Ngân hàng nào đang cho Thế Giới Di Động vay nợ nhiều nhất?

Trong khoản vay hơn 1 tỷ USD của Thế Giới Di Động phần lớn là vay nợ ngắn hạn. Hiện Thế Giới Di Động đang vay ngắn hạn của 25 ngân hàng, các khoản vay này là vay tín chấp với lãi suất thả nổi nhằm mục đích bổ sung nhu cầu vốn lưu động.

Đối với các khoản vay ngắn hạn, Thế Giới Di Động đang vay nợ nhiều nhất từ ngân hàng BNP Parias – chi nhánh Singapore với 2.974 tỷ đồng. BNP Paribas được hình thành vào năm 2000 thông qua việc sáp nhập của Banque Nationale de Paris (BNP) và Paribas, đặt trụ sở tại Boulevard des Italiens, Paris, Pháp. Theo Bloomberg và Forbes, BNP Paribas được xếp hạng là ngân hàng lớn thứ tư tính theo tài sản vào năm 2012.

no-1-1644228713.PNG
Danh sách 25 ngân hàng đang cho Thế Giới Di Động vay ngắn hạn

Có 5 ngân hàng cho Thế Giới Di Động vay nợ trên 1.000 tỷ đồng gồm: ngân hàng HSBC Singapore (1.807 tỷ đồng), tập đoàn ngân hàng Sumitomo Mitsui – chi nhánh TP.HCM (1.776 tỷ đồng), ngân hàng Standard Chartered Singapore (1.582 tỷ đồng) và ngân hàng HSBC Việt Nam (1.109 tỷ đồng).

Chủ yếu các khoản vay của Thế Giới Di Động là tại ngân hàng nước ngoài; còn trong nước Thế Giới Di Động chỉ vay nợ 3 ngân hàng là Vietinbank (1.694 tỷ đồng), BIDV (844 tỷ đồng) và Vietcombank (837 tỷ đồng).

Đối với các khoản vay dài hạn, Thế Giới Di Động hiện chỉ vay nợ duy nhất tại ngân hàng TNHH MTV HSBC Singapore với 2.768 tỷ đồng. Khoản vay này sẽ đáo hạn vào ngày 19/11/2022.

tgdd-0-800x450-1644236760.jpg

Thế Giới Di Động đang nợ 6 đối tác lớn khoảng 2.156 tỷ đồng

Tính đến cuối năm 2021, Thế Giới Di Động đang phải trả người bán ngắn hạn 12.1790 tỷ đồng, tăng gần 40% so với đầu năm. Đây chính là những nhà cung cấp các sản phẩm cho các hệ thống siêu thị bán lẻ của Thế Giới Di Động.

Trong đó, công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên là nhà cung cấp lớn nhất của Thế Giới Di Động với tổng dư nợ tính đến cuối năm 2021 là 691 tỷ đồng. Xếp thứ 2 sau Samsung là công ty TNHH Apple Việt Nam với 402 tỷ đồng; vị trí thứ 3 là công ty TNHH Tiêu Dùng Toshiba Việt Nam với 357 tỷ đồng; vị trí thứ 4 là công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng với 305 tỷ đồng. Tổng cộng đến cuối năm 2021, tổng dư nợ của bốn nhà cung cấp lớn gồm Samsung, Apple, Toshiba và LG là khoảng 1.755 tỷ đồng.

no-2-1644234022.PNG
Tính đến cuối năm 2021, Thế Giới Di Động đang phải trả người bán ngắn hạn 12.1790 tỷ đồng, tăng gần 40% so với đầu năm.

Các vị trí tiếp theo lần lượt là công ty TNHH Sony Electronics Việt Nam, CTCP Thế Giới Số, CTCP Daikin Air Conditioning Việt Nam, công ty TNHH Panasonic Việt Nam và các nhà cung cấp khác. Cuối năm 2021, MWG đang nợ 6 đối tác lớn khoảng 2.156 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, đến cuối năm 2021 Thế Giới Di Động đã phải thu từ các nhà cung cấp 792 tỷ đồng, tăng 22,6% so với đầu năm. Trong đó, công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng đứng đầu với với giá trị phải thu là 70 tỷ đồng; xếp thứ 2 là công ty TNHH Panasonic Việt Nam là 57 tỷ đồng; vị trí thứ 3 là công ty TNHH Điện tử Samsung HCM CE Complex với 35 tỷ đồng.

Phần còn lại là thu từ các nhà cung cấp khác với 205 tỷ đồng. Thế Giới Di Động cho biết phải thu từ các nhà cung cấp bao gồm phần lớn là các khoản chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán và bảo vệ giá.

no-5-1644236664.PNG
Đến cuối năm 2021, Thế Giới Di Động đã phải thu từ các nhà cung cấp 792 tỷ đồng

Về kết quả kinh doanh, lũy kế năm 2021, doanh thu công ty là 122.958 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2020 và đạt 98% kế hoạch năm 2021. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 4.901 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020, đạt 103% kế hoạch cả năm.

tgdd-1644237842.PNG
Kết quả kinh doanh của CTCP Đầu Tư Thế Giới Di Động trong năm 2021

Về kế hoạch kinh doanh trong năm 2022, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu rất thách thức là doanh thu đạt 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 6.350 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 14% và 30% so với kết quả thực hiện năm 2021.

Được biết, kế hoạch kinh doanh này được Thế Giới Di Động đưa ra dựa trên giả định dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng không dẫn đến sự ngưng trệ do phong tỏa hoặc tác động trầm trọng hơn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh so với 2 năm vừa qua.