Công ty cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN) vừa có thông báo liên quan đến việc trở thành cổ đông lớn của CTCP Kinh doanh địa ốc Him Lam (Him Lam Land).

Cụ thể, theo thông báo này, Him Lam đã mua thành công 2.557.245 cổ phiếu của SGN. Qua đó, doanh nghiệp này đã trở thành cổ đông lớn của công ty hàng không trên, và sở hữu 7,6% cổ phần SGN. Ngày giao dịch trở thành cổ đông lớn là 1/6. Bên chuyển nhượng vẫn chưa được tiết lộ.

Tạm tính theo giá đóng cửa cùng phiên của cổ phiếu SGN là 74.000 đồng/cổ phiếu thì lượng cổ phần Địa ốc Him Lam mua vào có giá trị thị trường khoảng 192 tỷ đồng. 

Theo cơ cấu cổ đông của SGN cuối quý 1/2023, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (mã chứng khoán: ACV) là cổ đông lớn nhất với hơn 16,1 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 48,03% vốn, theo sau là  Chứng khoán SSI 17,64%, Vietjet 9,11%, CTCP Đầu tư Khai thác Cảng với gần 2,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7,61%. 

Số lượng cổ phiếu SGN mà Him Lam Land mua vào đúng bằng số lượng mà CTCP Đầu tư Khai thác Cảng đang sở hữu. Vì vậy, không loại trừ khả năng, chúng được sang tay từ doanh nghiệp của ông Lưu Quang Lãm – doanh nhân đồng hương với nhà sáng lập Him Lam Group Dương Công Minh.

Niêm yết cổ phiếu trên HoSE từ năm 2018, song thanh khoản của cổ phiếu SGN rất hạn chế, với khối lượng khớp lệnh cao điểm chỉ khoảng vài vạn đơn vị mỗi phiên. Ngày Him Lam Land trở thành cổ đông lớn của SASG (1/6), không có cổ phiếu SGN nào được khớp lệnh. Có thể Him Lam Land đã nhận chuyển nhượng cổ phần mà không thông qua giao dịch trên sàn.

Trước khi trở thành cổ đông lớn của SGN, ông Dương Công Minh – Nhà sáng lập của Him Lam – đã trở thành Cố vấn cấp cao HĐQT Bamboo Airways kể từ tháng 8/2022. Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân từng cho biết vào thời điểm cam go nhất, CTCP Him Lam đã cho Bamboo Airways vay gần 8.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, ông Lê Thái Sâm - Thành viên Hội đồng quản trị của FLC cho Bamboo Airways vay 7.727,8 tỉ đồng (bao gồm cả gốc và lãi). Con số 7.727,8 tỷ đồng mà ông Lê Thái Sâm cho Bamboo Airways vay tương đương với số tiền mà Tập đoàn Him Lam đã cho hãng hàng không này vay.

SGN được thành lập từ năm 2004 và cổ phần hóa vào năm 2014 với 2 mảng hoạt động chính: Dịch vụ hàng không và dịch vụ phi hàng không. Địa bàn hoạt động chủ yếu ở sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh với các khách hàng lớn là VietJet, Asiana Airlines, Emirates Airlines, Qatar Airways, Turkish Airlines.
Công ty hiện nằm trong mạng lưới thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV, tỷ lệ sở hữu hiện 48,1% vốn).

Dịch vụ hàng không chiếm 95% doanh thu của SGN, bao gồm các dịch vụ chính: phục vụ hành khách (làm thủ tục, quầy soát vé…), sân đỗ (làm vệ sinh, cung cấp nước sạch…), hành lý, cân bằng trọng tải, phục vụ khách thương gia…, kéo đẩy, quầy thủ tục, xe chở khách. Dịch vụ phi hàng không bao gồm sữa chửa, bảo dưỡng, đào tạo, cho thuê trang thiết bị.

Năm 2023, Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 1.280 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 205 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 35% và 46% so với thực hiện năm 2022.

Kết thúc quý 1/2023, Công ty đạt doanh thu 329 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 55 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch của năm 2023 đề ra, SGN đã hoàn thành được 25,7% mục tiêu về doanh thu và thực hiện được 27,4% mục tiêu lợi nhuận năm.

Lý giải về kết quả lợi nhuận tăng mạnh, SGN cho biết tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới những tháng đầu năm tiếp tục được kiểm soát tốt, giúp sản lượng khai thác của các hãng hàng không, đặc biệt là các chuyến bay quốc nội, tăng cao trong tháng 1, đầu tháng 2, sau đó giảm dần và ổn định.