Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành nằm trong hệ sinh thái của Xuân Thành Group gồm ba nhà máy xi măng tại Quảng Nam, Hà Nam, Bình Phước, được thành lập năm 2012. Nhà máy Xi Măng Xuân Thành – Hà Nam có tổng công suất đến thời điểm hiện tại là 5,5 triệu tấn xi măng/năm/hai dây chuyền.
Vốn điều lệ hiện tại của Xi măng Xuân Thành là 6.168 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Xuân Thủy. Ông Thủy là em trai của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), Chủ tịch HĐQT LPBank và là người sáng lập Công ty cổ phần Thaiholdings.
Không chỉ phát triển mạnh trong ngành sản xuất Xi măng tại Việt Nam, Tập đoàn Xuân Thành đặt mục tiêu phấn đấu trở thành Tập đoàn kinh tế đa ngành nghề hàng đầu Việt Nam và khu vực, hướng đến một tập đoàn mang đẳng cấp Quốc tế. Trong lĩnh vực xi măng, Tập Đoàn Xuân Thành đạt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành tổng công suất 20 triệu tấn xi măng/năm.
Về thị phần, Xi măng Xuân Thành đang có hơn 300 nhà phân phối với hàng nghìn đại lý tại 3 miền Bắc, Trung, Nam và xuất khẩu ra thị trường thế giới như: Australia, Mỹ, Anh, Singapore, Philippines, Myanmar…
Nhà máy xi măng của Tập đoàn Xuân Thành
Mới đây, doanh nghiệp này đã công bố tình hình tài chính năm 2022. Theo đó, ghi nhận năm qua công ty lỗ sau thuế hợp nhất gần 31 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi gần 296 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm cuối năm 2022 là 6.836 tỷ đồng, tăng 9% so với hồi đầu năm. Giá trị tổng tài sản của Xi măng Xuân Thành đã lên đến gần 23.243 tỷ đồng nhưng 70% tài sản được tài trợ bằng nợ.
Với Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,4 thì tương đương giá trị nợ phải trả ở mức 16.407 tỷ đồng, trong đó, nợ trái phiếu là 2.119 tỷ đồng.
Trong năm 2021, Xi măng Xuân Thành đã phát hành hai lô trái phiếu XTCCH2136001 và XTCCH2136002. Cả hai lô trái phiếu này đều được phát hành thành 4 đợt với tổng giá trị phát hành lần lượt là 980 tỷ đồng và 1.160 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm, cùng đáo hạn vào ngày 6/2/2036.
Theo thông tin trong bản công bố về kết quả chào bán trái phiếu trong 3 đợt đầu của cả 2 lô trái phiếu này, lãi suất áp dụng cho 4 kì tính lãi đầu tiên tính từ ngày phát hành là 10,5%/năm.
Lãi suất đối với mỗi kỳ lãi suất sau sẽ bằng lãi suất tham chiếu (bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm dân cư kỳ hạn 24 tháng của ngân hàng MBBank và lãi suất huy động tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân kỳ hạn 24 tháng của TPBank) của kỳ tính lãi đó cộng với biên độ lãi suất (3,5%/năm hoặc tối thiểu 4,5%/năm).
Trái phiếu được đảm bảo bằng toàn bộ tài sản gắn liền với đất, toàn bộ động sản và quyền tài sản liên quan đến dự án đầu tư xây dựng dây chuyền số 3 – giai đoạn 1 nhà máy xi măng Xuân Thành, cổ phần thuộc sở hữu của các cá nhân/tổ chức và các tài sản và biện pháp bảo đảm khác thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của tổ chức phát hành và/hoặc bên thứ 3 theo thoả thuận giữa các bên liên quan được bổ sung, thay thế tại từng thời điểm nhằm bảo đảm cho các nghĩa vụ được bảo đảm của trái phiếu.
Số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu sẽ được Xi măng Xuân Thành dùng để tài trợ chi phí xây dựng, lắp đặt và mua sắm máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất clinker thuộc dự án đầu tư xây dựng dây chuyền số 3 - giai đoạn 1 nhà máy xi măng Xuân Thành với công suất 4,5 triệu tấn xi măng/năm tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Trong năm 2022, Xi măng Xuân Thành đã chi ra 202,8 tỷ đồng để trả lãi trái phiếu. Đến cuối tháng 3/2023, những người sở hữu trái phiếu XTCCH2136001 do Xi măng Xuân Thành phát hành đã chấp thuận giảm biên độ lãi suất lô trái phiếu này từ 3,5%/năm xuống 3%/năm. Thời gian áp dụng đến ngày 5/8/2023.
Trong cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp này, lượng cổ phần chi phối do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và phát triển Xuân Thành - pháp nhân lõi trong hệ sinh thái Xuân Thành Group của ông Nguyễn Xuân Thành - nắm giữ.
Ngoài ra, cơ cấu cổ đông của Xi măng Xuân Thành còn có sự góp mặt của 3 thể nhân khác là ông Nguyễn Xuân Thủy, bà Tống Thị Kiều Hoa và ông Nguyễn Đức Hạnh. Trong năm 2021, ông Nguyễn Xuân Thủy và bà Tống Thị Kiều Hoa đã thế chấp 15,04% cổ phần Xi măng Xuân Thành. Ông Nguyễn Đức Hạnh cũng thế chấp 3,76% cổ phần Xi măng Xuân Thành.