Xuất thân là chàng sinh viên, và cũng từng là giảng viên của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Nguyễn Tử Quảng có niềm đam mê đặc biệt với máy tính và công nghệ. Sau một thời gian công tác tại trường, ông đã quyết định rời vị trí giảng viên để tập trung phát triển các sản phẩm công nghệ “Made in Việt Nam” và sớm trở thành CEO Tập đoàn công nghệ BKAV sở hữu khối tài sản lên đến nghìn tỷ đồng. 

  1. Họ tên đầy đủ: Nguyễn Tử Quảng 
  2. Ngày sinh: 11 tháng 6 năm 1975
  3. Quê quán: Ninh Nhất, Hoa Lư, Ninh Bình 
  4. Học vấn: Cử nhân khoa Công nghệ Thông tin (trường Đại học Bách Khoa Hà Nội)
  5. Chức vụ: CEO Tập đoàn công nghệ BKAV
  6. Biệt danh: Hiệp sĩ công nghệ thông tin, Bác sĩ máy tính, Chuyên gia chất nổ, Quảng “nổ”

Đạt được nhiều thành tích nổi trội ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường 
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Tử Quảng học lớp chuyên toán của Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư Phạm Hà Nội và sau đó trở thành sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Vào năm thứ 3 đại học - năm 1995, Nguyễn Tử Quảng cùng nhóm bạn bắt tay vào thực hiện các chương trình chống virus mặc dù khi đó mới chỉ là sinh viên năm thứ ba Khoa công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, và cung cấp miễn phí (đến năm 2005) cho cộng đồng mạng.
Năm 1997, sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm giảng viên bộ môn Kỹ thuật máy tính, khoa CNTT, tiếp tục nghiên cứu Bkav và các chương trình khác. Tháng 7 năm 1997 công bố công trình hoàn thành phần mềm chống virus trên mạng đầu tiên của Việt Nam với tên AV-ONLINE và đến tháng 11, 1997 viết thành công phần mềm hỗ trợ kiểm duyệt thông tin trên mạng Internet, phục vụ cho việc kết nối Internet của công ty FPT - một trong ba nhà cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên của Việt Nam.
Tháng 12 năm 2001, Nguyễn Tử Quảng thành lập Trung tâm Phần mềm và Giải pháp an ninh mạng (BKIS) dưới sự bảo trợ của Đại học Bách khoa Hà Nội với chín thành viên khác, và trở thành giám đốc của Trung tâm này.
Năm 2003, những cống hiến vì cộng đồng của ông được tạp chí eChip ghi nhận và phong tặng danh hiệu "Hiệp sĩ công nghệ thông tin". 
Hành trình xây dựng Tập đoàn công nghệ BKAV của CEO Nguyễn Tử Quảng

Sau 10 năm cung cấp miễn phí, vào năm 2005 BKAV đã chính thức được thương mại hóa. Cùng với việc chuyển sang kinh doanh, công ty bắt đầu chập chững  xây dựng từ những thứ nhỏ nhất. Và đúng như tinh thần của bản thân mình, ông Quảng đã chọn slogan cho công ty của mình là “Hãy làm việc hết mình, những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn”. 
Tự nhận xét về slogan của công ty mình, ông Quảng cho hay: “Lúc ban đầu, tôi thấy câu mình chọn rất cải lương bởi theo các chuyên gia về thương hiệu, với slogan công ty, không ai chọn một câu dài như vậy. Đây là chưa kể đến việc, khẩu hiệu này không nói gì đến khát vọng phát triển hay định hướng khách hàng của công ty”. Tuy nhiên, ông vẫn quyết định chọn một slogan chẳng giống ai cho công ty của mình với lý do: “Mình tin vào điều đó nên cứ làm thôi”.
Năm 2008, Nguyễn Tử Quảng phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo để điều tra sự việc “Lộ đề thi toán khối A” trong cuộc thi tuyển sinh vào Đại học năm 2008 - 2009 và được tặng thưởng. 
Sau hơn 5 năm thương mại hóa sản phẩm diệt virus, vào năm 2010, ông Quảng đặt mục tiêu tiến ra thị trường quốc tế. Bước đầu, ông cung cấp miễn phí phần mềm Bkav phiên bản quốc tế. Và slogan của công ty cũng được chuyển sang tiếng Anh là: “Do your best, the rest will come”.
Trước khi cho ra mắt chính thức tại Việt Nam, chiếc điện thoại Bphone lần đầu xuất hiện tại Hội chợ điện tử tiêu dùng quốc tế CES 2015 diễn ra vào tháng 1/2015 tại tại Las Vegas. Máy được giấu trong chiếc vỏ hộp kim loại để điều khiển các thiết bị nhà thông minh. Sản phẩm được bao bọc cẩn thận với dòng chữ Designed by Bkav – Made in Vietnam khi đó làm nức lòng nhiều người yêu công nghệ Việt, với kỳ vọng về một sản phẩm thuần Việt thực sự.
Vào ngày 26/5/2015, chiếc điện thoại Bphone chính thức được trình làng tại Việt Nam. Đây là sản phẩm điện thoại di động cao cấp đầu tiên được chế tạo trên dây chuyền ở Việt Nam.
Sau 2 năm trình làng chiếc điện thoại smartphone Việt Nam đầu tiên, năm 2017, công ty ông Nguyễn Tử Quảng tung ra Bphone 2 sử dụng công nghệ AI Camera, tích hợp trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng chụp ảnh. 
Năm 2018, Nguyễn Tử Quảng cùng các cộng sự của mình tiếp tục cho ra mắt điện thoại Bphone 3 và Bphone 3 Pro. Và sau mỗi lần ra mắt dòng điện thoại mới, ông cùng các công sự của mình đều tích hợp thêm nhiều tính năng mới ưu viêt hơn như camera trang bị tính năng Macro có độ chi tiết, độ sâu ấn tượng, phần mềm BOS hỗ trợ cử chỉ, chuẩn kháng nước IP68 và tính năng chống trộm. 
Năm 2020, Nguyễn Tử Quảng dự kiến ra mắt Bphone B86 - Bphone thế hệ thứ 4 vào ngày 25/03. Tuy nhiên do ảnh hướng của dịch Covid-19 nên đã phải lùi lại lịch cho ra mắt, phải đến 10/05 mới chính thức cho ra mắt dòng Bphone B86. 
Trải qua 4 thế hệ Bphone, BKAV đang từng bước nỗ lực khẳng định vị thế trên thị trường di động Việt Nam với những sản phẩm chất lượng hơn. “Nếu không có tình yêu đất nước, không có khát vọng thì Bkav đã không bỏ thời gian dài với số tiền lớn như vậy ra làm điện thoại" - ông Nguyễn Tử Quảng bày tỏ. 
Năm 2020, Tập đoàn công nghệ Bkav phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển vừa chính thức được ra mắt ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống COVID-19. Ứng dụng Bluezone được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá bước tiến mới có tính đột phá trong việc sử dụng công nghệ để phòng, chống dịch COVID-19. Nhờ vậy mà trong làn sóng thứ 2 của dịch Covid- 19 đã truy ra được nhiều ca f1 và f2…..


Khối tài sản nghìn tỷ của CEO Nguyễn Tử Quảng 
CEO Nguyễn Tử Quảng sở hữu khối tài sản nghìn tỷ. Cụ thể, Tập đoàn công nghệ Bkav thành lập năm 2005, xuất phát điểm là từ sản phẩm phần mềm diệt virus. Đến nay, Bkav có 6 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực như Phần mềm, An ninh mạng, Chống mã độc, Nhà thông minh, Smartphone.  
Đáng chú ý hơn cả, mặc dù hoạt động theo hình thức công ty cổ phần nhưng có đến 95% cổ phần Bkav thuộc về cá nhân ông Nguyễn Tử Quảng, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Bkav. Công ty này  được định giá lên đến 1.500 tỷ đồng
Cập nhật đến ngày 30/6/2020, Bkav Anti Virus có vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Vũ Ngọc Sơn (SN 1980) đảm nhiệm.
Về kết quả kinh doanh, năm 2018 và 2019, doanh thu thuần của Bkav Anti Virus lần lượt đạt 104,8 tỷ đồng và 104,7 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế lần lượt ở mức 67,4 tỷ đồng và 53,4 tỷ đồng. Có thể thấy, tỷ suất lợi nhuận của Bkav Anti Virus là quá ấn tượng, khi mà với mỗi 2 đồng doanh thu bán hàng, công ty của ông Quảng "nổ" lại bỏ túi hơn 1 đồng lợi nhuận.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Bkav Anti Virus đạt 168,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 120,2 tỷ đồng.
Ngoài các sản phẩm và dịch vụ công nghệ kể trên, Bkav còn nghiên cứu và phát triển sản phẩm nhà thông minh với tên gọi Bkav SmartHome. Năm 2014, sản phẩm nhà thông minh được Bkav đưa ra thị trường, bắt đầu từ các biệt thự lớn.
Năm 2018, Bkav SmartHome tuyên bố đã có mặt trong hơn 10.000 căn hộ từ chung cư đến biệt thự hạng sang. Con số này giúp SmartHome của Bkav chiếm khoảng 90% thị phần ở phân khúc cao cấp và khoảng 80% ở phân khúc thấp hơn.