ket-luan-sacombank-co-thieu-sot-va-vi-pham-trong-quy-trinh-cap-tin-dung-1-1689949920.jpeg

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có thiếu sót và vi phạm ở các bước của quy trình cấp tín dụng; một số khách hàng chậm trả gốc, lãi, phương án cơ cấu nợ không khả thi và chưa chuyển nhóm nợ đúng thời điểm quy định. Cụ thể, kiểm tra hồ sơ cấp tín dụng 16 khách hàng của Sacombank tại ngày 31/12/2017, Thanh tra Chính phủ ghi nhận tổng dư nợ tín dụng là 15.372 tỷ đồng, giảm về còn 15.218 tỷ đồng vào 31/8/2018.

Đáng chú ý, ngân hàng Sacombank đã cho 9 doanh nghiệp vay với dư nợ bằng 48,52% vốn tự có của ngân hàng, lên tới 9.262 tỷ đồng (tính đến thời điểm 31/8/2018). Mục đích là để nhận chuyển nhượng và đầu tư cùng 1 dự án lớn. Danh sách 9 doanh nghiệp này bao gồm: CTCP Him Lam Thủ Đô, CTCP Đầu tư Hồng Bàng, CTCP Đầu tư xây dựng Bảo Lộc, CTCP Đầu tư TMDV Nam Thắng, CTCP Thương mại xây dựng Công Phúc, CTCP Hạ tầng Bảo Tín, CTCP Đầu tư xây dựng Việt Phú Mỹ, CTCP Việt Hà và CTCP Hiệp Ân.

Tuy nhiên, những hồ sơ tín dụng của các doanh nghiệp này đã ghi nhận hàng loạt vi phạm xảy ra. Mặc dù đều là khoản vay "khủng" nhưng thẩm định chưa chặt chẽ, hồ sơ tín dụng thiếu và yếu nhưng vẫn được bỏ qua.

Ngân hàng Sacombank đã kiểm soát chưa chặt chẽ việc một số khách hàng như trên cùng vay vốn tại Sacombank và ngân hàng khác để giải ngân cho hợp đồng nhận chuyển nhượng phân khu thuộc dự án lớn này. Việc kiểm tra sau khi cho vay chưa ghi nhận, đánh giá đầy đủ tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, khó khăn về pháp lý của dự án; cho vay để thực hiện dự án nhưng dự án chậm tiến độ làm phát sinh chi phí lãi vay lớn.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rủi ro, bất cập trong xác định tính pháp lý của tài sản đảm bảo dùng thế chấp cho khoản vay của 9 doanh nghiệp là toàn bộ quyền tài sản/lợi ích thu được từ dự án tuy nhiên dự án chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý về quyền sở hữu dự án.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của ngân hàng Sacombank về vi phạm trong việc không giữ hồ sơ gốc tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu bán cho VAMC đối với nhóm khách hàng Diệp Mỹ Xuyên, Hứa Thụy Ngân Anh, Đoàn Lê Phát, Lưu Tuấn Khương, Công ty TNHH Ngân Thạnh. Ngân hàng này còn bán đấu giá tài sản đảm bảo khi chưa có ủy quyền của khách hàng, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Từ đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Sacombank phải có trách nhiệm. 

Về việc Sacombank không trích lập bổ sung dự phòng (2.403,8 tỷ đồng) đối với 77 khoản nợ trước khi bán nợ cho VAMC, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của Sacombank và lãnh đạo, cán bộ Cục Thanh tra giám sát ngân hàng TP.HCM có liên quan sự việc này.