NHỰA DUY TÂN:

Được thành lập vào năm 1987 bởi ông Trần Duy Hy, Duy Tân là thương hiệu nhựa uy tín hàng đầu Việt Nam với các sản phẩm nhựa gia dụng, nhựa bao bì, nhựa công nghiệp chất lượng cao.

Năm 2021, Công ty Nhựa Duy Tân đã gây ngạc nhiên cho rất nhiều người khi quyết định chuyển nhượng cổ phần cho Công ty SCG (Thái Lan). Lúc đó, công ty đầu ngành nhựa Việt Nam này vẫn đang làm ăn rất tốt. Năm 2019, Nhựa Duy Tân đạt doanh thu 4.478 tỷ đồng – tăng 10%, lợi nhuận đạt 181 tỷ đồng – tăng gấp 3 so với năm 2018. Năm 2020, Nhựa Duy Tân cũng mang về 4.700 tỷ đồng doanh thu, quy mô tổng tài sản khoảng 5.000 tỷ đồng.

Đến giữa năm 2021, thương vụ Nhựa Duy Tân bán 70% cổ phần cho SCG hoàn tất và có giá trị lên đến 6.400 tỷ đồng. Nhà sáng lập Nhựa Duy Tân giữ lại mảng nhựa tái sinh với 2 công ty con Nhựa Tái Chế Duy Tân, Plascene và 18 công ty thành viên.

Dù không có thông tin chính thức, nhưng nhìn vào thành phần Ban lãnh đạo của cả Nhựa Duy Tân và Nhựa Tái Chế Duy Tân có thể thấy, dường như quá trình chuyển giao của ông chủ Trần Duy Hy cho SCG đã kết thúc.

Công ty mẹ SCG đã cử ông Ông Chamornwut Tamnarnchit đến làm Tổng Giám đốc của Nhựa Duy Tân. Còn bản thân ông Hy và những cộng sự như ông Huỳnh Ngọc Thạch hay Lê Anh đều về phục vụ cho cho Nhựa Tái Chế Duy Tân. Ông Huỳnh Ngọc Thạch tiếp tục làm Giám đốc điều hành của Nhựa Tái Chế Duy Tân, còn ông Lê Anh – từ vị trí Giám đốc marketing của Nhựa Duy Tân trở thành Giám đốc Phát triển bền vững của Nhựa Tái Chế Duy Tân.

3-cong-ty-nhua-lon-hang-dau-khu-vuc-phia-nam-ban-minh-cho-nguoi-thai-1714714936.jpeg

NHỰA BÌNH MINH:

Năm 1977, Công ty ống nhựa hóa học Việt Nam (Kepivi) và Công ty Nhựa Kiều Tinh được sáp nhập, lấy tên là Nhà máy Công tư Hợp doanh Nhựa Bình Minh trực thuộc Tổng Công ty Công nghệ phẩm, Bộ Công nghiệp nhẹ. Năm 1994, công ty đổi tên thành Công ty Nhựa Bình Minh. Ngày 02/01/2004, sau khi cổ phần hóa, Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh chính thức hoạt động. Ngày 11/7/2006, cổ phiếu của Công ty chính thức giao dịch trên Thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán BMP.

Đã có thời điểm, Nhựa Bình Minh chiếm khoảng 43% thị phần ống nhựa và phụ tùng tại khu vực miền Nam, khoảng 5% thị phần ống nhựa và phụ tùng tại khu vực miền Bắc.

The Nawaplastic trở thành cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh từ đầu tháng 3/2012 sau khi chi ra khoảng 243 tỷ đồng mua vào 5,85 triệu cổ phiếu BMP, tương ứng tỷ lệ 16,72% vốn thời điểm đó. Tổ chức này sau đó chi thêm khoảng 50 tỷ đồng để âm thầm gom thêm cổ phần và nâng sở hữu lên trên 20% vào cuối năm 2012.

“Đại gia” Thái Lan thực sự gây chú ý khi “ôm” trọn lô 24,13 triệu cổ phiếu BMP từ SCIC trong đợt đấu giá cổ phần hồi tháng 3/2018. Với giá trúng bình quân bằng giá khởi điểm 96.500 đồng/cổ phiếu, ước tính The Nawaplastic đã chi ra khoảng 2.300 tỷ đồng cho thương vụ trên. Cổ đông này sau đó không hề giấu diếm tham vọng chi phối Nhựa Bình Minh khi liên tục tăng sở hữu.

Đến giữa năm 2018, tổ chức này đã nắm trên 54% cổ phần sau khi bỏ ra khoảng 130 tỷ đồng để mua thêm cổ phiếu. Vào đầu tháng 3 năm nay, The Nawaplastic tiếp tục chi thêm khoảng 25 tỷ đồng để nâng sở hữu tại Nhựa Bình Minh lên xấp xỉ 55%. Ước tính, tổ chức này đã chi ra tổng cộng khoảng 2.750 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phần BMP như hiện nay.

3-cong-ty-nhua-lon-hang-dau-khu-vuc-phia-nam-ban-minh-cho-nguoi-thai-2-1714714936.jpeg

NHỰA NGỌC NGHĨA:

Nhựa Ngọc Nghĩa, tiền thân là Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Ngọc Nghĩa, được thành lập năm 1993 dưới sự quản lý và điều hành của gia đình ông La Văn Hoàng. Lĩnh vực kinh doanh chính tập trung vào sản xuất bao bì nhựa cao cấp, chủ yếu là các chai nhựa PET dùng làm bao bì trong công nghiệp thực phẩm, nước giải khát, gia dụng, y tế và hóa chất.

Nhựa Ngọc Nghĩa từ lâu cũng là đối tác cung cấp bao bì nhựa cho nhiều tên tuổi lớn như Unilever, Coca-Cola, Pepsi, Vinamilk. Mối quan hệ làm ăn này thúc đẩy đà phát triển cho công ty này liên tục từ ngày thành lập.

Tuy nhiên, trong hơn thập kỷ gần đây, sức nóng của lĩnh vực bao bì PET tăng nhanh với sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn trong nước. Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng luôn thay đổi, theo hướng đa dạng hóa nhà cung cấp, thay đổi mô hình đối tác. Nhựa Ngọc Nghĩa đã đầu tư mở rộng sang các ngành kinh doanh khác nhưng dần chìm vào thua lỗ.

Năm 2022, VinaCapital và toàn bộ lãnh đạo của Nhựa Ngọc Nghĩa đăng ký bán hết cổ phiếu, cùng thời điểm chi nhánh Hà Lan của Indorama Ventures đăng ký mua 100% cổ phần.

Động thái này diễn ra sau khi Indorama Netherlands B.V thông báo chào mua công khai 100% vốn của Ngọc Nghĩa. Indorama Netherlands giới thiệu là một công ty của Hà Lan, với vốn điều lệ 18.000 EUR, hoạt động trong lĩnh vực tài chính và sản xuất nhựa nhân tạo. Dù vậy, doanh nghiệp này thực tế là chi nhánh của Indorama Ventures, tập đoàn đa ngành của Thái Lan.

(1) Thêm một công ty nhựa sắp về tay người Thái, Vnexpress

(2) “Đại gia” Thái Lan lãi lớn với thương vụ thâu tóm Nhựa Bình Minh (BMP), CafeF

(3) Tập đoàn Thái Lan mua 70% Nhựa Duy Tân, Vnexpress

3-cong-ty-nhua-lon-hang-dau-khu-vuc-phia-nam-ban-minh-cho-nguoi-thai-3-1714714936.jpeg