Chốt phiên 27/10, giá cổ phiếu VEF của CTCP Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam (VEF) tăng hơn 6,5% đạt mức cao nhất kể từ khi niêm yết tại 240.000 đồng/cp. So với cuối tháng 9, VEF đã tăng hơn 81% và tăng 180% so với đầu năm 2021.

Như vậy, đợt sóng tăng giá mạnh trong tháng 10 đã đưa VEF trở thành một trong những cổ phiếu đắt đỏ nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam và chỉ kém VCF của Vinacafé Biên Hòa (257.900 đồng/cp).

Với lợi nhuận trên mỗi cổ phần của VEF trong 4 quý gần nhất tính đến hết quý III/2021 chỉ đạt 1.632 đồng, khiến hệ số định giá P/E lên tới 147 lần.

z2883715573775-608773afb0f2f2a467f93d639a3d2f14-1635389429.jpg
Diễn biến cổ phiếu VEF kể từ đầu năm. (Nguồn: Tradingview)

Động lực giúp cổ phiếu VEF tăng phi mã trong thời gian qua được cho là phương án chào bán 753 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu sắp được cấp phép.

Kế hoạch này đã được VEF thông qua từ đầu năm 2021, nhằm tăng vốn điều lệ gấp 5,5 lần từ 1.666 tỷ đồng lên 9.196,4 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ phát hành là 1:4,52, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu có quyền được mua 4,52 cổ phiếu mới, với giá bằng mệnh giá.

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, quá trình chào bán cổ phiếu vẫn chưa diễn ra, chỉ có phương án sử dụng vốn đã được thay đổi. Cụ thể, một phần số tiền thu được từ đợt chào bán là 1.197 tỷ đồng dự kiến dùng cho dự án Khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long tại phường Mễ Trì, phường Trung Văn, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội chuyển sang bổ sung sang mục đích triển khai thực hiện cho 2 dự án gồm dự án Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc Gia và dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới.

Được biết, dự án Khu đô thị Hội chợ triển lãm Quốc gia mới có quy mô 300 ha nằm ở địa bàn 3 xã Đông Hội, Xuân Canh, Mai Lâm thuộc huyện Đông Anh, cách trung tâm Hà Nội 15 km; dự án Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc Gia tại 148 Giảng Võ có diện tích 6,8 ha tại khu trung tâm Giảng Võ.

du-an-trung-tam-trien-lam-quoc-gia-1635255773975-1635389259.jpeg

Phương án quy hoạch kiến trúc Dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia - quốc tế mới tại Đông Anh, Hà Nội (Ảnh: VEF).

VEF đang làm ăn như thế nào?

VEF được biết đến là chủ sở hữu Triển lãm Giảng Võ và là công ty con của Vingroup - tập đoàn đa ngành hàng đầu tại Việt Nam. Theo báo cáo tài chính bán niên của Vingroup, tập đoàn này đang sở hữu 87,97% tỷ lệ biểu quyết tại Hội chợ Triển lãm Việt Nam và tỷ lệ lợi ích của Vingroup ở đây là 86,74%.

Trong giai đoạn 2017 – 2019, doanh thu thuần của VEF tăng từ 11 lên 18 tỷ đồng tuy nhiên kinh doanh dưới giá vốn khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này liên tục ở mức âm. VEF vẫn có lãi trong giai đoạn này nhờ sự hỗ trợ của mảng tài chính, cụ thể là lãi từ cho vay và đầu tư.

Cũng trong thời gian trên, tổng tài sản của VEF chỉ nhích nhẹ lên 1.862 tỷ vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, lượng tiền và tương đương tiền liên tục biến động khi tăng mạnh trong năm 2018 và giảm sâu trong năm 2019.

z2883104823584-fbd38734cc55dfb3ea3213fb641a2c37-1635388532.jpg
VEF liên tục lỗ gộp nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng trưởng mạnh.(Nguồn: Quốc Thụy tổng hợp)

Bước sang năm 2020, do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu của công ty giảm một nửa xuống còn hơn 9 tỷ đồng trong khi chi phí giá vốn tăng lên tới hơn 18 tỷ. Kết quả VEF lỗ gộp gần 9 tỷ đồng trong năm ngoái.

Tương tự những năm trước, kết quả kinh doanh của công ty tiếp tục được ‘’gồng gánh’’ bởi mảng tài chính với khoản thu hơn 183 tỷ đồng, tăng 108 tỷ so với năm trước. Nhờ đó, VEF báo lãi sau thuế hơn 139 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tổng tài sản năm 2020 tăng đột biến từ 1.862 tỷ lên 6.910 tỷ đồng. Trong đó, tiền và tương đương tiền tăng từ 11 tỷ lên 4.963 tỷ và chiếm gần 72% tài sản công ty.

Mới đây, VEF đã công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu lũy kế 9 tháng đầu năm giảm gần 29% so với cùng kỳ 2020 xuống còn hơn 2,7 tỷ đồng. Đặc biệt, trong hai quý gần đây, công ty không ghi nhận doanh thu từ mảng kinh doanh chính là dịch vụ tổ chức triển lãm, hội chợ, mà chỉ thu được vỏn vẹn hơn 500 triệu từ hoạt động khác.

Trong khi đó, giá vốn lãi tăng lên 11,3 tỷ khiến công ty lỗ gộp hơn 8,6 tỷ đồng, tăng 19% so với mức lỗ của cùng kỳ năm trước.

Mặc dù vậy, thu từ mảng tài chính tăng 2,7 lần với hơn 288 tỷ giúp VEF ghi nhận mức lãi sau thuế kỷ lục hơn 218 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng 57% so với cùng kỳ 2020. Nguồn thu từ mảng tài chính chú yếu đến từ hoạt động đầu tư và cho vay khi lượng tiền và tương đương đương tiền của công ty luôn duy trì ở mức hàng nghìn tỷ đồng.

z2883359294304-31a208d5198482cb721335fde37d06e1-1635388499.jpg
VEF có hàng nghìn tỷ đồng tiền và tương đương tiền. (Nguồn: Quốc Thụy tổng hợp)

Tại thời điểm 30/9/2021, tiền và các khoản tương đương tiền của công ty đạt 2.046 tỷ đồng, giảm 2.917 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi đó, các khoản tương đương tiền chiếm chủ yếu là các khoản có thời gian thu hồi dưới 3 tháng với lãi suất 4 – 6,6%/năm.

Bên cạnh đó, công ty cũng rót 1.000 tỷ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với thời gian thu hồi vốn lớn hơn 3 tháng và lãi suất 7,5%/năm.

Báo cáo tài chính cũng cho biết, VEF có phải thu về cho vay ngắn hạn và dài hạn cũng phát sinh mới 1.490 tỷ đồng và 1.600 tỷ đồng - theo thuyết minh thì đây đều là phần cho vay đối tác doanh nghiệp với lãi suất 9%/năm.