ctcp-dich-vu-hang-hoa-sai-gon-lam-an-ra-sao-khi-co-su-hau-thuan-cua-cac-ong-lon-1-1670716621.jpg

CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn và sự hậu thuẫn của các “ông lớn”

Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCSC, HOSE: SCS) được thành lập vào ngày 08-4-2008 với điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng, nhằm mục đích đầu tư xây dựng và phát triển Nhà ga hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất. SCSC ra đời nhờ sự hợp tác của các “ông lớn” trong ngành hàng không như: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Công ty TNHH MTV Sửa chữa máy bay 41, CTCP Gemadept. Và có sự tham gia của ba đơn vị khác là: Công ty TNHH Đầu Tư Nam Phú Quốc tế, CTCP Đầu Tư Á Châu, CTCP Sóng Việt. Tháng 7/2017, SCSC bắt đầu giao dịch trên sàn UpCom được hơn một năm, thì chính thức niêm yết trên sàn HOSE vào ngày 03-9-2018 với giá tham chiếu lên đến 174.105 đồng/cổ phiếu.

Dự án đầu tiên của công ty chính là ga hàng hóa tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được xây dựng từ tháng 6/2009 đến tháng 8/2010, với tổng mức đầu tư khoảng 1.065 tỷ đồng. Dự án có ba khu vực, bao gồm: khu sân đậu máy bay có diện tích 52.421 m2 có thể chứa 3 máy bay cùng lúc, khu ga hàng hóa có quy mô 26.670m2 với công suất lên đến 350.000 tấn hàng, và khu còn lại có diện tích 64.000 m2 dành cho nhà kho, bãi đậu xe, đường giao thông, tòa nhà văn phòng,...Đặc biệt, hiện đây cũng chính là nhà ga duy nhất tại Việt Nam được công nhận phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế của Hiệp hội vận chuyển hàng không quốc tế (IATA). Hơn nữa, công ty còn được độc quyền khai thác hoạt động vận chuyển hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất.

ctcp-dich-vu-hang-hoa-sai-gon-lam-an-ra-sao-khi-co-su-hau-thuan-cua-cac-ong-lon-2-1670716990.jpg

Ga hàng hóa Tân Sơn Nhất - "Gà đẻ trứng vàng" của SCSC

Một trong những nguyên nhân để có SCSC có được lợi thế như vậy là nhờ sự “hậu thuẫn” của các cổ đông. Đầu tiên là ACV - đơn vị đồng sáng lập của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn, hiện đang là cổ đông lớn thứ hai của SCSC với tỷ lệ 14,28% cổ phần. Đây là công ty lớn nhất trong lĩnh vực hàng không tại Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải đại diện Nhà nước nắm giữ 95,4% cổ phần. Đáng chú ý, ACV chính là đơn vị đang sở hữu quyền khai thác và quản lý 22 sân bay lớn nhất trên khắp cả nước. Tiếp theo là CTCP Gemadept (HOSE: GMD) - doanh nghiệp từng được Nhà nước chọn là 1 trong 3 công ty đầu tiên của nước ta thí điểm mô hình cổ phần hóa vào năm 1993. Gemadept đã trở thành một trong những công ty logistic lớn nhất Việt Nam với doanh thu hàng năm từ 2.000 - 3.000 tỷ đồng, và là cổ đông lớn nhất của SCSC với tỷ lệ sở hữu lên đến 35,12% cổ phần. Trong cơ cấu cổ đông sáng lập còn có Công ty sửa chữa máy bay 41 thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng, đã góp vốn bằng “miếng đất vàng” 143.000m2 - nơi được dùng để xây dựng dự án ga hàng hóa cho công ty. 

Hiện tại, các tổ chức cổ đông đều có riêng cho mình các cá nhân đại diện cổ phần nằm trong HĐQT của công ty. Đầu tiên, đại diện số cổ phần của Gemadept có đến hai người, bao gồm: bà Bùi Thị Thu Hương - Chủ tịch HĐQT của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn với 26,9% tỷ lệ cổ phần, và ông Nguyễn Quốc Khánh - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc làm đại diện cho 5%. Tiếp theo là ông Đỗ Tất Bình - Phó chủ tịch HĐQT đại diện cho 13% tỷ lệ sở hữu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Cuối cùng. đại diện phần vốn của Công ty sửa chữa máy bay 41 là ông Mai Xuân Cảnh - thành viên HĐQT của SCS với tỷ lệ 12,43%. Ngoài ra, vào năm 2012 trước khi bị bắt, Bầu Kiên cũng từng tham gia vào HĐQT của SCSC khi là người đại diện phần vốn của CTCP Đầu tư Á Châu thuộc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Dưới sự điều hành của dàn lãnh đạo là người đến từ các tổ chức cổ đông lớn, công ty hoạt động trong lĩnh vực ga hàng hóa này luôn đạt được mức biên lợi nhuận rất “khủng” trong suốt thời gian qua.

SCSC đang kinh doanh ra sao khi có lợi thế vô cùng lớn từ các cổ đông của mình

Kể từ khi được thành lập, nguồn thu chính của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn đến từ việc khai thác ga hàng hóa hàng hóa không với sản lượng lên đến hàng trăm nghìn tấn. Trở thành công ty có tỷ lệ biên lợi nhuận gần như cao nhất trong lĩnh vực hàng không. Điều đặc biệt nhất là trong suốt giai đoạn 2012 - 2022, lợi nhuận sau thuế của SCSC tăng trưởng đến tận 9 năm, điều đó cho thấy hiệu quả kinh doanh của công ty này quá “khủng khiếp”. 

Năm 2012, sau khoảng ba năm hoạt động, tổng sản lượng hàng hóa và doanh thu thuần của công ty đều tăng trưởng hơn gấp đôi so với năm 2011, lần lượt là 36.517 tấn và 125,4 tỷ đồng. Trái ngược với sự tăng trưởng mạnh mẽ của doanh thu, thì lợi nhuận sau thuế lại sụt giảm nặng nề đến mức SCSC ghi nhận lỗ 75 tỷ, so với con số lãi dương gần 1 tỷ đồng cùng kỳ. Đến giai đoạn 2013 - 2019, sản lượng hàng hóa được khai thác liên tục tăng trưởng qua các năm từ 81.938 tấn đến 218.450 tấn, tốc độ tăng trưởng năm 2016 cao nhất với tỷ lệ 36%, sau đó giảm về hơn 6% năm 2019. Song song đó, doanh thu cũng tăng trưởng mạnh ở những năm đầu với tốc độ khoảng 45% rồi giảm dần về khoảng 10%, trong vòng 6 năm đã tăng từ 208 tỷ đồng lên gần 748 tỷ đồng năm 2019. Đáng chú ý nhất là lợi nhuận sau thuế của công ty đến năm 2013 đã thoát cảnh lỗ và ghi nhận 20 tỷ đồng, tăng hơn 4,5 lần so với năm 2012. Đến năm 2019, lãi ròng đã tăng lên đến 502 tỷ đồng, một mức lợi nhuận “đáng cao ước” của công ty chỉ có doanh thu khoảng vài trăm tỷ đồng. Mức độ hiệu quả của SCSC còn được thể hiện qua chỉ số tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần, năm 2013 chỉ đạt được 9,73%, nhưng sau đó đã tăng trưởng liên tục và đạt 67% vào năm 2019. Do công ty chỉ có ba hoạt động chính là khai thác nhà ga hàng hóa, cho thuê sân đậu máy bay và cho thuê văn phòng, bãi đỗ xe, trong đó dịch vụ khai thác đem về hơn 90% doanh thu. Vì thế chi phí giá vốn của công ty chỉ xấp xỉ mức 20% và chi phí hoạt động, lãi vay chỉ chiếm hơn 10% so với doanh thu.

ctcp-dich-vu-hang-hoa-sai-gon-lam-an-ra-sao-khi-co-su-hau-thuan-cua-cac-ong-lon-3-1670717665.jpg

Đến năm 2020, sau nhiều năm liên tục tăng trưởng về mọi mặt, thì hoạt động kinh doanh của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn ghi nhận giảm sút do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, sản lượng hàng hóa giảm gần 4% so với cùng kỳ chỉ còn 210 tấn, dẫn đến doanh thu giảm hơn 7% về mức 692,8 tỷ đồng. Đồng thời lợi nhuận sau thuế cũng giảm tương đương với doanh thu, còn lại 464 tỷ đồng, nhưng qua đó cũng cho thấy công ty đã kiểm soát được chi phí vẫn ở mức năm trước. Bước sang năm 2021 là thời điểm dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của nước ta, một số ông lớn trong thị trường lĩnh vực hàng không đã phải gánh chịu các khoản lỗ nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trái ngược với mảng vận chuyển hành khách giảm mạnh, đặc biệt là khách quốc tế giảm đến 93% so với năm 2020, thì vận chuyển hàng hóa lại tăng 21,3%. Đây cũng là một điều may mắn đối với SCSC trong bối cảnh ngành hàng không trở nên khủng hoảng. Tổng sản lượng hàng hóa do công ty phục vụ tăng hơn 32% đạt 227.940 tấn, kéo theo doanh thu tăng trưởng 21% lên 873,6 tỷ đồng. Với biên lợi nhuận ròng vẫn giữ nguyên từ năm 2019 - 2021 ở “khủng” 67%, công ty lãi ròng 563,5 tỷ đồng, tăng hơn 21%. Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần của SCSC thuộc top cao nhất các công ty trên thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Theo báo cáo tài chính quý 3/2022 mới đây, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể, nguồn thu 9 tháng đầu năm của công ty đạt hơn 655 tỷ, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ tăng thu từ hoạt động kinh doanh, mà cả doanh thu tài chính cũng tăng, và chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm dẫn đến lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 20%, đạt 488 tỷ đồng. Trong suốt giai đoạn từ 2013 - 2022, tổng tài sản của công ty chỉ tăng khá khiêm tốn gần 80% trong vòng 9 năm, từ 945 tỷ đồng lên con số 1.693 tỷ đồng. Đáng chú ý, SCSC hoàn toàn không có bất kỳ khoản vay ngắn hay dài hạn nào tính đến cuối ngày 30-9-2022, do đó tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn 0,1. Đây là những con số đáng mơ ước của các công ty hiện nay trong bối cảnh lãi suất vay nợ ngày càng tăng, nhiều tập đoàn cũng gặp rất nhiều thách thức từ những khoản nợ khổng lồ của mình. Tuy nhiên, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn vừa bị phạt gần 300 triệu đồng vì các vi phạm liên quan đến thị trường chứng khoán. Cụ thể, công ty đã không công bố các tài liệu Nghị quyết HĐQT, giao dịch với cổ đông Gemadept và các thông tin liên quan đến thù lao của các thành viên ban lãnh đạo. Trước đó vào tháng 8/2022, công ty cũng từng bị Cục thuế TPHCM phạt vì sử dụng hóa đơn bất hợp pháp dẫn đến khai sai thuế và bị truy thuế, với tổng số tiền lên đến 390 triệu đồng.