Lãi suất tiết kiệm giảm mạnh

Mặt bằng lãi suất huy động của 2 ngân hàng (NH) có vốn nhà nước chi phối là Vietcombank và Agribank tiếp tục giảm thêm 0,2 - 0,3%/năm ở các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, thấp kỷ lục kể từ thời điểm dịch Covid-19 đến nay. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 3 tháng xuống còn 3,5%/năm; 6 và 9 tháng xuống còn 4,5%/năm; 12 tháng trở lên còn 5,5%/năm. Đối với không kỳ hạn, 2 nhà băng này đưa về mức 0,1%/năm. So với đầu năm, 2 nhà băng này đã giảm lãi suất huy động 1,5 - 2%/năm.

Nửa triệu tỉ đồng tiết kiệm sẽ chảy đi đâu ? - Ảnh 1.

Lượng tiền gửi dân cư trong NH tăng chậm khi lãi suất giảm

NGỌC THẮNG

Theo khảo sát, lãi suất huy động của các NH quốc doanh giảm từ 0,3 - 0,5%/năm trong tháng 8, các NH thương mại cổ phần có mức giảm nhiều hơn từ 0,5 - 1%/năm nhưng vẫn đang tiếp tục giảm nữa.

Cụ thể, Techcombank vừa giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng thêm 0,2%/năm, xuống còn 5,5%/năm. Eximbank giảm lãi suất 6 tháng thêm 0,2%, xuống còn 4,6%/năm. Mặt bằng lãi suất huy động của nhà băng này cũng ở mức khá thấp. Kỳ hạn 1 - 5 tháng ở mức 4%/năm; 6 tháng 5%/năm; 12 tháng trở lên ở mức 5,5%/năm và mức cao nhất là 5,8%/năm ở các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên. Ngay cả những nhà băng có lãi suất huy động mức cao như SCB, DongABank, NCB… cũng đưa lãi suất huy động xuống 6,8%/năm. Lãi huy động cao nhất của một số nhà băng trên thị trường cũng chỉ ở mức 7%/năm.

Mặt bằng lãi suất huy động tiết kiệm liên tục đi xuống khiến cho lượng tiền gửi chảy vào NH không những chậm hơn mà lượng tiền tiết kiệm huy động lãi cao đến thời điểm đáo hạn cũng có nguy cơ chảy đi chỗ khác. Tính đến cuối tháng 6.2023, lượng tiền gửi của khu vực dân cư vào các nhà băng tăng 745.000 tỉ đồng so với tháng 8.2022. Trong đó, lượng tiền gửi vào quý 4/2022 tăng mạnh thêm 229.000 tỉ đồng. Đến quý 1/2023, lượng tiền gửi dân cư vào hệ thống NH ghi nhận mức kỷ lục khi tăng thêm 415.000 tỉ đồng do lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng của các NH tăng cao, có khi lên đến 10 - 13%/năm. Trong tháng 1, lần đầu tiên lượng tiền gửi dân cư vượt qua con số 6 triệu tỉ đồng và cao hơn cả tiền gửi của các tổ chức kinh tế.

Qua quý 2/2023, khi mặt bằng lãi suất huy động tiết kiệm đi xuống, huy động vốn của các NH cũng tăng chậm lại hơn so với những quý trước đó, chỉ tăng 102.000 tỉ đồng trong quý 2/2023. Ngược lại tiền gửi của tổ chức kinh tế lại tăng vọt lên 329.000 tỉ đồng. Lượng tiền gửi dân cư cuối tháng 6 cán mức 6,382 triệu tỉ đồng. Chỉ trong 2 quý 4/2022 và 1/2023, lượng tiền gửi cá nhân đã tăng tổng cộng 644.000 tỉ đồng. Những khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 hay 12 tháng thì nay cũng là thời điểm đáo hạn của những sổ này. Thế nhưng, lãi suất tiết kiệm hiện nay đã giảm gần một nửa, nên nhiều người đặt câu hỏi liệu các nhà băng có giữ được nguồn tiền này.

Tiền rẻ đi đâu ?

Việc lãi suất giảm sẽ kích hoạt dòng tiền tìm kiếm kênh đầu tư khác. Vào cuối quý 2, thị trường chứng khoán đã ghi nhận những tín hiệu tích cực từ dòng tiền đổ vào. Theo Công ty chứng khoán VNDirect Research, tính đến cuối quý 2/2023 có 61.000 tỉ đồng tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư cá nhân đang để trên tài khoản chứng khoán của 30 công ty chứng khoán, tăng hơn 3% so với quý trước.

Còn theo số liệu của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, lượng tiền gửi vào hệ thống NH tăng mạnh từ sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất hồi tháng 10.2022. Phần lớn tiền gửi trong giai đoạn này là từ 6 - 12 tháng. Ước tính khoản tiền gửi trị giá khoảng 496.000 tỉ đồng sẽ đáo hạn trong khoảng thời gian từ tháng 6 - 12.2023 và có khả năng sẽ dẫn đến dòng vốn chảy vào cổ phiếu nhiều hơn trong nửa cuối năm 2023. Yuanta Việt Nam giả định chỉ cần 10% số tiền gửi tiết kiệm được đáo hạn chuyển vào thị trường chứng khoán, tương đương 49.000 tỉ đồng, bằng tổng giá trị giao dịch của thị trường chứng khoán VN trong khoảng 2 ngày (theo các giá trị giao dịch gần đây).

Bên cạnh giảm lãi huy động, các NH còn giảm lãi suất cho vay. Một số nhà băng cho vay lãi suất ưu đãi 6 - 7%/năm. Còn với lãi suất khoản vay cũ dao động 10,5 - 11%/năm ở một số NH quốc doanh, còn tại nhóm tư nhân quanh 12 - 13,5%/năm.

Số liệu từ Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho thấy hơn 190.000 tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 8. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp, số lượng tài khoản mở mới trong tháng đã đạt hơn 150.000 tài khoản, mức cao nhất 1 năm trở lại đây. Trong đó, tài khoản cá nhân trong nước chiếm chủ đạo. Thanh khoản thị trường liên tục gia tăng, gần đây đã ghi nhận những phiên lên tới 1,5 tỉ USD.

Ông Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho hay nhìn vào dòng tiền gửi trong hệ thống NH đối với khu vực dân cư tăng chậm lại trong quý 2/2023, trong khi 2 quý liên tục trước đó tăng mạnh. Thêm vào đó, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế đảo ngược tình thế tăng lên khá mạnh gần đây. Điều này có thể sẽ còn diễn ra khi thời hạn gửi tiết kiệm của tiền gửi khoảng nửa triệu tỉ đồng lãi cao kết thúc. Ông Huân dự báo trước mắt dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán, sau đó mới qua bất động sản. Tuy nhiên, chỉ số chứng khoán đã tăng vào thời gian qua nên nhà đầu tư cần cân nhắc khi tham gia thị trường này. Các NH cũng sẽ không quá lo lắng khi dòng tiền chảy qua các kênh khác, bởi nhà băng đang thừa tiền mà không cho vay được mới có động thái giảm lãi huy động khá sâu.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính, cũng cho rằng NH thừa tiền, không cho vay được nên mới giảm lãi suất huy động sâu như vậy. Dòng tiền này ra khỏi NH đi vào chứng khoán hay đầu tư sản xuất gì cũng là tốt.

Nguồn: Thanh Xuân/ BáoThanh Niên

Nửa triệu tỉ đồng tiết kiệm sẽ chảy đi đâu? (thanhnien.vn)