Trong lĩnh vực kinh doanh F&B, không chỉ chất lượng món ăn hay không gian quán quyết định sự thành công, mà còn là tâm lý đám đông. Một hiện tượng quen thuộc nhưng đầy sức mạnh: khi một người đi ngang qua hai quán ăn, một bên đông nghịt người, một bên vắng tanh, khả năng cao họ sẽ chọn vào quán đông. Lý do không đơn giản chỉ là “thấy đông thì vui” mà nằm sâu trong tiềm thức và bản năng sinh tồn của con người.

hieu-ung-dam-dong-trong-kinh-doanh-an-uong-vi-sao-mot-quan-dong-khach-luon-hap-dan-hon-1748183552.jpg

Tâm lý: “Nhiều người ăn thì chắc là ngon”

Đây là một phản xạ tâm lý rất tự nhiên. Khi ta thấy nhiều người chọn một địa điểm, bộ não sẽ nhanh chóng đưa ra giả định: “Chắc nơi này tốt nên mới đông như vậy”. Trong một thế giới đầy thông tin và lựa chọn, con người thường dùng hành vi của đám đông để tiết kiệm thời gian suy nghĩ – một cơ chế sinh tồn từ thời nguyên thủy khi con người cần bắt chước bầy đàn để an toàn và sống sót.

Nỗi sợ nguyên liệu cũ và chất lượng kém

Khi một quán vắng khách, đặc biệt là các quán ăn – khách hàng sẽ dễ liên tưởng rằng nguyên liệu không quay vòng nhanh, món ăn không tươi, nhân viên không có kinh nghiệm, hay thậm chí “phải có lý do gì đó thì người ta mới không vào”. Tâm lý sợ “trở thành người thử nghiệm thất bại” khiến họ quay lưng với quán, dù cho món ăn có thể ngon đến đâu.

hieu-ung-dam-dong-trong-kinh-doanh-an-uong-vi-sao-mot-quan-dong-khach-luon-hap-dan-hon2-1748183576.jpg

Chiêu trò phổ biến: tạo hiệu ứng đông người

Nhiều quán ăn hiểu rõ điều này và không ngại đầu tư để “làm màu” ban đầu:
• Tặng khuyến mãi để khách ngồi lâu hơn - từ đó tạo cảm giác quán đông.
• Nhờ bạn bè, người thân đến ngồi bàn gần cửa sổ, tạo hình ảnh hấp dẫn với người qua đường.
• Một số nơi thậm chí thuê “diễn viên quần chúng” để ngồi ăn, gọi món, xếp hàng, chụp ảnh.
• Dùng mạng xã hội, food reviewer, TikTok để “thổi” hình ảnh quán luôn đông đúc, gây tò mò.

Đừng sợ chuyện khách ngồi lâu chiếm dụng tỷ lệ chỗ ngồi xoay vòng bàn – vì bạn hoàn toàn có thể khai thác giá trị khác từ việc chăm sóc họ tận răng, bán thêm đồ uống, món phụ, tráng miệng, hoặc đơn giản là… tinh tế nhờ họ đang làm marketing sống cho bạn.

Khách quay lại quan trọng hơn là khách đi ngang không bao giờ bước vào hay chỉ thử một lần cho biết mà không quay lại (họ cũng sẽ không bao giờ giới thiệu cho bạn bè người thân của họ đến quán đâu). Cốt lõi của ngành ăn uống không chỉ là “bán được một bữa”, mà là xây dựng thói quen. Một khách hàng quay lại nhiều lần, giới thiệu bạn bè, đánh giá tốt - giá trị dài hạn cao hơn gấp bội so với một người ghé qua rồi không bao giờ trở lại. Do đó, đôi khi đầu tư để tạo hiệu ứng ban đầu, để quán “có không khí”, là cái giá hợp lý để trả cho một chỗ đứng bền vững.

Hiểu và tận dụng tâm lý đám đông là một chiến lược khôn ngoan, đặc biệt trong ngành dịch vụ ăn uống. Quán ăn không chỉ cần ngon, sạch, mà còn phải trông có vẻ đáng tin và hấp dẫn trong mắt người lần đầu nhìn thấy. Và đôi khi, một quán đông là kết quả của hiệu ứng… được tạo nên có chủ đích.

“Trong thế giới của lòng tin mỏng manh và quyết định trong tích tắc, hình ảnh bạn tạo ra chính là món ăn đầu tiên người ta nếm.”

Theo: Dinh Phong Nguyen