
Hàng loạt cổ đông lớn nhất của Viconship thoái vốn trong thời gian ngắn
Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship, HOSE: VSC) được thành lập vào ngày 27-7-1985 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Tiền thân là một công ty nhà nước trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), cung cấp dịch vụ vận chuyển container đầu tiên vào thời điểm 1985 , với số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn 7,2 triệu đồng. Năm 2002, công ty bắt đầu tiến hành cổ phần hóa với số vốn điều lệ ban đầu là 25,179 tỷ đồng, và đặt trụ sở tại Hải Phòng. Đến năm 2008, Viconship chính thức trở thành công ty thứ 139 được niêm yết trên sàn HOSE với mã cổ phiếu tên là VSC. Công ty đang tập trung vào một số lĩnh vực chính như: kinh doanh cảng quốc tế với việc khai thác cảng Green Port và Xanh Vip, kinh doanh bãi container, kinh doanh kho hàng, đại lý tàu và đại lý giao nhận khi trở thành tổng đại lý lớn cho các hãng MSC (Thụy Sỹ), TS Lines (Đài Loan), và bốc xếp hàng hóa.
Trong suốt 15 năm đầu hoạt động, Viconship chỉ có hai lĩnh vực chính là vận tải và giao nhận container. Đến năm 2004, cảng Greenport được khánh thành, giúp công ty bắt đầu tham gia vào ngành khai thác cảng. Kể từ khi có Greenport, nguồn thu từ việc vận hành cảng và dịch vụ liên quan đem về hơn 50% tổng doanh thu và 67% lợi nhuận trước thuế cho công ty. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, công suất tối đa của cảng này không thể tiếp tục đáp ứng được công suất thực tế ngày càng tăng trưởng. Có khi tàu ở cảng phải chờ đến 24 tiếng cho đợt thủy triều tiếp theo thì mới được khởi hành. Vì nằm ở vị trí không thuận lợi nên các giải pháp tăng công suất của cảng đều không thể thực hiện. Do đó sự ra đời của cảng VIP Greenport chính là một giải pháp giúp cho công ty tiếp tục tăng trưởng hơn nữa.
Năm 2014, Viconship cùng CTCP Vận tải xăng dầu Vipco thành lập CTCP Cảng Xanh Vip (Upcom: VGR) với tổng vốn điều lệ ban đầu là 450 tỷ đồng. Sau đó, VGR đã bắt đầu xây dựng và khánh thành cảng Vip Greenport vào cuối năm 2015, với tổng mức đầu tư của dự án lên đến 1.400 tỷ đồng, bao gồm diện tích 20ha và cầu cảng có chiều dài 400m. Ngoài ra, đây là cảng đầu tiên có cổng cảng ngang tầm với những cảng lớn của châu Á, có quy mô lớn và hiện đại nhất tại Hải Phòng. Cũng vào thời điểm 2015, đã có một hãng tàu lớn của Đài Loan - Công ty Evergreen Marine Corp (Taiwan) Ltd, mua lại 12,5 triệu cổ phiếu của CTCP Cảng Xanh Vip. Sau đó 1 năm, Viconship đã mua lại toàn bộ cổ phần sở hữu của Vipco để tăng tỷ lệ sở hữu tại VGR lên 74,35%, và Evergreen của Đài Loan sở hữu 21,74%. Giai đoạn 2021 - 2022, công ty cũng đã chi hàng trăm tỷ đồng để mua lại 36% cổ phần của cảng Vinalines Đình Vũ và 100% vốn Cảng cạn Quảng Bình - Đình Vũ từ Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Bình.

Vào tháng 8/2022 vừa qua, xuất hiện thông tin CTCP Container Việt Nam sẽ trình Đại hội cổ đông bất thường ngày 9/9 về việc phát hành 40 triệu cổ phiếu riêng lẻ, với mức giá được chiết khấu đến 45% so với thị giá và 20% so với giá trị sổ sách. Ngay lập tức chỉ 5 ngày sau, các cổ đông lớn nhất của công ty đều đồng loạt thoái gần hết vốn sở hữu của mình. Cụ thể, ngày 19/8, bà Tạ Kim Chi - cổ đông lớn của công ty đã bán hết toàn bộ 8,37 triệu cổ phiếu tương đương 6,9% cổ phần công ty. Ba ngày sau, CTCP Tập đoàn T&D Group và CTCP Thành Đức Holding đồng loạt bán hơn 6,2 triệu cổ phiếu, từ tỷ lệ sở hữu 5,18% về con số không. Tiếp theo là bà Đoàn Thị Tơ - cổ đông lớn nhất của Viconship và là con dâu của bà Chi đã bán hơn 8,2 triệu cổ phiếu VSC của công ty, giảm tỷ lệ từ 7,07% xuống còn 0,22%, không còn là cổ đông lớn nữa. Cuối cùng là ông Đoàn Quang Huy, cổ đông lớn nắm giữ 5,65% cổ phần đã bán đi 3,4 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ chỉ còn lại 2,82%. Tổng số tiền nhóm cổ đông này thu về khoảng hơn 1.191 tỷ đồng, với mức giá khoảng 36.500 đồng/cổ phiếu trong khoảng thời gian đó.
Không chỉ xảy việc thoái vốn của các cổ đông lớn, mà nhân sự trong HĐQT và ban giám đốc cũng liên tục biến động. Hiện chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Việt Hòa, được bổ nhiệm vào tháng 6/2020, các thành viên khác trong HĐQT cũng được bầu cùng lúc với ông. Có một số người đảm nhiệm cương vị thành viên HĐQT chưa được 1 năm là rời ghế. Ví dụ như ông Trần Quang Tiến, đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT độc lập từ 22/9/2021, thì đến 9/9/2022 đã được miễn nhiệm. Cũng trong đại hội cổ đông bất thường diễn ra vào tháng 9, một thành viên HĐQT khác là ông Dương Tiến Dũng đã rời ghế sau khi được bổ nhiệm vào tháng 3/2021. Về phía ban điều hành, Tổng giám đốc Viconship - ông Bùi Minh Hưng chỉ mới nắm giữ cương vị này kể từ tháng 9/2021, sau khi người đảm nhiệm vị trí CEO trước đó là ông Nguyễn Văn Tiến - người đã đồng hành cùng công ty suốt khoảng thời gian 17 năm kể từ 2004. Ngoài ra, công ty vừa có Giám đốc tài chính mới là ông Phan Văn Hưng, thế cho ông Dương Tiến Dũng đảm nhiệm chiếc ghế này từ tháng 5/2021. Còn ông Cáp Trọng Trường - Giám đốc khai thác và ông Tạ Công Thông - Giám đốc Marketing cũng chỉ vừa được bổ nhiệm vào năm 2022. Có phải sự biến động của hầu hết nhân sự lãnh đạo chủ chốt của công ty là do tình hình kinh doanh hay không?
Viconship làm ăn ra sao trong suốt 11 năm?
Tháng 12/2022 vừa qua, CTCP Container Việt Nam được vinh danh trong Top các công ty kinh doanh hiệu quả nhất suốt 1 thập kỷ của tạp chí Nhịp cầu đầu tư. Năm 2011, doanh thu của công ty đạt 644 tỷ đồng, tăng hơn 17,5% so với 2010, và lợi nhuận sau thuế tăng thêm gần 7% đạt 191 tỷ đồng. Sang năm 2012, doanh thu tăng gần 21% lên 779 tỷ, lãi ròng tăng mạnh 19% và đạt tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần là 29,65%. Năm 2013, tốc độ tăng trưởng của doanh thu và lợi nhuận giảm lại, chỉ còn ở mức 2% và 5%. Đến năm 2014, mặc dù doanh thu tăng gần 100 tỷ đồng, nhưng lãi ròng chỉ cao hơn so với cùng kỳ 8 tỷ. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần là 27,84% và ROE là 23,44%, đều giảm so với năm trước. Năm 2015, doanh thu tăng khoảng 36 tỷ thì lãi ròng cũng tăng đến 28 tỷ đạt 276 tỷ đồng. Đến năm 2016 là thời điểm đầu tiên Viconship đạt cột mốc doanh thu nghìn tỷ khi ghi nhận 1.082 tỷ đồng, tăng khoảng 16,7% so với cùng kỳ. Nhưng đây cũng lại là một năm buồn của công ty khi lợi nhuận sau thuế lần đầu sụt giảm hơn so với năm trước, chỉ còn lại gần 262 tỷ đồng so với 276 tỷ của năm 2015. Nguyên nhân chính của khoản lỗ này là do chi phí lãi vay của Viconship năm 2016 gấp 43 lần so với cùng kỳ năm trước đó, dẫn đến thu không đủ chi.

Năm 2017, công ty quay trở lại với đà tăng trưởng, nhưng trong khi doanh thu tăng đến 20% thì lợi nhuận sau thuế chỉ hơn so với năm trước vỏn vẹn 0,7%. Hệ số lợi nhuận sau thuế/ doanh thu thuần và ROE tiếp tục giảm, còn lại lần lượt là 20,25% và 15,43%. Sau hai năm ghi nhận lãi ròng tăng trưởng âm và gần như không thay đổi, thì đến năm 2018 bất ngờ doanh thu tăng mạnh 30% lên con số 1.694 tỷ đồng. Đáng chú ý nhất là lợi nhuận sau thuế tăng đến 34,6% đạt 354 tỷ đồng. Theo như chia sẻ từ Viconship, hoạt động kinh doanh khai thác cảng trong năm 2018 gặp vô vàn khó khăn từ các đối thủ cạnh tranh, những lĩnh vực khác thì hiệu quả không cao. Nhưng cuối cùng công ty đã đạt được kết quả vô cùng tích cực. Con số lợi nhuận đột biến này không thể tiếp tục duy trì khi đến năm 2019 giảm còn 285 tỷ đồng, nhưng doanh thu vẫn tăng lên 1.792 tỷ đồng. Nguyên nhân do giá vốn hàng bán tăng mạnh, mặc dù nguồn thu tăng nhưng lợi nhuận gộp lại giảm, và khoản chi phí khác tăng hơn 14 lần so với năm trước. Trong cơ cấu doanh thu của Viconship, thì lĩnh vực bốc dỡ container chiếm đến 66%, còn dịch vụ vận chuyển và hoạt động lưu bãi, chạy lạnh, kiểm hóa, kiểm dịch cùng đem về 24% doanh thu, còn lại khoảng 10% đến từ dịch vụ khác Bước sang năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh của công ty, lần đầu tiên doanh thu sụt giảm chỉ còn lại 1.688 tỷ đồng, thấp hơn 6% so với cùng kỳ năm trước. Do nhờ giảm khoản chi phí lãi vay từ 15 tỷ chỉ còn lại 341 triệu đồng và chi phí khác từ 14 tỷ còn lại hơn 800 triệu đồng, lãi ròng của VSC vẫn tăng nhẹ khoảng 3%. Đây là một tín hiệu tích cực dành cho công ty, khi hầu hết các doanh nghiệp khác đều sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận.
Năm 2021 là lúc dịch bệnh bùng phát nặng nề nhất, nhưng đây cũng là năm có kết quả kinh doanh đạt kỷ lục của CTCP Container Việt Nam. Doanh thu lần đầu đạt 1.892 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với năm trước. Đặc biệt là lãi ròng được ghi nhận lên đến 413 tỷ đồng, mức cao nhất từ lúc bắt đầu hoạt động đến nay, cùng mức tăng trưởng kỷ lục 39%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần lần đầu tăng trưởng trở lại sau nhiều năm thụt lùi khi đạt 21,87% so với 17,55% của năm 2020, và ROE đạt 13,81%. Với kết quả kinh doanh này đã vượt hẳn mục tiêu đầu năm công ty đề ra, mặc dù đây là năm ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Đến năm 2022, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3, doanh thu lũy kế 9 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng 7% so với cùng kỳ đạt 1.488 tỷ, và lãi ròng tăng trưởng thêm 5% ghi nhận 323 tỷ đồng. Trong suốt giai đoạn 2011 - 2022, tổng tài sản của công ty tăng trưởng hơn gấp 4 lần từ 856 tỷ lên đến 3.577 tỷ đồng tính đến 30/9/2022. Ngoài ra, thời điểm cuối quý 3/2022, Viconship hoàn toàn không có bất kỳ khoản nợ vay ngắn hoặc dài hạn. Hiện tại công ty không có khoản đầu tư bất động sản nào được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán và hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn có 0,09. Số tiền mặt công ty hiện có khoảng 460 tỷ đồng giảm nhiều so với con số 1.013 tỷ đồng ở đầu năm, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn lần lượt là 284 tỷ và 497 tỷ. Liệu rằng với tình hình tài chính như vậy, Viconship có thể vượt qua kỷ lục của năm 2021, và tiếp tục tăng trưởng mạnh giữa bối cảnh kinh tế gặp khủng hoảng như hiện nay hay không?