Đã bao giờ bạn tự hỏi là tại sao thứ gì xung quanh bạn cũng bị đánh thuế chưa? Từ việc mua một viên kẹo ngoài ngõ cho đến thu nhập của chính mình, tất cả đều bị đánh thuế. Vậy thuế là gì? Chúng ta có cần thuế không? Và tại sao ai cũng muốn trốn thuế?
Chúng ta có thể hiểu thuế là gì ?
Thuế (Tax) có thể được hiểu một cách đơn giản là “doanh thu” Chính phủ. Nếu một doanh nghiệp được thành lập để điều hành công việc kinh doanh của chính mình, thì Chính phủ được lập ra để điều hành đất nước, và thuế chính là nguồn thu của “đại doanh nghiệp” này. Chính phủ vá các cơ quan công quyền cung cấp những dịch vụ công như: Hướng dẫn thi hành luật; Bảo đảm quốc phòng, an ninh; Điều tiết các hoạt động kinh tế; Tổ chức thực hiện hoặc thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng,... và tất nhiên để thực hiện hết được những dịch vụ này thì Chính phủ sẽ cần một nguồn vốn nhất định. Chính phủ sẽ lấy từ đâu? Đó là từ tiền thuế của người dân.
Nếu coi Chính phủ như một doanh nghiệp và mọi người dân là khách hàng thì có thể hiểu thuế như là phí subscription mà bạn trả cho Chính phủ hàng ngày để có thể sử dụng hết những dịch vụ vậy. Và tất nhiên như mọi doanh nghiệp (trừ Winrar) thì khi khách hàng không trả phí thì sẽ không được sử dụng dịch vụ, và với việc thuế hiện diện trong mọi giao dịch bạn thực hiện hàng ngày, nếu bạn không đóng thuế thì bạn chỉ được sử dụng đúng một dịch vụ duy nhất thôi: Dịch vụ nhà tù.
Liệu có những quốc gia mà ở đó người dân không cần phải đóng thuế ?
Câu trả lời là có. Một số quốc gia, vùng lãnh thổ không hề hoặc đánh thuế người dân rất ít như các nước Trung Đông hay Hong Kong. Đó là vì họ có một điểm chung là: Họ tự kiếm được nguồn doanh thu riêng cho mình. Đối với các nước Trung Đông thì việc lấy tài sản quốc gia là những mỏ dầu để kiếm doanh thu cho Chính phủ là một việc dễ thấy. Còn với Hong Kong thì việc họ có một mức thuế thấp có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu lý do là họ không phải chuyển số thuế thu được cho Trung Quốc.
Để giải thích rõ hơn thì Hong Kong đã tạo dựng lên một môi trường kinh doanh quá tốt, ai làm việc ở Hong Kong cũng giàu cả, diện tích của Hong Kong thì khá nhỏ (chì bằng gần phân nửa TP.HCM), nhưng dân số chỉ thua TP.HCM gần 2 triệu người. Đất thì ít, người dân thì đông và ai cũng giàu thì bạn hiểu vì sao Hong Kong thu thuế ít rồi chứ?
Chúng ta có thật sự cần thuế hay không?
Nếu không cần thuế, thì Chính phủ cũng không có nhiều lý do để tồn tại. Vậy hãy cùng tưởng tượng một quốc gia không có Chính phủ nhé. Khi đó thì những dịch vụ cơ bản nhất như trường học, y tế, đường xá, quốc phòng đều sẽ phải được mọi người “thân ai nấy lo”. Ai muốn được học thì tự giác thuê giáo viên về, ai muốn được bảo vệ thì tự giác thuê những ông tay to, mặt lớn về để bảo vệ cho riêng mình. Với một xã hội không Chính phủ như thế thì tất nhiên là những người giàu sẽ là người có lợi nhất khi họ thuê được một đội quân “tay to” và sử dụng chúng để đi chiếm những tài sản khác để làm giàu cho chính mình. Đó cũng chính là lý do dẫn đến chiến tranh khi mà không có những cơ quan điều hành như Liên Hợp Quốc, khi đó thì nước nào ăn nên làm ra sẽ có cho mình đội quân mạnh nhất và dùng nó đi chiếm những nước khác như thời cổ đại, trung đại và cận hiện đại vậy. Thế nên, vì bản chất con người ai cũng muốn có lợi cho chính mình, xã hội nào hay quốc gia nào cũng cần có một cơ quan quản lý chung, nên Chính phủ tồn tại để có thể điều tiết bản chất này và không để xảy ra sự hỗn loạn. Cùng với đó, việc đóng thuế của mỗi người, mỗi doanh nghiệp đều có ý nghĩa xây dựng xã hội.
Vậy tại sao lại có hiện tượng trốn thuế?
Thuế đối với mọi người là một chi phí không tạo ra doanh thu nên việc ai cũng muốn trốn thuế là điều dễ hiểu, vì bản chất con người ai cũng muốn lợi ích dành cho mình, khi đã đủ lợi ích cho bản thân thì con người đó mới tìm cách giúp ích cho những người xung quanh mình, hay rộng hơn là xã hội.
Đúng là việc đóng thuế có thể giúp ích cho xã hội nhưng thuế được dùng để phục vụ tất cả mọi người trong một đất nước, và Chính phủ - những người sử dụng thuế để đáp ứng nhũng nhu cầu chung của xã hội cũng là con người, thế nên dù có là triệu phú, tỷ phú hoặc giàu nhất thế giới như Jeff Bezos hay Bill Gates thì họ cũng sẽ trốn thuế nếu có cơ hội vì họ cũng không tin là Chính phủ sẽ thực hiện tốt 100% nhiệm vụ của mình.
[Kiến thức kinh tế] Vai trò của thuế trong nền kinh tế - Tại sao lại có hiện tượng trốn thuế?
05:03 02/09/2020