thuong-hieu-ca-nhan-1682137946.jpg
 

Mạng xã hội phát triển (đầu tiên là Facebook, sau đó tới Youtube và Tiktok) phát triển, dẫn tới một thế hệ KOL, KOC mới. Tại sao cô giáo dùng chữ mới? Mới ở đây không chỉ là người mới, cảm hứng mới, giá trị mới. Mà còn là nhận thức mới, dẫn tới đường đi mới.

Tất nhiên, con đường phát triển là của mỗi người lựa chọn nên mới hay cũ thì không quan trọng. Nhưng đó chỉ là phần ngọn, còn phần gốc - là Nguyên lý làm Thương hiệu Cá nhân, thì theo cô thấy, nó chưa thay đổi. Vì thế, con đường mới mà đa phần các em tiktoker / thế hệ genz đang đi, có vẻ như đang có nhiều lỗ hổng.

Đầu tiên, cần nhắc lại với nhau rằng “Thương hiệu Cá nhân là cảm nhận”. Vậy nên, cái gọi là Xây dựng Thương hiệu Cá nhân thực chất là thiết kế cảm nhận của những người xung quanh về bản thân mình, trải qua 3 giai đoạn: Hoạch định, Thực thi và Truyền thông liên tục.

Tiến trình này bắt đầu bằng câu hỏi “Tôi muốn người khác cảm nhận gì về mình?”. Và kết thúc khi số đông, sẽ rất tuyệt vời nếu số đông là cả nước Việt Nam này, biết đến mình, và cảm nhận về mình theo đúng những gì mình muốn.

Hiểu nôm na, là bọn em tự vẽ chân dung “mình của tương lai” ra một tờ giấy trắng, được định hình bằng một danh sách các từ khoá (như hình minh hoạ đính kèm). Bước này gọi là hoạch định. Sau đó gia tăng tần suất làm những việc theo đúng tiêu chí, quy chuẩn mà bộ từ khoá kia đã vạch ra. Bước này gọi là thực thi. Cuối cùng, làm mọi cách tiếp thị bản thân mình, cùng với những việc mình làm đến với càng đông người càng tốt. Bước này gọi là Truyền thông.

Cô lấy thí dụ, nếu bộ từ khoá hoạch định của cô gồm có “Nguyễn Ngọc Long” là tên gọi, “đen” và “bình dân” là đặc điểm ngoại hình, “Chuyên gia Truyền thông” là từ khoá thể hiện tài năng, và “Thô, thẳng, thật” là Tính cách. Thì cô sẽ ngồi bóp trán suy nghĩ xem mình cần phải làm gì để thể hiện, đầu tiên là chính xác sau đấy là ấn tượng, những từ khoá này.

Thí dụ, để mọi người nhớ từ khoá về tên, cô sẽ lập các trang mạng xã hội bằng chính tên cô (Fanpage Blogger Nguyễn Ngọc Long, facebook Nguyễn Ngọc Long, tiktok Long Truyền Thông…). Luôn đọc tên khi quay clip, trả lời phỏng vấn.

Thí dụ, thay vì nói “theo tôi thì”, cô sẽ nói là “theo Long thấy”; thay vì mở đầu clip là “Chào các bạn”, cô sẽ nói là “Cô Long chào cả nhà mình” chẳng hạn. Nếu quan sát kỹ, bọn em sẽ thấy giới văn nghệ sỹ áp dụng triệt để cách này.

Tiếp theo, với từ khoá về Lĩnh vực là “Truyền thông”, cô chọn cách xây kênh để chia sẻ kiến thức Truyền thông, xoay quanh các chủ đề nhỏ hơn như Cách làm thông điệp, Xử lý Khủng hoảng Truyền thông, Cách viết content chẳng hạn.

Tuy nhiên, đó không phải là con đường duy nhất. Và theo quan sát của cô, đây cũng là lỗi mà 99.9% các bạn tiktoker đều đang mắc phải. Đó là đồng nhất toàn bộ quá trình làm Thương hiệu Cá nhân với việc xây kênh.

Thực ra chúng ta hoàn toàn có thể làm Thương hiệu Cá nhân mà chẳng cần phải xây kênh. Thay vào đó, bọn em có thể chọn tham gia một gameshow nào đó chuyên về Truyền thông (như cách anh Tien Hoang Nam của FPT tham gia gameshow Cơ hội cho ai), giữ vai trò chuyên gia tư vấn chuyên mục nào đó về Truyền thông trên một tờ báo chuyên ngành (như anh Dương Vạn Lý Độc Hành, tham gia với vai trò Chuyên Gia Tư Vấn Bất Động Sản at VOH Radio - Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM ); hoặc dành cả năm để đi du lịch và viết sách về Truyền thông cũng được (như trường hợp của travel blogger Hang Dinh).

Cô phải nói rõ khúc này để bọn em hiểu: về bản chất, mỗi một từ khoá là một đề bài, còn việc xây kênh thực ra chỉ là một trong muôn vàn cách giải. Thậm chí, chỉ là một phần nhỏ của đáp án tổng quát hơn. Hay nói cách khác, để “xây dựng” thành công một cảm nhận (đại diện bởi một từ khoá) trong tâm trí đám đông, chúng ta phải làm vô số việc, từ online cho đến offline, từ cách đi đứng nói cười, trả lời phỏng vấn cho tới việc xây kênh hay viết sách.

Tất nhiên, khi hiểu bản chất và nguyên lý bọn em vẫn có thể làm Thương hiệu Cá nhân mà chỉ sử dụng duy nhất một công cụ (thí dụ CHỈ dùng kênh facebook, CHỈ dùng kênh Tiktok, CHỈ dùng kênh gameshow…). Nhưng cách làm này (đơn kênh, thay vì đa kênh), thì chúng ta nhất định phải có một chiến lược content hơi đặc biệt, mà cô sẽ chỉ rõ trong những bài viết tiếp theo.

Còn trước hết, bọn em phải xem lại thật kỹ tập 19 của series #Nếu_Học_Truyền_Thông trên tiktok của cô để ghi nhớ nằm lòng nguyên tắc bất di bất dịch là không bao giờ được xây kênh có nhiều tuyến nội dung.

https://vt.tiktok.com/ZS8vokKR1/