Tôi từng có một đồng đội rất giỏi. Không chỉ giỏi kỹ năng, mà còn trách nhiệm, kỷ luật, tự giác.

Kiểu người mà ai cũng quý, sếp thì yên tâm, đồng nghiệp thì nể. Có lần cả team được khen nhờ một dự án lớn, nhưng tôi biết công sức 70% là từ bạn ấy.

497545730-1225962728984925-7635808066383412447-n-1747035555.jpg
 



Tôi từng nghĩ:
"Người như thế chắc sẽ gắn bó lâu dài."

Nhưng rồi một ngày, bạn ấy gửi mail xin nghỉ.
Không báo trước. Không đề cập gì trước đó. Trong đơn chỉ ghi:

"Em nghĩ là mình đã đến lúc dừng lại để tìm một hướng đi khác."

Tôi ngơ ngác. Gọi điện, bạn ấy vẫn nói chuyện bình thường, lễ phép. Nhưng không giải thích thêm.
Tôi cố nén lại để hỏi một câu duy nhất:

"Có điều gì bọn anh đã làm sai không?"

Bạn ấy im một lúc, rồi nói rất nhẹ:

"Không sai... nhưng cũng không đủ đúng. Em thấy mình đã không còn lớn lên ở đây nữa."

Đến lúc đó tôi mới thực sự lùi lại nhìn.
Tôi nhận ra một sự thật: chúng tôi đã quá bận rộn giữ mọi thứ vận hành, đến mức quên hỏi người giỏi nhất của mình rằng họ có đang được thử thách không, có đang học thêm điều gì không, có được lắng nghe không.

Bạn ấy giỏi quá, tự xử lý được mọi việc, nên chúng tôi... thôi không quan tâm nhiều nữa.
Chúng tôi cứ tưởng: không kêu ca là ổn.
Nhưng người giỏi thì luôn cần không gian để phát triển.
Còn chúng tôi, vì quá tập trung vào người "đang yếu" mà quên chăm người "đang vững".

Cú nghỉ đột ngột đó khiến cả team chao đảo một thời gian.
Và khiến tôi tỉnh ra một bài học mà về sau luôn nhắc đi nhắc lại cho team quản lý:
Đừng đợi đến khi người giỏi nói lời chia tay mới nhìn lại cách mình đã đối xử với họ.

Người giỏi không ồn ào. Nhưng họ quan sát.
Họ có thể không đòi hỏi, nhưng nếu tổ chức không còn là nơi họ thấy mình phát triển, họ sẽ rời đi – nhẹ nhàng, mà dứt khoát.

Bài học rút ra:
Đôi khi tổ chức không mất người vì không tốt... mà mất vì không đủ tốt với đúng người.
Đừng để người giỏi ra đi trong im lặng – đó là báo hiệu rõ ràng nhất cho một vấn đề văn hoá.

-------------------------
Cre: nguoitruyenlua.