Nhà bán lẻ thời trang đang chờ chấp thuận của toà án để kết thúc thương vụ bán thương hiệu của mình cho hai nhà đầu tư mới với giá 325 triệu đô la.
Brooks Brothers, nhà bán lẻ thời trang cao cấp lâu đời được thành lập vào năm 1818, đã đệ đơn phá sản vào tháng trước, cho biết thương hiệu sẽ được bán cho Simon Property Group, nhà điều hành trung tâm thương mại lớn nhất ở Hoa Kỳ và Authentic Brands Group, một công ty liên doanh ở Hoa Kỳ.
Giá mua lại Brooks Brothers tăng từ 305 triệu đô la vào tháng trước lên tới 325 triệu đô la. Các công ty cho biết trong một tuyên bố, thương vụ trên phải được tòa án chấp thuận trong tuần này. Những người mua phải cam kết sẽ tiếp tục điều hành ít nhất 125 địa điểm bán lẻ của Brooks Brothers. Trước đại dịch, công ty đã vận hành 424 cửa hàng bán lẻ và đại lý trên toàn cầu, trong đó có 236 cửa hàng ở Hoa Kỳ, theo tài liệu của tòa án.
Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã lật đổ một số thương hiệu bán lẻ cao cấp, đặc biệt là những thương hiệu tập trung vào quần áo, vì nhiều hãng thời trang buộc phải tạm thời đóng cửa. Nhu cầu về thời trang cũng giảm mạnh. Các chuỗi cửa hàng bao gồm J.C. Penney, J. Crew, Neiman Marcus và chủ sở hữu của Ann Taylor và Loft đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản từ tháng 5, vật lộn với thua lỗ và nợ nần chồng chất. Hầu hết những doanh nghiệp bán lẻ trên nói rằng họ có kế hoạch tái xuất hiện với ít cửa hàng hơn.
Brooks Brothers, có trụ sở tại New York, là thương hiệu may mặc lâu đời nhất hoạt động liên tục tại Hoa Kỳ, và có một danh tiếng ít hãng thời trang nào có được trên thế giới. Hãng đã cung cấp y phục cho tất cả các vị tổng thống Mỹ kể từ khi thành lập, trang phục cho các ngôi sao, nam nghệ sĩ nổi tiếng trên toàn thế giới. Tổng thống Abraham Lincoln cũng đã mặc chiếc áo khoác của Brooks Brothers vào đêm ông bị ám sát.
Brooks Brothers đã được hồi sinh trong hai thập kỷ qua bởi nhà công nghiệp thời trang người Ý Claudio Del Vecchio - người đã mua lại thương hiệu vào năm 2001. Nhà bán lẻ bắt đầu trượt dốc doanh số trong những năm gần đây, bị vùi dập bởi sự phổ biến gia tăng của trang phục công sở bình thường và sự chuyển đổi sang các phương thức bán lẻ trực tuyến, thúc đẩy cơ hội tìm kiếm cho người mua hoặc cho nhà đầu tư mới.
Đại dịch đã giáng một đòn đầy bất ngờ đối với Brooks Brothers, cũng như các hãng thời trang cao cấp khác. Không chỉ các cửa hàng bán lẻ tạm thời đóng cửa mà nhu cầu may mặc của các khách hàng thân thiết cũng đi xuống rõ rệt.
Brooks Brothers ngày càng phải vật lộn với khó khăn trong năm nay, khi công ty chuẩn bị đóng cửa ba nhà máy ở Massachusetts, New York và Bắc Carolina, từ bỏ cái mác "Sản xuất tại Mỹ" và thông báo kế hoạch sa thải gần 700 nhân sự. Trước khi nộp đơn phá sản, công ty đã quyết định đóng cửa 51 cửa hàng của Brooks Brothers tại Hoa Kỳ.
Nếu thương vụ được chấp thuận, việc mua lại Brooks Brothers của Tập đoàn SPARC sẽ diễn ra nhanh chóng đáng kể, vì Brooks Brothers đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 8 tháng 7.
Trong một cuộc họp báo doanh thu tuần này, David Simon, giám đốc điều hành của Simon Property, đã nêu ra một số lợi ích đối với việc mua lại các nhà bán lẻ đã phá sản thông qua SPARC. Ông nói rằng họ đang mua hàng tồn kho bằng hoặc thấp hơn giá gốc, mua bất kỳ tài sản trí tuệ nào với "giá hời", cắt giảm chi phí chung của các công ty đã mua và có thể từ chối một số hợp đồng.
Ông cũng lưu ý rằng liên doanh đã tạo nhiều công ăn việc làm ở những nơi như Brooks Brothers. "Đó là những gì chúng ta nên nhắc đến. Chúng tôi đang chia sẻ quan điểm của mình để cố gắng giữ cho thế giới này trở nên bình thường nhất có thể."

Theo NY Times