Bán nốt 35% còn lại tại công ty con cho bên mua đầy bí ẩn đã chính thức chia tay với tài sản tốt của Vĩnh Hoàn. Từ đó chính thức mất đi một tài sản cực kỳ lớn và giá trị.
- Liệu người mua trong hai thương vụ trên có liên quan đến bà Trương Thị Lệ Khanh hay không, vì sao bà Khanh lại làm chủ tịch công ty con sau khi đã bán? Hay bà Khanh và những người có liên quan chính là người đã mua lại công ty con này? Chỉ có nội bộ của Vĩnh Hoàn mới có thể trả lời câu hỏi này.
- Rủi ro công ty sân sau: Vạn Đức Tiền Giang là một công ty có cùng ngành nghề kinh doanh với Vĩnh Hoàn, hoàn toàn có thể trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Vĩnh Hoàn hay thậm chí trở thành công ty sân sau của Vĩnh Hoàn. Đương nhiên, tất cả đều là giả thuyết nhưng hoàn toàn có thể xảy ra. Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của Vĩnh Hoàn, Công ty Vĩnh Hoàn vẫn giao dịch với công ty TNHH Chế Biến Thực Phẩm Xuất Khẩu Vạn Đức Tiền Giang với tư cách là công ty có liên quan của Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị.
Tuy giá trị giao dịch không nhiều, chỉ khoảng vài chục tỷ đồng (cả mua lẫn bán), nhưng sẽ không có gì đảm bảo rằng, giữa Vĩnh Hoàn và Công ty Vạn Đức Tiền Giang không có giao dịch lòng vòng qua các pháp nhân khác. Một mối hoài nghi rất lớn rằng chính Vạn Đức Tiền Giang chính là “sân sau” của Vĩnh Hoàn, giúp Vĩnh Hoàn “điều tiết lợi nhuận”. Đương nhiên đây chỉ là “mối hoài nghi rất lớn” nhưng có cơ sở và hoàn toàn có khả năng xảy ra. Được biết trong danh sách 268 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2019 thì hoàn toàn không có tên công ty Vạn Đức Tiền Giang, mà chỉ có công ty Vĩnh Hoàn. Vậy liệu Vĩnh Hoàn có trở thành vỏ bọc xuất khẩu cho Vạn Đức Tiền Giang, giúp Vạn Đức Tiền Giang xuất khẩu hàng một cách tốt nhất? Đó chỉ là câu hỏi và nghi vấn của chúng tôi nhưng rất có cơ sở cũng như động cơ.
Giả sử các suy đoán và nghi ngờ trên là hợp tình, hợp lý thì việc cổ đông nhỏ lẻ, hay thậm chí là cổ đông nước ngoài bao gồm các quỹ đầu tư sẽ không khỏi lo lắng và băn khoan rằng Vình Hoàn sẽ quản trị rủi ro về xung đột lợi ích giữa các bên như thế nào? Làm sao để cho những giao dịch liên quan này thật minh bạch bởi bản chất nó đã không được mình bạch và được cung cấp đầy đủ thông tin ngay từ những ngày đầu tiên của thương vụ.
Giả sử những suy đoán và nghi ngờ trên là hợp tình, hợp lý thì đó chính là một rủi ro cực kỳ lớn của Vĩnh Hoàn, cũng như hàng loạt những doanh nghiệp niêm yết khác trên sàn chứng khoán. Càng minh bạch, rõ ràng trong những giao dịch nội bộ, giao dịch liên quan và những giao dịch lớn mang tính trọng yếu thì càng làm cho cổ đông an tâm, ngược lại nếu những giao dịch này được thực hiện một cách vội vàng, mờ ám và thiếu minh bạch thì đó chính là tử huyệt của doanh nghiệp.
Mặc dù luật quy định rất rõ về tính ràng buộc khi thực hiện những giao dịch này nhưng thực tế doanh nghiệp hoàn toàn có thể né được, tránh được và thực hiện nó bên ngoài phạm vi luật điều chỉnh. Nhưng cho dù luật không điều chỉnh, thì lý vẫn còn đó, tình vẫn còn đó. Cảm tình cũng như lý trí của nhà đầu tư nằm ngoài phạm vi của luật chi phối, họ có quyền đánh mất niềm tin, họ có quyền không còn yêu quý nữa, họ có quyền rút bỏ ra đi và đặt niềm tin vào một nơi đáng tin cậy hơn. Một khi đánh mất niềm tin và tình cảm đối của cổ đông, thì nó chỉ còn là một “Công ty TNHH Một mình tao chấp hết” mà thôi. Việc huy động vốn cho những kế hoạch phát triển tham vong sẽ bị chặn đứt, việc bành chướng hay củng cố vị thế cũng bị chặn đứt, thậm chí tình cảm của khách hàng dành cho một công ty mà công ty đó bất chấp lợi ích của cổ đông, cũng sẽ bị giảm sút nghiêm trọng.
Trong thời đại hiện nay, các doanh nghiệp mang tính toàn cầu như Vĩnh Hoàn cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn rất khắt khe không chỉ về môi trường, con người mà còn cả quản trị. Đó chính là những yếu tố quan trọng trong tiêu chuẩn về ESG (Environmental – Social – Governance) mà một doanh nghiệp cần phải có. Trong đó yếu tố Governance, tức là quản trị, là yếu tố thúc đẩy cho sự bền vững nội bộ mà doanh nghiệp cần phải hướng đến. Một doanh nghiệp tốt về quản trị mới có sức hút cao đối với cổ đông và nhà đầu tư vì nơi đó, họ cảm thấy “an toàn” khi quyền lợi của họ được đảm bảo. Ngược lại, những doanh nghiệp phớt lờ quyền lợi của cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ, thì đó là một dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đó không được quản trị tốt, và quyền lợi cổ đông không được bảo vệ.
Cũng mong rằng tất cả những suy đoán trên là hoàn toàn sai, là hoàn toàn không chính xác, để nhà đầu tư và cổ đông tiếp tục đặt niềm tin nơi Vĩnh Hoàn. Còn nếu những nghi ngờ này là đúng thì đó chính là một rủi ro cực kỳ to lớn với Vĩnh Hoàn và là bài học lớn cho các công ty niêm yết khác.
Theo Fatz Research