Gửi tiền ngân hàng, Bảo Việt thu lãi hàng nghìn tỷ đồng

Tập đoàn Bảo Việt vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022. Theo đó, tiền mặt tại quỹ của tập đoàn là hơn 40,5 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng là gần 677 tỷ đồng, tiền đang chuyển là 233 tỷ đồng, các khoản tương đương tiền là 1.302 tỷ đồng. Tổng chung, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 2.253 tỷ đồng, giảm hơn 2 lần so với mức 5.354 tỷ đồng của đầu năm.

Tổng doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm đạt 40.264,4 tỷ đồng, hoàn thành 76,8% kế hoạch 2022, ghi nhận mức tăng trưởng khả quan 10,5%; trong đó, thu hoạt động bảo hiểm đạt 32.446 tỷ đồng, hoàn thành 76% kế hoạch 2022, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm trước; thu hoạt động tài chính đạt 7.261 tỷ đồng, hoàn thành 82% kế hoạch 2022, tăng trưởng 10%; thu hoạt động liên doanh liên kết đạt 57.534 tỷ đồng, tăng trưởng 2,5% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế Hợp nhất của Tập đoàn trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1.251,4 tỷ đồng, tương ứng bằng 87,1% kết quả cùng kỳ năm trước, chủ yếu do hoạt động của thị trường tài chính – bảo hiểm nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong 9 tháng đầu năm 2022 có sự biến động mạnh so với cùng kỳ 2021. 

Tổng doanh thu của Công ty mẹ đạt 1.160 tỷ đồng, hoàn thành 76% kế hoạch 2022, tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của Công ty Mẹ đạt 795 tỷ đồng, hoàn thành 75,7% kế hoạch 2022, tăng trưởng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản của Công ty Mẹ tại 30/09/2022 đạt 19.559 tỷ đồng, tăng 651 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021; vốn chủ sở hữu của Công ty Mẹ đạt 19.278 tỷ đồng, tăng 759 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021.

Tại thời điểm 30/09/2022, tổng tài sản hợp nhất của Tập đoàn Bảo Việt đạt 190.842 tỷ đồng, tăng 21.338 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021; vốn chủ sở hữu hợp nhất của Tập đoàn Bảo Việt đạt 23.167 tỷ đồng, tăng 1.140,4 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021. 

Điều đáng nói là, trong cơ cấu đầu tư của Bảo Việt, có đến 53% tài sản của tập đoàn dùng để gửi tiết kiệm với gần 103.000 tỷ đồng, chủ yếu gửi theo dạng ngắn hạn (90%). 

Theo đó, tiền gửi ngắn hạn của Bảo Việt là 92.418 tỷ đồng. Tiền gửi dài hạn là 1.603 tỷ đồng. Ngoài các hợp đồng tiền gửi tại hai tổ chức là ALCII và VFC đã quá hạn, các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn bằng VND tại các tổ chức tín dụng khác có thời hạn gốc trên ba tháng và thời gian đáo hạn không quá một năm, lãi suất từ 3,9 - 7%/năm. Các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn bằng VND tại các tổ chức tín dụng có thời gian đáo hạn trên một năm, được hưởng lãi suất từ 5,2 - 10,5%/năm.

Bảo Việt hiện năm 2.924 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp ngắn hạn và 10.570 tỷ đồng trái phiếu dài hạn. Trái phiếu Chính phủ mà tập đoàn này đang sở hữu là 880 tỷ đồng với trái phiếu ngắn hạn và 48.137 tỷ đồng với trái phiếu dài hạn.

Trong 9 tháng năm 2022, doanh nghiệp mang về hơn 5.940 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động tài chính, trong đó riêng khoản lãi tiền gửi đã chiếm tới 66% (3.920 tỷ đồng) - tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước.

Hàng tồn kho của Bảo Việt ghi nhận là gần 140 tỷ đồng, trong đó, ấn chỉ là 35,5 tỷ đồng, vật liệu, văn phòng phẩm là 40,5 tỷ đồng, thiết bị, dụng cụ là 7,5 tỷ đồng. Phần còn lại là hàng tồn kho tại BVInvest bao gồm các chi phí mua sắm và chi phí xây dựng dở dang của các bất động sản đầu tư của BVInvest là 56,3 tỷ đồng.

Ai đang sở hữu tập đoàn Bảo Việt?

Tập đoàn Bảo Việt có địa chỉ tại số 8, phố Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tập đoàn Bảo Việt trước đây là một doanh nghiệp Nhà nước đã được cổ phần hóa và trở thành một doanh nghiệp cổ phần theo Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu năm 2007. 

Ngành nghề kinh doanh theo đăng ký của Bảo Việt là đầu tư vốn vào các công ty con, công ty liên kết; kinh doanh dịch vụ tài chính và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính; dịch vụ hỗ trợ giáo dục và các ngành nghề kinh doanh khác.

Bảo Việt là doanh nghiệp đầu tiên cung cấp bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ và chứng khoán tại thị trường Việt Nam. Hiện nay, Bảo Việt – thông qua các đơn vị thành viên - đang cung cấp các dịch vụ tài chính toàn diện bao gồm bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, quản lý quỹ và đầu tư với mạng lưới rộng khắp các tỉnh thành trên cả nước, phục vụ hàng chục triệu khách hàng. 

Tại ngày 30/9/2022, tập đoàn có 6 công ty con, 1 quỹ đầu tư, 6 công ty liên doanh, liên kết do công ty mẹ nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các công ty con/quỹ đầu tư và 3 đơn vị hạch toán phụ thuộc.

Theo Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 15 vào tháng 7/2022, vốn điều lệ của tập đoàn là hơn 7.423 tỷ đồng, với số cổ phần đăng ký là 742.322.764 cổ phần. Toàn bộ số cổ phần thuộc vốn điều lệ của Tập đoàn được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE).

Cơ cấu vốn cổ phần của tập đoàn tính đến hết ngày 30/9/2022, tập đoàn có 3 cổ đông lớn chiếm hơn 90% vốn điều lệ tập đoàn. 

Bộ Tài chính đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 485.509.800 cổ phần, tương đương 65% vốn điều lệ của tập đoàn. Công ty bảo hiểm nhân thọ Sinimoto nắm 163.945.421 cổ phần, tương đương 22,09% vốn điều lệ. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước đang sở hữu 22.154.400 cổ phần, tương đương 2,98% vốn điều lệ. Các cổ đông khác đang sở hữu 9,93% cổ phần, tương đương 73.713.143 cổ phần.