Người Sài Gòn xưa thường nói “Đi tàu Chú Hỷ, ở nhà Chú Hỏa” để chỉ hai nhân vật nổi tiếng: Chú Hỷ - “vua tàu thuyền” - có tàu chạy Lục tỉnh và Chú Hỏa - “vua nhà đất” - với gần 30.000 căn nhà phố khắp Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn. Khó ai có thể thống kê hết số nhà cửa, do Công ty Hui Bon Hoa xây dựng ở Sài Gòn, Chợ Lớn xưa và những ngôi nhà ấy chắc chắn đã góp phần làm nên diện mạo của một "Hòn ngọc Viễn Đông".

Hơn trăm năm trôi qua, biết mấy vật đổi sao dời. Những giai thoại quanh cái tên Chú Hỏa ngày càng huyền hoặc sai lạc; chẳng những thế, những vết tích công trình của gia tộc này để lại tuy vẫn tồn tại sừng sững đó nhưng chẳng mấy người biết rõ ngọn ngành.

Sau năm 1975, con cháu dòng họ Chú Hỏa lần lượt ra đi, chia nhau lập nghiệp khắp nơi trên thế giới, chẳng còn ai ở lại Việt Nam. Lớp người đầu tiên chỉ biết chí thú làm ăn, chẳng ai nghĩ đến việc ghi chép sự tích công trạng của mình, khiến vết tích cũng như những giai thoại tuy nhiều nhưng phần lớn đều khác xa sự thực. Có rất nhiều thông tin liên quan đến gia đình họ, nhưng các dữ liệu lịch sử lại hết sức ít ỏi, nên những đồn đãi sai lạc đủ kiểu cứ lan truyền, khiến người nghe chẳng biết đâu mà lần.

Trọng tâm bài viết này nhằm làm rõ quá trình lập nghiệp của gia tộc Hui-Bon-Hoa. Hy vọng qua câu chuyện về một dòng họ Ba Tàu, có thể giúp người đọc hiểu thêm phần nào những đóng góp của người Tàu ở miền Nam.

 
Huỳnh Văn Hoa (1845-1901)

 “Chú Hỏa” là ai?

Căn cứ vào tên Hui Bon Hoa được khai khi nhập Pháp tịch của Chú Hỏa, nhiều tài liệu Việt ngữ cho rằng tên thật của ông là Hứa Bổn Hòa 許本華. Nhưng tra khắp thư tịch của người Tàu ở miền Nam thời đó sẽ chẳng tài nào tìm được cái tên Hứa Bổn Hòa 許本華. Theo đa số người Tàu sống lâu năm ở Sài Gòn-Chợ Lớn thì Chú Hỏa là đại từ dùng để gọi ông Huỳnh Trọng Huấn, người được xem là đại diện của gia tộc Hui-Bon-Hoa vào đầu thế kỷ XX. Nhưng xét ra, danh xưng Chú Hỏa vốn cũng đồng thời gắn liền với Hui Bon Hua, tên do ông Huỳnh Văn Hoa 黃文華, thân phụ của Huỳnh Trọng Huấn khai khi nhập tịch Pháp. Hui Bon Hoa chính là ký âm của Huỳnh Văn Hoa – theo phương ngữ Phúc Kiến. Còn cái tên Hứa Bổn Hòa chỉ là suy diễn, do ai đó dựa theo ba chữ Hui Bon Hoa đặt ra mà thôi.

Huỳnh Văn Hoa (1845-1901) còn có tên Huỳnh Tú Vinh, hiệu Tình Nham. Gốc tổ ở huyện Nam An tỉnh Phúc Kiến, đến đời ông cụ thân sinh thì dời đến thôn Văn Táo, trấn Hòa Sơn, huyện Hạ Môn (Phúc Kiến).

Hơn trăm năm trước (1865), một chàng trai 20 tuổi tay trắng đi thuyền từ Phúc Kiến đến Saigon kiếm kế sinh nhai. Chàng trai ấy đã cùng mấy đời con cháu mình góp phần xây dựng Nam kỳ thành xứ phồn vinh.

Chuyện làm giàu của Chú Hỏa

Về chuyện làm giàu của Chú Hỏa, trong dân gian lưu truyền nhiều giai thoại. Thực ra Huỳnh Văn Hoa có được số vốn ban đầu là nhờ ở lòng tốt của ông. Số là ở Sài Gòn, ông có qua lại làm ăn với một người Pháp, anh bạn này xui rủi bị sạt nghiệp, Huỳnh Văn Hoa đã tận tình giúp đỡ lộ phí cho bạn về nước. Cảm cái ơn đó, anh chàng người Pháp tiết lộ cho Hoa thông tin về khu vực nhà cầm quyền Pháp sắp quy hoạch để xây dựng thiết lộ. Huỳnh Văn Hoa bèn mua lại bãi đất sình lầy rộng lớn ở khu đó với giá rẻ, nhờ vậy ông được nhà nước thực dân đền bù số tiền lớn, Hoa có vốn mở tiệm cầm đồ đầu tiên của mình.

Ra tiệm chỉ là thoát kiếp làm công, còn để tạo dựng thịnh vượng cho cả một gia tộc lại phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trí phán đoán nhanh nhạy, lòng quả cảm dám quyết đoán nắm bắt thời cơ, và còn phải có ít nhiều may mắn. Trong quá trình kinh doanh của Huỳnh Văn Hoa, sự phối hợp gắn bó của ông với một người Pháp mới là quan trọng bậc nhứt.

Người đó là Antoine Ogliastro (1844-1908). Antoine xuất thân từ một đại gia tộc ở đảo Corse, lúc bấy giờ đã là một thương gia nổi tiếng, đầu tư trong nhiều lãnh vực. Năm 1875, ông thành lập công ty Anton – Aogeliya Manchester ở thủ đô Paris; 1876 là hội viên Hiệp hội Chambre de Commerce de Saigon và xây dựng một đồn điền hồ tiêu ở Hà Tiên; 1881 trở thành ứng cử viên đầu tiên trong cuộc bầu cử quốc hội Cochinchine (tức lãnh thổ Cộng hòa Tự trị Nam kỳ thời Pháp); 1885 đảm nhiệm Phó Lãnh sự Tây Ban Nha; 1886 là Lãnh sự Ý; 1887 là đại diện Lãnh sự quán Ý tại Sài Gòn. Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty tàu hỏa La Société générale des tramways à vapeur (SGTV), chủ Công ty xuất nhập khẩu Anton Aogeliya (Société commerciale d’import-export A. OGLIASTRO).

Huỳnh Văn Hoa luôn ghi nhớ công ơn Antoine đã dìu dắt cũng như tận lực sát cánh cùng mình trên bước đường chinh phục sự nghiệp lớn. Sau này, khi cả hai đã mất, vào thời kỳ kinh tế thế giới khủng hoảng 1929-1931, những người thừa kế gia tộc Hui-Bon-Hoa đã hết lòng ủng hộ Công ty la Société Louis Ogliastro & Cie. của Louis Ogliastro – con trai Antoine Ogliastro – vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Mối thâm giao giữa hai gia tộc Tây-Tàu này đến nay đã hơn trăm năm vẫn bền chặt như thuở ban đầu.

Trở lại với Huỳnh Văn Hoa. Năm 1887, để thuận tiện và được ưu đãi trong kinh doanh, theo gợi ý của bạn già Antoine, Huỳnh Văn Hoa nhập Pháp tịch, lấy theo tên thánh là Jean Baptiste Hui Bon Hoa. Cụm từ Hui-Bon-Hoa được con cháu sau này dùng làm họ, và “Chú Hỏa” cũng thành tên chung được truyền thừa, dùng để gọi người đứng đầu của gia tộc này ở Việt Nam qua các thời kỳ.

Danh tiếng Chú Hỏa từ đó không chỉ lừng lẫy Sài Gòn mà còn vang dội khắp Nam kỳ và lan rộng toàn cõi Đông Dương. Năm 1901, ông giao sự nghiệp ở Nam Việt lại cho các con, về Tàu thăm quê và bệnh mất ở đó, được an táng ở Tuyền Châu (Phúc Kiến), hưởng dương 56 tuổi.

Huỳnh Văn Hoa tuy mất, nhưng sự nghiệp cũng như phương danh Chú Hỏa đã có được những mảnh hổ xứng đáng kế thừa phát huy.

 

Tác giả: Lê Vĩnh Huy

 

Kỳ 3: Hậu duệ của Chú Hỏa: Ba người con siêu hạng