Concert Anh Trai Say Hi (ATSH) đã gây tiếng vang lớn với quy mô và sức hút kinh khủng. Nó thành công trên mọi mặt từ phương diện truyền thông, mức độ viral và cả tiền bạc. Vậy đâu là yếu tố giúp nó thành công?
Tôi sẽ phân tích sự thành công của chương trình dưới góc nhìn chiến lược Đại dương xanh.
Khách hàng mục tiêu: Nhóm khách hàng trẻ tuổi (Gen Z) vừa chịu chơi vừa chịu chi. Họ tạo ra một thị trường mới, không cạnh tranh trực tiếp với các sự kiện âm nhạc truyền thống khác.
Các yếu tố tăng thêm hoặc tạo mới:
1. Tương tác và giải trí cao:
Chương trình không chỉ dừng lại ở biểu diễn âm nhạc mà còn lồng ghép những tiểu phẩm vui nhộn, pha trò của các ca sĩ ngay trên sân khấu.
Các nghệ sĩ tích cực tương tác, trò chuyện, tặng quà và chụp hình Selfie với khán giả.
2. Sân khấu hoành tráng và tính kết nối.
Concert tận dụng không gian biểu diễn lớn và hấp dẫn như khu đô thị Vạn Phúc, kết hợp với hiệu ứng ánh sáng và pháo hoa hoành tráng.
3. FOMO cao
Các hoạt động luyện tập và biểu diễn của nghệ sĩ được cập nhật thường xuyên trên mạng xã hội, kích thích sự tò mò và tạo hiệu ứng FOMO (Fear of Missing Out) đối với khán giả chưa kịp tham dự.
Các ca khúc trong chương trình được sáng tác mới, lần đầu tiên được biểu diễn khiến người nghe không thấy nhàm chán. Hơn thế nữa còn khẳng định được vị thế độc quyền, tiên phong, thời thượng của người nghe khi họ là một trong những người đầu tiên được trực tiếp thưởng thức ca khúc do các thần tượng biểu diễn.
Các yếu tố được giảm và loại bỏ:
1. Giảm tính nghiêm túc và áp lực về mặt chuyên môn:
Khác với các concert nhạc cổ điển hoặc sự kiện âm nhạc mang tính chuyên nghiệp cao. ATSH không đặt nặng tính đối kháng hay thành tích, mà thay vào đó tạo ra một không gian vui vẻ, thư giãn cho người xem. Nội dung bài hát không quá cầu kỳ, lời không quá trau chuốt. Không ai soi nội dung có phù hợp với bối cảnh hay không.
Người nghe không quá quan trọng nội dung bài hát là gì, họ chỉ cần nhịp điệu sống động, bùng nổ để cùng nhảy, lắc lư, hò hét cùng đám đông và thần tượng là vui rồi.
2. Giảm yêu cầu kỹ thuật và chi phí lớn:
Thay vì tập trung vào những sân khấu đắt đỏ hay thuê các ngôi sao quốc tế, chương trình sử dụng các nghệ sĩ trong nước đang được khán giả trẻ yêu thích. Bản thân những HIEUTHUHAI, Song Luân, Đức Phúc vốn dĩ đã tạo được hiệu ứng truyền thông tốt từ người hâm mộ.
Kết quả của chiến lược.
Concert này không chỉ đơn thuần là sự kiện âm nhạc, mà còn là một dịp để các bạn trẻ flex, check-in, sống ảo trên các nền tảng mạng xã hội.
Điều này giúp mở rộng tệp khán giả và biến concert thành một trải nghiệm văn hóa, lễ hội kết nối, thể hiện phong cách sống hơn là chỉ một buổi biểu diễn
Bài học từ Chiến lược Đại Dương Xanh của ATSH.
Anh Trai Say Hi cũng đã khéo léo chọn một hướng đi riêng, nơi mà tính cộng đồng, tính giải trí, và sự tương tác trên mạng xã hội được đặt lên hàng đầu. Điều này giúp chương trình không phải đối đầu trực tiếp với các sự kiện âm nhạc truyền thống hoặc quốc tế mà vẫn tạo được chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả trẻ.
Đặc biệt thông điệp "Chương trình được tạo ra bởi người Việt, ca khúc Việt, cho người Việt" cũng khéo léo lồng nghép cổ vũ về lòng tự tôn dân tộc.
Với không gian thiết kế có tính cộng đồng và kết nối cáo khiến người xem không cảm thấy mình là "khán giả". Ngược lại họ cảm thấy mình là "Người chơi", là một phần tạo nên thành công cho chương trình.
Với tất cả những lý do đó ANH TRAI SAY HI đã bán giá cao vượt trội so với hầu hết các chương trình ca nhạc trong nước khác từng diễn ra trước đây.
P/s: Bạn có góc nhìn thế nào hãy cmt xuống dưới nhé. Nếu thấy thú vị thì thả tym, share và tag bạn bè nhé.
MAI QUỐC BÌNH