Bài thuyết trình hoàn hảo là sự phối hợp nhịp nhàng giữa ngôn ngữ cơ thể và nội dung trình bày. Trong đó, ngôn ngữ hình thể là thứ khán giả sẽ cảm nhận được đầu tiên. Khán giả không chỉ tin vào những gì được nghe mà còn tin hơn vào đôi mắt của họ. Vì thế, diễn giả cần phải thu hút sự chú ý của họ bằng ngôn ngữ cơ thể. Dù bài diễn thuyết có hay đến mức nào nhưng biểu hiện trên sân khấu không tốt thì vẫn bị khán giả “trừ điểm” ấn tượng.

(Ảnh minh họa)

Đối với ngôn ngữ hình thể khi trình bày, tư thế đứng sẽ ảnh hưởng và thể hiện trực tiếp tính cách của mỗi người. Ví dụ, một người có thói quen đứng hóp bụng, ưỡn ngực, ngẩng cao đầu thường là người tự tin, lạc quan và rất chú trọng ngoại hình của mình. Người có dáng đứng hơi ngả về phía sau, đầu hơi ngước lên, không hóp bụng thì có phần tự kiêu và cái tôi lớn. Người đứng khép hai chân, hai tay khoanh trước ngực thì thường nhẫn nại và tỉ mỉ khi làm việc. Còn người đứng với hai tay thường xuyên khép chặt và thu mình vào trong là biểu hiện của sự rụt rè, không thực sự tự tin với những gì mình đang nói. 

Đối với diễn giả, tư thế đứng trên sân khấu không chỉ tiết lộ tính cách của họ mà còn giúp thể hiện thái độ, giúp diễn giả nhấn mạnh quan điểm và tạo ra những cảm xúc khác nhau. Chính vì thế, khi diễn thuyết, diễn giả nhất định phải giữ tư thế đứng thẳng để thể hiện sự tự tin và tôn trọng khán giả. Ngoài ra, điều này còn giúp diễn giả trở thành trung tâm của sự chú ý. Đặc biệt là với truyền thống văn hóa phương Đông, “đứng hiên ngang như cây tùng, cây bách” là dáng đứng thể hiện sự vững vàng bình ổn, sừng sững hiên ngang.

Mai Nguyễn Hoàng Nam - Founder & CEO VTALK Academy

Chuyển động cơ thể cũng là một khía cạnh quan trọng của việc nói trước đám đông nhưng thường bị bỏ qua. Thật không may, điều này dẫn đến hai hành vi cực kỳ tồi tệ như nhau: Hoặc diễn giả đứng vững ở một chỗ trong toàn bộ bài thuyết trình của họ; hoặc diễn giả di chuyển liên tục đến chóng mặt. Và cả hai hành vi đều là “điểm chết” của bài thuyết trình. 

Chúng ta cần phải hiểu, tác dụng đầu tiên và đơn giản nhất của việc di chuyển, đổi chỗ đứng chính là giải tỏa sự căng thẳng và ngại ngùng cho chính diễn giả, dùng tác phong tự nhiên để đối diện với sự chú ý của khán giả. 

Đổi chỗ cũng mang tính tương tác giúp kết nối diễn giả với khán giả thêm gần gũi và thoải mái hơn. Chẳng hạn, khi diễn giả đưa ra một nghi vấn hay muốn khán giả làm một bản khảo sát nhỏ nào đó, nếu vị trí đứng của diễn giả từ đầu không thay đổi, khán giả phần lớn sẽ nảy sinh suy nghĩ “Việc này đâu có liên quan gì đến mình” và sẽ không nhiệt tình hưởng ứng với diễn giả. Lúc này, điều diễn giả cần là mang câu hỏi đến khán giả một cách tự nhiên nhất để tăng cảm giác giao lưu đối thoại ở sân khấu. 

Việc đổi chỗ cũng mang tính chuyển đổi. Cách di chuyển dựa theo từng nội dung khác nhau được gọi là đổi chỗ mang tính chuyển đổi. Thông thường khi mở đầu, diễn giả đứng ở một vị trí để nói. Nhưng khi bước sang các phần luận điểm để triển khai những nội dung chính thì có thể tiến hành di chuyển đổi chỗ đứng. Ví dụ, diễn giả vừa tiến hành đổi chỗ, vừa nói: “Chính vì thế, tôi muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện”. Hành động này khiến khán giả cảm nhận rõ ràng hơn sự chuyển nội dung trong phần diễn thuyết. 

Tuy nhiên, việc di chuyển bước đi phải đảm bảo là đồng nhất với nội dung mình đang nói, tốc độ đi phải chậm rãi hơn khi bình thường nhiều lần, những bước đi thả lỏng và tự nhiên là yêu cầu hàng đầu. Bước chân rộng bằng vai, không nhìn xuống chân khi bước. Đối với diễn giả nữ thì hạn chế bắt chéo chân quá rõ ràng khi bước, nếu không khán giả sẽ cảm thấy bạn đang gượng ép với những gì mình trình bày, từ đó làm mất đi tính thuyết phục. 

Trên đây chỉ là một vài trong rất nhiều biểu hiện của ngôn ngữ hình thể mà người nói cần lưu ý trong bài thuyết trình. Vì 60% những gì chúng ta diễn đạt là thông qua ngôn ngữ cơ thể nên chúng ta buộc phải rèn luyện và tận dụng chúng như một lợi thế tốt nhất của mình.