Hôm qua "học thêm" với Jenny Tue Anh Nguyen gần 1 tiếng rưỡi để trao đổi về nội dung cuốn sách mà chúng tôi đang viết. Đến phần về nhân lực, hai anh em đã cười lăn cười bò khi kể về trải nghiệm của mình khi đọc được con số mục tiêu dự kiến của Việt Nam là 50.000 "kỹ sư bán dẫn" và Mỹ là 100.000 "nhân lực kỹ thuật". Tôi hỏi Tuệ Anh là, con số 100.000 đó ở đâu ra, liệu có phải tính gộp 50.000 của Việt Nam đang gửi ở Silicon Valley không, nếu đúng thì phải nói với họ là thế thì mục tiêu của các bạn mới chỉ có 50.000 thôi nhé vì số kia chúng tôi phải mang về Việt Nam để dùng rồi, đừng tưởng 2 triệu USD là xong.

Nói vui vậy thôi nhưng thực sự chúng tôi rất nghiêm túc - và tò mò - về việc các chính phủ đã đưa ra các con số này như thế nào. Có 6 câu hỏi chúng tôi đặc biệt quan tâm:

1. Tại sao lại là con số này chứ không phải một con số khác?

2. Nó dựa trên cơ sở hiện tại về nguồn nhân lực sẵn có hay không? Nó là extra bao nhiêu % so với hiện nay và tại sao lại thế?

3. Nó có tính đến tốc độ tăng trưởng của ngành trong 5 năm tới hay không?

4. Con số này có cấu trúc cho từng phân khúc hay không (ví dụ, bao nhiêu người cho phân khúc thiết kế, bao nhiêu cho phân khúc OSAT, ví dụ vậy).

5. Có so sánh nào về số nhân lực của các nước/đối thủ cạnh tranh khác không?

6. Bán dẫn có phải là ngành mà GenZ vốn chỉ ưa thích nhàn nhã và fancy sẽ lựa chọn hay không?

Nói chung hỏi chỉ để cho vui vậy thôi chứ câu trả lời hiển nhiên là chúng tôi không biết và chúng tao cũng không biết. Vì thế, chúng tôi rất trông chờ được đọc các báo cáo nghiên cứu về nhân lực ngành bán dẫn - mà tôi biết là một số đồng nghiệp đàn anh của chúng tôi đang thực hiện. Hy vọng đủ may mắn để được đọc các báo cáo này trước khi in sách.

Trong lúc chờ đợi, nhìn sang Trung Quốc, có một thực tế chung toàn cầu là số lượng nhân lực IC gia tăng không kịp với tốc độ tăng trưởng và nhu cầu nhân lực của ngành ở thời điểm 2-3 năm trở lại đây. Nó có phải xu hướng dài hạn hay không? Và nó có trở thành sự cạnh tranh mới hay không? Đều rất đáng để suy ngẫm. Dưới dây là mấy nét phác thảo về cách Trung Quốc mô tả thị trường nhân lực bán dẫn của họ.

Một sách trắng công bố năm 2021 cho biết Trung Quốc thiếu hụt tổng cộng khoảng 200.000 chuyên gia vi mạch vào năm 2020, trong khi động lực phát triển vi mạch của nước này đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Số lượng vị trí công việc bán dẫn ước tính là 720.000 vào năm 2020. Và dự kiến sẽ đạt 744.500 vào năm 2022, dựa trên xu hướng phát triển của ngành và giá trị sản lượng bình quân đầu người tương ứng. Phân tích ước tính theo ngành là 270.400 lao động trong thiết kế chip, 264.300 trong sản xuất chip và 209.8000 trong đóng gói và thử nghiệm.

Riêng đối với nhân lực thiết kế chip, báo cáo cho biết các công ty có trụ sở tại Mỹ chiếm 43% nhu cầu toàn cầu, tiếp theo là Trung Quốc (27%) và khu vực Đài Loan (14%). Cụ thể, số lượng nhân viên thiết kế vi mạch ở Trung Quốc đạt 221.000 vào năm 2021 nhưng số lao động là người Trung Quốc chỉ chiếm 55% con số này. Nó cho thấy khoảng cách thiếu hụt rất lớn giữa nhu cầu lao động và nguồn cung lao động bản địa.

Trong hình là tỷ trọng nhân lực bán dẫn theo lĩnh vực tại Trung Quốc năm 2021.

438259823-7731463883578270-64921544988536940-n-1713682570.jpg