Thời điểm này, tôi nghĩ là đa số các doanh nghiệp chúng ta đề đã lên xong bảng kế hoạch kinh doanh, mục tiêu kinh doanh cho năm 2021 rồi. Và mấy ngày qua tôi cũng có cơ hội gặp trao đổi với nhiều anh chị chủ DN, cộng với kinh nghiệm trước đây của mình tôi nhận ra còn vài chỗ “nguy hiểm” các anh chị cần chú ý khắc phục để hoạt động kinh doanh của mình đạt được như kỳ vọng.

LÊN KẾ HOẠCH KINH DOANH MÀ KHÔNG CÓ KẾ HOẠCH NHÂN SỰ PHÙ HỢP

Đây là trường hợp phổ biến đứng thứ 2 sau trường hợp về dòng tiền. Nó liên quan đến năng lực nội tại của DN vì suy cho cùng nhân sự mới là người giúp việc kinh doanh đạt mục tiêu như kế hoạch.

Tôi xin phép mở rộng khái niệm nhân sự ra, không chỉ giới hạn là nhân viên làm việc trong công ty mà còn bao gồm cả những chuyên gia cố vấn, coach, mentor bên ngoài nữa.

Và sau đây là 4 tình huống tôi hay gặp mạn phép chia sẻ cùng anh chị.

1/ Không có kế hoạch nhân sự các anh chị sẽ bị động trong việc tìm người, tuyển người. Không tính ra quỹ lương thì sẽ không có phương án tuyển dụng phù hợp. Ví dụ: quỹ lương tuyển mới là 30tr, vậy công ty sẽ tuyển 1 người 30 triệu, hay 2 người mỗi người 15 triệu, hay 1 người 20 triệu và 1 người 10 triệu, hay là tuyển 3 người mỗi người 10 triệu,….nếu không có cái chuẩn này lúc tuyển anh chị rất dễ bị phá vỡ cơ cấu quỹ lương và tuyển người năng suất làm việc không cao, vì chưa hẳn tuyển 3 người 10 triệu lại có tổng năng suất cao hơn 2 người 15 triệu. Tôi đã gặp tình huống này trong rất nhiều công ty.

2/ Trường hợp các anh chị tuyển thêm người mới để phục vụ cho kế hoạch mở rộng của mình thì tiêu chí tuyển dụng phải được xây dựng rõ ràng. Đặc biệt là sự phù hợp về văn hóa, môi trường làm việc. Nhiều công ty nhân viên mới vào làm việc có 1-2 ngày đã quyết định không làm nữa vì họ không hòa hợp được văn hóa. Nhiều công ty muốn trải thảm đón nhân tài về, thì lại đụng độ với những vị “khai quốc công thần”, họ làm gì cũng bị cản trở bị xoi mói và nhân tài cực khổ kiếm được cũng đội nón ra đi. Điều này gây ra nhiều sự lãng phí cả về thời gian lẫn tiền bạc cho công ty.

Nói đi cũng cần nói lại, CEO cần xem xét liệu những con người hiện hữu có còn phù hợp với mục tiêu mới, tình hình mới của công ty hay không. Ai phù hợp, ai không phù hợp cũng phải lên kế hoạch để xử lý thay thế. Cho nên trước khi tuyển người mới về, các anh chị CEO cần “chỉnh trang” lại đội ngũ hiện hữu của mình để người mới người cũ có thể hòa hợp làm việc yên vui dưới một mái nhà chung.

3/ Trường hợp các anh chị thuê người về đào tạo, mentor, coach,…thì cần phải xem mỗi nhân sự họ cần được đào tạo cái gì, vì từng người không ai giống ai, tùy công việc mà kỹ năng đòi hỏi sẽ khác nhau. Rồi tính xem ngân sách cho việc đào tạo là bao nhiêu để còn mời chuyên gia phù hợp với mức kinh phí đó, nhiều công ty thuê chuyên gia quá giỏi về, trả thù lao cao ngất thế nên sau khi đào tạo xong lần đó là dừng luôn vì hết tiền cho việc đào tạo. Rồi việc đào tạo sẽ diễn ra trong bao lâu có định kỳ mỗi tháng, mỗi quý hay không, chỗ này nhiều doanh nghiệp cũng ngẫu hứng lắm.

Đào tạo xong còn phải kiểm tra kết quả sau đào tạo nữa. Sau 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng được đào tạo nhân sự tiến triển ra sao, có ứng dụng tốt trong công việc không. Nhiều chủ doanh nghiệp không hề quan tâm chuyện này. Chủ không hỏi, nhân viên cũng không màn báo cáo lại. Rốt cục tiền đào tạo bỏ ra mà không thu lại được kết quả tương xứng. Một sự lãng phí khủng khiếp.

4/ Dạo gần đây tôi mới phát hiện ra thêm rất nhiều CEO đau đầu với bộ phận kế toán. Khi công ty mới thành lập mọi thứ đều ổn. Kế toán báo cáo doanh thu, chi phí, khai báo thuế đều đặn. Cái đáng nói ở đây là nhân viên kế toán không được đào tạo phát triển song song với sự phát triển của công ty. Có thể do CEO không hiểu hết được tầm quan trọng của kế toán. Nên khi công ty phát triển, nhiều nghiệp vụ phức tạp phát sinh, nhiều dữ liệu cần mã hóa, cần lưu trữ thì kế toán bắt đầu hụt hơi. Rồi lại nhờ công ty phần mềm này xử lý, công ty kia xử lý. Sau một thời gian nó thành 1 đống bùi nhùi mà người chủ không tài nào sử dụng hiệu quả được, bên này đỗ cho bên kia không ai chịu trách nhiệm. Tiền thì đã bỏ ra không ít mà dùng thì không được. Nói về kế toán thì còn nhiều vấn đề phải nói lắm nên ở đây chỉ mạn phép dừng lại trong việc chủ doanh nghiệp cần đào tạo nhân viên kế toán nâng cao kỹ năng họ lên, đừng chỉ tập trung cho sale, marketing mà bỏ lơ họ. Hoặc doanh nghiệp có thể tìm 1 đơn vị uy tín giỏi về kế toán để đồng hành cùng với nhân viên của mình.

Bài đã dài, cảm ơn các anh chị quan tâm đọc đến dòng cuối này. Hy vọng sẽ giúp ích cho các anh chị trong công cuộc chinh phục mục tiêu của mình trong năm mới.

Tác giả: Lê Thanh Duy