Đó là chia sẻ của các doanh nghiệp nói trên, từ Thiên Ngân và BHD Việt Nam đến 2 ông lớn nước ngoài là CGV và Lotte Cinema. 

vbi-2021-06-02t131457042-1622614508.jpg

Báo Tuổi Trẻ sáng nay đã cập nhật thông tin cụ thể như sau: 

Các ‘ông lớn’ trong thị trường phát hành và chiếu phim Việt Nam vừa ký vào văn bản gửi Thủ tướng xin hỗ trợ về thuế, lãi vay, gia hạn nộp bảo hiểm, ghi nhận chiếu phim là hoạt động thiết yếu và sớm cho rạp chiếu phim được hoạt động trở lại…

Văn bản của các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước vào giữa tháng 5, về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp điện ảnh vượt qua khó khăn vì đại dịch COVID-19.

Ký tên trong văn bản ngoài đại diện 2 doanh nghiệp chiếu phim và phát hành phim lớn của Việt Nam là Thiên Ngân và BHD Việt Nam, còn có 2 "ông lớn" nước ngoài vốn được coi là có tiềm lực kinh tế mạnh từ các tập đoàn "mẹ" như CGV và Lotte Cinema.

Văn bản dẫn ra các con số cho thấy mức tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp chiếu, phát hành phim và cả làm phim của Việt Nam trong 10 năm từ 2010 đến 2020.

Trong đó, số lượng rạp chiếu phim hiện đại của cả nước tăng từ 90 lên 1.096 phòng chiếu (tăng 1.104%), số lượt xem phim chiếu rạp trên toàn quốc trong 1 năm cũng tăng từ 7 triệu lên 57 triệu lượt (tăng 714%)…

Tuy nhiên, từ cuối tháng 1-2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp điện ảnh, tới tâm lý khách hàng, nguồn phim và kế hoạch sản xuất phim.

Hiện nay, doanh thu từ hoạt động chiếu phim và phát hành phim của các doanh nghiệp điện ảnh gần như bằng 0, trong khi doanh nghiệp vẫn phải chịu các chi phí thuê mặt bằng, lương và phúc lợi cho nhân viên.

Văn bản khẳng định với tình trạng hiện nay thì doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều có thể lâm vào phá sản, kéo theo sự suy thoái của ngành công nghiệp điện ảnh trong tương lai.

Vì vậy, dù hiểu (và trân trọng) Chính phủ hiện nay phải làm nhiều việc quan trọng để đảm bảo tập trung chống dịch, các doanh nghiệp điện ảnh bên cạnh việc tự nỗ lực thì cũng "thỉnh cầu" lãnh đạo Chính phủ và bộ ngành "chiếu cố" các doanh nghiệp điện ảnh mà có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp điện ảnh vượt qua khó khăn.

Một số phương án hỗ trợ được các doanh nghiệp kiến nghị gồm hỗ trợ duy trì lao động tránh sa thải hàng loạt (hơn 10.000 lao động trong ngành) bằng việc xem xét cho  rạp chiếu phim sớm được hoạt động trở lại khi đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, cùng những hỗ trợ giải quyết khủng hoảng về thanh toán cho doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ phá sản, hỗ trợ bình ổn rạp chiếu phim khi rạp hoạt động trở lại.

Các kiến nghị hỗ trợ giải quyết khủng hoảng về thanh toán gồm:

- Chính sách hỗ trợ nhằm tái cấu trúc nợ vay, hoặc cấp gói tín dụng ưu đãi mới.

- Cấp tài trợ hoặc gia hạn thời gian nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và phí công đoàn cho tất cả các doanh nghiệp điện ảnh đến hết ngày 31-12-2021.

- Giảm 50% thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp điện ảnh thu được và hoãn việc nộp thuế giá trị gia tăng phải nộp đến hết ngày 31-12-2021, miễn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động của các doanh nghiệp điện ảnh.

- Có chính sách vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản tạo điều kiện để các doanh nghiệp cho thuê mặt bằng miễn giảm tiền thuê, phí dịch vụ cho các đơn vị rạp chiếu phim trong thời gian phải đóng cửa vì dịch bệnh và ít nhất 6 tháng kể từ khi rạp hoạt động trở lại…

- Đặc biệt, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ "ghi nhận hoạt động chiếu phim phục vụ giải trí cũng là hoạt động thiết yếu trong thời đại ngày nay. Đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay cũng càng nên được thúc đẩy nhằm giảm thiểu các chứng bệnh do căng thẳng tâm lý, góp phần giảm áp lực cho ngành y tế".

Từ việc ghi nhận này, các doanh nghiệp một lần nữa đề nghị Chính phủ sớm cho phép các rạp chiếu phim được hoạt động trở lại với điều kiện đảm bảo phương án 5K.

Các doanh nghiệp ký đơn cũng khẳng định rạp chiếu phim là nơi có thể dễ dàng áp dụng 5K bởi khán giả vào rạp chỉ tập trung xem phim mà không nói chuyện, việc ăn uống bắp, nước được phục vụ theo khẩu phần riêng, ghế ngồi có thể giữ khoảng cách, và công nghệ vé điện tử khiến khán giả không cần tập trung đông người mua vé.

Trước đó, hồi tháng 4-2020, Hiệp hội Điện ảnh Việt Nam cũng đã gửi văn bản "kêu cứu" lên Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam vượt qua khó khăn vì dịch bệnh.

Trong đó nhấn mạnh các doanh nghiệp Việt Nam không có tiềm lực tài chính đủ mạnh để đương đầu với khủng hoảng mạnh như dịch COVID-19 như các công ty thuộc tập đoàn lớn của nước ngoài là CGV và Lotte Cinema.

Nay thì cả 2 "ông lớn" này cũng phải ký vào văn bản thỉnh cầu.

Độc giả khi nắm được thông tin đã đưa ra nhiều luồng tranh luận trái chiều. Một số ý kiến cho rằng dịch bệnh chính là thời gian thanh lọc được các doanh nghiệp yếu kém, nếu không tự mạnh mẽ vượt qua được thì sẽ sớm bị loại bỏ. Bên cạnh đó nhiều cá nhân cũng quan tâm đến cụm từ "dịch vụ thiết yếu" nêu trong văn bản kể trên. Nhận định rằng đó chỉ là một cách để gây tò mò với truyền thông chứ bản thân doanh nghiệp tự biết rằng đó là điều không thể xin phép trong thời điểm này. 

Bạn nghĩ sao về câu chuyện này?