Câu chuyện mới nhất là cộng đồng mạng Việt Nam đã liên tiếp phản đối và kêu gọi tẩy chay hãng thời trang H&M sau khi tập đoàn thời trang này sử dụng bản đồ có hình lưỡi bò, trong đó, 80% diện tích biển Đông (một cách gọi khác là Biển Việt Nam, theo một số người Việt). Nguồn cơn của câu chuyện là tuần trước H&M đã nhận lấy làn sóng phản đối tại thị trường Trung Quốc khi ra tuyên bố là không mua bông sản xuất ở vùng Tân Cương, Trung Quốc vì vấn đề lao động. Ngay sau đó, cộng đồng mạng Trung Quốc đã phản đối và kêu gọi tẩy chay thương hiệu này.

boycott-1617439085.jpeg
Thời gian qua cho thấy, khi gặp một vấn đề gì đó không hài lòng, người tiêu dùng thường dùng vũ khí "Boycott- Tẩy chay" để phản đối sử dụng một sản phẩm của một nhãn hàng nào đó. 

Để “lấy lòng” H&M đã nói cứng rằng Trung Quốc là thị trường quan trọng của họ và treo bản đồ Trung Quốc có hình lưỡi bò. Tưởng là có thể xoa xịu thị trường hơn tỷ dân này thì lúc này, H&M đón nhận boycott – tẩy chay từ người tiêu dùng Việt Nam.

Trong thời gian tới, dù H&M phản ứng như thế nào trước thông tin tẩy chay của cộng đồng mạng Việt Nam thì hình ảnh thương hiệu H&M chắc chắn không còn “lung linh” trong mắt người tiêu dùng nữa.

Tuần trước, đội bóng đá TPHCM cũng bị cộng đồng mạng tẩy chay với lời doạ sẽ không mua vé vào sân xem đội bóng này thi đấu nữa. Nguyên nhân cho sự tẩy chay này là trong trận đấu giữa TPHCM và Hà Nội, cầu thủ Ngô Hoàng Thịnh đã vào bóng quá mức cần thiết khiến tuyển thủ quốc gia Đỗ Hùng Dũng của Hà Nội phải rời sân với chân bị gãy.

Dĩ nhiên, Hoàng Thịnh đã nhận được án phạt cho hành động của mình nhưng đội bóng TPHCM vẫn chưa thoát khỏi sự tẩy chay của cổ động viên. Không biết, có phải vì sự tẩy chay của cộng đồng mạng hay không mà đội TPHCM sau trận thua Hà Nội hôm đó, lại tiếp tục bị thua thêm hai trận gần đây. Và tính đến nay, mỗi khi fanpage của đội bóng này có đăng status mới, vẫn có rất nhiều cổ động viên vào bình luận theo hướng tiêu cực.

Không chỉ ở Việt Nam mà phong trào tẩy chay cũng được nhiều quốc gia dùng như một phương tiện để trừng phạt một doanh nghiệp, một quốc gia nào đó. Nếu người Trung Quốc kêu gọi tẩy chay một doanh nghiệp nước ngoài nào đó vì câu chuyện bông sản xuất ở Tân Cương thì người Mỹ cũng có những lý do để tẩy chay trở lại.

Hai ngày trước, ở phần ý kiến bình luận, tờ Washington Post có bài viết với tiêu đề Companies must boycott the Beijing Olympics (tạm dịch: Các công ty phải tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh). Bài viết kêu gọi các công ty lớn của phương Tây ngưng tài trợ cho Thế vận hội Bắc Kinh 2022 vì vấn đề liên quan đến chuyện chính trị nhạy cảm.

Vẫn chưa biết, các công ty của phương tây có nghe theo lời kêu gọi tẩy chay của tờ Washington Post hay không nhưng qua những ví dụ trên cho thấy, khi có một vấn đề gì đó, các quốc gia thường kêu gọi tẩy chay một thương hiệu, một nhãn hàng nào đó hay kêu gọi từ chối hợp tác để thể hiện chính kiến của mình. Thực tế cũng cho thấy, đây không phải lần đầu tiên các nước kêu gọi tẩy chay hợp tác, tài trợ hay không mua sản phẩn sản xuất từ Trung Quốc.

Timothy Werner, Trợ lý giáo sư Khoa Kinh doanh thuộc Đại học Texas, Mỹ trong một bài viết liên quan đến việc tẩy chay của người tiêu dùng đã nói rằng, thường mục tiêu của những lời kêu gọi tẩy chay không phải làm tổn hại lợi nhuận của công ty mà muốn làm cho cộng đồng nhận thức được những gì mà họ đang làm (kêu gọi tẩy chay) là về những hoạt động “phi đạo đức” của công ty ấy. Và ở một khía cạnh nào đó, các phong trào tẩy chay đã thành công khi nhận được sự nhượng bộ từ các công ty, thay đổi cách mà các công ty sẽ tương tác với các bên có liên quan và tạo áp lực để các chính trị gia giữ một khoảng cách nào đó trong những vấn đề nhạy cảm.

Vì thế, có thể thấy - Tẩy chay, hiện đang như một vũ khí thời thượng và hiệu quả mà nhiều quốc gia đang dùng, trong đó, người tiêu dùng, người dân các nước vẫn tiếp tục dùng vũ khí “tẩy chay” như một cách để bày tỏ quan điểm của mình về một vấn đề nào đó, có thể, ngày một nhiều hơn và quy mô hơn trong tương lai. Còn với các tập đoàn đa quốc gia, qua câu chuyện này ít nhiều cũng phải điều chỉnh lại chính sách của mình - theo như cách nói của Timothy Werner ở trên, để tránh bị tẩy chay trong tương lai.