Danh sách 10 ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất cân bằng giữa các chỉ tiêu đo lường đánh giá hiệu quả và mức độ kiểm soát rủi ro. Forbes Việt Nam thực hiện đánh giá định tính về sự phát triển bền vững và chất lượng quản trị của ngân hàng để chọn lấy 10 cái tên lọt vào danh sách. Danh sách có sự hỗ trợ tính toán định lượng của công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC). Phương pháp tính toán do Forbes (Mỹ) xây dựng.
Lần đầu tiên, Forbes Việt Nam xếp hạng 10 ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam. Ngoại trừ Vietcombank và VietinBank, hai ngân hàng nhà nước cổ phần hóa quy mô thuộc nhóm dẫn đầu hệ thống, những cái tên lọt vào danh sách là các ngân hàng tư nhân đang phát triển năng động, quy mô chưa hẳn lớn nhưng nổi bật về hiệu quả.
7 ngân hàng trong danh sách đang niêm yết tại sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX). Những cái tên còn lại gồm ACB đang niêm yết tại sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), VIB giao dịch trên sàn UPCoM, OCB chuẩn bị niêm yết, cả ba đều có kế hoạch chuyển sàn hoặc niêm yết trên HSX.
Trong danh sách lần thứ nhất, Techcombank đứng vị trí số 1 khi dẫn đầu ở nhiều chỉ số như an toàn vốn (CAR), lợi nhuận/tổng tài sản (ROA) và nhiều chỉ số đo lường hiệu quả khác như lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE), thu nhập lãi thuần/tài sản sinh lãi (NIM), chi phí trên thu nhập (CIR)… xếp thứ hạng cao.
Xét về con số tuyệt đối, Vietcombank dẫn đầu về lợi nhuận trước thuế và tổng thu nhập, đạt 1 tỉ USD và 2 tỉ USD, tương ứng 23.122 tỉ đồng và 45.730 tỉ đồng.Với hơn 13 tỉ USD vốn hóa, Vietcombank cũng là ngân hàng có vốn hóa lớn nhất.
Ngoại trừ OCB chưa niêm yết, 8 ngân hàng có vốn hóa vượt 1 tỉ USD. Với 54 tỉ USD tổng tài sản, 1.115 chi nhánh và phòng giao dịch, VietinBank dẫn đầu danh sách về quy mô tài sản và mạng lưới.
Danh sách 10 ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất cân bằng giữa các chỉ tiêu đo lường đánh giá hiệu quả và mức độ kiểm soát rủi ro. Các tên tuổi trong danh sách đều đạt chuẩn quản trị rủi ro Basel II. Tỷ lệ nợ xấu của 10 ngân hàng trong danh sách ở 1,47%, thấp hơn mức trung bình 1,89% của toàn hệ thống.
Nằm trong nhóm ngân hàng tư nhân dẫn đầu về hiệu quả hoạt động, Techcombank nổi bật với ưu thế kiểm soát tốt chất lượng tài sản. Kết quả kinh doanh của nhà băng này duy trì sự tăng trưởng liên tục trong sáu năm qua, riêng năm 2019 ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, với lợi nhuận sau thuế lần đầu vượt mốc 10.000 tỉ đồng, dẫn đầu khối ngân hàng tư nhân.
Trong cả hệ thống, lợi nhuận của Techcombank chỉ xếp sau Vietcombank. Bên cạnh hoạt động cho vay bất động sản, ngân hàng còn được biết đến với tỷ lệ thu nhập ngoài lãi cao nhất trong hệ thống, chiếm khoảng 30% tổng thu nhập hoạt động trong nửa đầu năm 2020, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại dịch Covid-19 tác động đến nền kinh tế khiến hoạt động các nhà băng chịu ảnh hưởng, khi tín dụng tăng trưởng chậm và chất lượng tài sản suy giảm. Tại thời điểm 30.6, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đạt 0,9%, giảm từ mức 1,33% vào cuối năm 2019. Tuân thủ chiến lược “rủi ro thấp, lợi nhuận cao”, tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng ở mức cao nhất thị trường hiện nay với CAR gần 17% vào cuối tháng 6.2020.
Trong nửa đầu năm, Techcombank cho biết đã có thêm hơn 330.000 khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng mà ngân hàng phục vụ lên gần 8 triệu. Kênh điện tử của nhóm khách hàng cá nhân ghi nhận 153 triệu giao dịch với giá trị giao dịch gần 2 triệu tỉ đồng, tăng gần gấp đôi năm ngoái. Nhờ đẩy mạnh bán lẻ, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của Techcombank cũng thuộc nhóm đầu trên thị trường với tỷ lệ CASA đạt 34%, chỉ sau MBBank.
Techcombank vừa bổ nhiệm CEO mới từng là giám đốc tài chính của SCB, một trong bốn ngân hàng lớn nhất Thái Lan, với kỳ vọng thúc đẩy hơn nữa dự án chuyển đổi số tại ngân hàng này. Trong kỳ đánh giá gần nhất của Moody’s, Techcombank là ngân hàng duy nhất trong 19 ngân hàng nội địa được đánh giá đạt mức xếp hạng tín dụng cơ sở (BCA) cao nhất.
Thành lập năm 2008, TPBank nằm trong nhóm sáu ngân hàng yếu kém thuộc danh sách tái cơ cấu hoạt động vào năm 2011. Ở giai đoạn tái cơ cấu, với sự xuất hiện của cổ đông mới đến từ tập đoàn DOJI, sau tám năm, hoạt động của TPBank có nhiều khởi sắc với tổng tài sản tăng 14 lần, khách hàng tăng sáu lần, số nhân viên tăng chín lần.
Xét về quy mô, hiện tại TPBank vẫn nằm trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô trung bình nhưng ngân hàng thiết lập mô hình kinh doanh ngân hàng số độc đáo dựa trên nền tảng công nghệ. Cấu trúc hoạt động ngân hàng số của TPBank bao gồm hơn 300 ngân hàng tự động (VTM) với tên gọi LiveBank mà đến nay trong hệ thống duy nhất chỉ TPBank đưa vào triển khai.
Đưa vào hoạt động từ giữa năm 2017 LiveBank là sự kết hợp giữa máy ATM truyền thống và công nghệ trực tuyến giúp khách hàng giao dịch trực tiếp với thời gian 24/7, qua đó cung cấp cho khách hàng khoảng 80% dịch vụ so với giao dịch trực tiếp tại quầy. Trong nhóm các ngân hàng nằm trong danh sách, TPBank xếp thứ hạng khá cao ở nhiều chỉ số đo lường hoạt động như tỉ lệ lợi nhuận/vốn chủ sở hữu, lợi nhuận/tài sản.
Cuối năm 2019, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt hơn 16.000 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ mảng tín dụng truyền thống chiếm khoảng 75% và thu nhập ngoài lãi xấp xỉ 25%. Với nền tảng thương hiệu vững mạnh và tập khách hàng trung thành, ACB được đánh giá cao về kiểm soát tốt chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu luôn duy trì thấp.
Sau cuộc khủng hoảng thượng tầng vào năm 2012, ở giai đoạn 2013- 2017 giải quyết hậu quả nợ xấu ACB liên tục giảm từ mức 3,65% vào quý 2.2014 xuống dưới 1% vào cuối năm 2017 và duy trì mức thấp đó cho đến nay. Năm 2019, số dư nợ xấu của ACB tiếp tục sụt giảm, đưa tỷ lệ nợ trên tổng dư nợ ở mức 0,54%, thấp nhất trong danh sách.
Khác với đối thủ cạnh tranh, ACB cho vay tập trung các mảng bán lẻ, bao gồm cho vay cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ. Chiến lược này được nhận định sẽ hưởng lợi trong bối cảnh phát triển kinh tế của Việt Nam, cũng như thuận lợi về nhân khẩu học, với tỉ lệ tầng lớp trung lưu và thượng lưu ngày càng tăng.
Nửa đầu năm 2020 tăng trưởng tín dụng của ACB chưa đến 5%, mức này cao hơn trung bình ngành, tuy nhiên chỉ bằng một nửa của cùng kỳ năm trước, kéo theo biên sinh lời từ hoạt động tín dụng cũng bị giảm xuống dưới mức 3,6%.
Theo ước tính của ngân hàng, có khoảng 15.000 tỉ đồng, tương đương 5,6% tổng dư nợ của nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch. ACB đã lên kế hoạch chuyển sàn niêm yết sang HSX sau nhiều năm giao dịch trên HNX. Vốn hóa ngân hàng hiện xấp xỉ hai 2 tỉ USD.
Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) là một trong ba ngân hàng đầu tiên đạt chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel II vào cuối năm 2018. Xét về lợi nhuận tuyệt đối, OCB đứng thứ 11 trong hệ thống và đứng thứ 10 trong danh sách nhưng hiệu quả hoạt động thuộc nhóm dẫn đầu hệ thống xét theo các tỉ lệ ROE, ROA, các chỉ số kiểm soát rủi ro ở mức tốt.
Nắm bắt xu hướng dịch chuyển sang ngân hàng số, OCB đầu tư ra mắt ngân hàng hợp kênh đầu tiên tại Việt Nam (OCB Omni). Trước OCB đã có nhiều ngân hàng Việt Nam triển khai dịch vụ ngân hàng số với các tiếp cận khác nhau: theo công nghệ đa kênh (multi-channel), theo các kênh tương tác và giao dịch như trên Internet banking, mobile banking…
OCB phát triển ngân hàng hợp kênh (omni-channel) bước phát triển cao hơn của công nghệ đa kênh với điểm khác biệt và nổi trội của hợp kênh là cung cấp những trải nghiệm liền mạch cho người dùng, bất kể đang giao dịch ở kênh hay thiết bị nào. Thành lập năm 1996, hiện tại OCB do doanh nhân Trịnh Văn Tuấn, cựu du học sinh Đông Âu, lãnh đạo. Ông trở thành chủ tịch ngân hàng này từ năm 2011.
Cuối năm 2019, OCB đã chọn cổ đông chiến lược Aozora Bank (Nhật Bản), sở hữu 15% cổ phần OCB thay thế cho ngân hàng BNP Paribas, cổ đông chiến lược thoái vốn khỏi OCB vào năm 2018. OCB có kế hoạch niêm yết trên HSX .
Với tỷ lệ 78% tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2019, ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) là một trong các ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng nhất. Ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn CASA cao nhất trong hệ thống. Tỷ lệ sinh lời, lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) của MB gần 20% thuộc nhóm dẫn đầu.
Hiện tại, MBBank không chỉ là ngân hàng thuần túy với hoạt động cho vay mà mang dáng dấp tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực tài chính: chứng khoán (MB Securities), tài chính tiêu dùng (liên doanh MB Shinsei), quản lý tài sản (MB Capital), bảo hiểm (MB Ageas).
Một số công ty con của MBB dù mới gia nhập thị trường 2-3 năm nhưng cũng đã tạo dấu ấn với việc mở rộng thị phần nhanh chóng. Trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, MB Shinsei gia tăng thị phần liên tục từ 1,7% năm 2017 lên 6,2% năm 2019, đứng thứ tư thị trường.
MB Ageas, công ty bảo hiểm chiếm 4,7% thị phần, đứng thứ sáu. Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), tổng công ty Trực thăng Việt Nam, tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hiện nắm giữ trên 40% cổ phần MB.
Vietcombank là ngân hàng nhiều năm liền lọt vào danh sách Global 2000 (2000 công ty niêm yết lớn nhất thế giới) của Forbes, tám lần nằm trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất của Forbes Việt Nam. Trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, dù xếp sau VietinBank và BIDV về tài sản và mạng lưới hoạt động, nhưng nhà băng này dẫn đầu hệ thống về lợi nhuận.
Không chỉ nổi bật về quy mô và chất lượng tài sản, Vietcombank là ngân hàng có cơ cấu thu nhập đa dạng bậc nhất. Cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank là 0,79%, thấp thứ hai trong danh sách. Vietcombank duy trì hiệu quả hoạt động cao ở các chỉ số lợi nhuận/vốn chủ sở hữu, tỷlệ chi phí trên thu nhập thuộc nhóm dẫn đầu hệ thống.
Dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới toàn ngành nhưng Vietcombank không bị ảnh hưởng quá nhiều và sẽ sớm phục hồi nhờ tăng trích lập dự phòng và khả năng quản lý nợ xấu hiệu quả. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 10%, Vietcombank còn nhiều dư địa để tiếp tục mở rộng hoạt động cho vay nửa cuối năm nay.
Dự báo Vietcombank có thể ghi nhận khoảng 1.800 tỉ đồng từ hợp đồng bảo hiểm độc quyền với công ty bảo hiểm FWD trong nửa cuối năm 2020 để đảm bảo các khoản doanh thu và lợi nhuận như mục tiêu.
Thành lập cách đây 30 năm, hiện nay ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP.HCM (HDB) gắn với tên tuổi nữ tỷ phú tự thân Nguyễn Thị Phương Thảo, phó chủ tịch thường trực ngân hàng này. 10 năm qua, HDBank là ngân hàng từng được biết đến với các thương vụ sáp nhập thành công với Đại Á Bank năm 2013 và sau đó là công ty TNHH MTV Tài Chính Việt Société Générale (SGVF) - đổi tên thành HD Saison.
Hiện tại, HDB hoạt động theo mô hình gồm một ngân hàng mẹ phát triển theo định hướng ngân hàng bán lẻ và một công ty con hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, phục vụ được toàn bộ tháp khách hàng từ những đối tượng thu nhập thấp đến cao.
HD Saison là liên doanh giữa HDBank và tập đoàn Saison (Nhật Bản), hiện tại nằm trong nhóm ba công ty tài chính tiêu dùng có thị phần lớn nhất. Cùng chung cơ cấu cổ đông lớn, HDB được xem có thể tiếp cận tập khách hàng đa dạng bậc nhất của hệ sinh thái kinh doanh Vietjet.
Mới đây, HDBank nằm trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần triển khai dịch vụ eKYC – định danh khách hàng điện tử trong việc mở tài khoản đem lại sự tiện dụng nhất cho khách hàng. Trong danh sách, với các chỉ số sinh lời, HDBank nổi bật ở NIM đạt 4,68%, chỉ sau VPBank và MB.
Tăng trưởng thu nhập hiện tại của nhà băng này chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần, trong khi các nguồn thu nhập ngoài lãi vẫn còn hạn chế. Năm 2020, thu nhập từ lãi của HDB được dự báo vẫn tích cực và thu nhập ngoài lãi sẽ chỉ cải thiện rõ rệt khi HDB triển khai hợp đồng hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm nhân thọ hoặc khai thác sâu tập khách hàng sử dụng dịch vụ của Vietjet.
Với 8.260 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, năm 2019, VPBank ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động. Đứng thứ tư về lợi nhuận tuyệt đối nhưng VPBank là ngân hàng có chỉ số biên lãi ròng (NIM) cao nhất trong danh sách và ổn định nhiều năm qua.
Bên cạnh mảng bán lẻ, VPBank sở hữu công ty tài chính tiêu dùng đóng góp cho VPBank 40% lợi nhuận năm 2019, FE Credit dẫn đầu thị phần cho vay tiêu dùng với khoảng 50% thị phần. VPBank lên kế hoạch bán cổ phần FE Credit cho đối tác chiến lược nước ngoài nhưng kế hoạch gián đoạn do dịch bệnh bùng phát.
Cùng với TPBank, VPBank là một trong những cái tên năng động trong quá trình chuyển đổi số. Đây là nhà băng trên thị trường sớm cung cấp dịch vụ định danh khách hàng trực tuyến (eKYC). Năm qua, tỷ lệ nợ xấu của VPBank ở mức 3,42%, cao nhất trong danh sách. Ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thị trường cho vay tiêu dùng đối mặt với nhiều rủi ro, dự báo ngân hàng phải vượt qua các thách thức trong năm 2020.
Thành lập từ năm 1993, với sự thay máu cổ đông lớn vào năm 2010, VPBank tái cơ cấu đẩy mạnh khai thác mảng ngân hàng bán lẻ, đặc biệt lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số, cơ cấu hoạt động và sản phẩm để xác lập lợi thế cạnh canh trong hai lĩnh vực trên.
Với 8.260 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, năm 2019, VPBank ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động. Đứng thứ tư về lợi nhuận tuyệt đối nhưng VPBank là ngân hàng có chỉ số biên lãi ròng (NIM) cao nhất trong danh sách và ổn định nhiều năm qua.
Bên cạnh mảng bán lẻ, VPBank sở hữu công ty tài chính tiêu dùng đóng góp cho VPBank 40% lợi nhuận năm 2019, FE Credit dẫn đầu thị phần cho vay tiêu dùng với khoảng 50% thị phần. VPBank lên kế hoạch bán cổ phần FE Credit cho đối tác chiến lược nước ngoài nhưng kế hoạch gián đoạn do dịch bệnh bùng phát.
Cùng với TPBank, VPBank là một trong những cái tên năng động trong quá trình chuyển đổi số. Đây là nhà băng trên thị trường sớm cung cấp dịch vụ định danh khách hàng trực tuyến (eKYC). Năm qua, tỷ lệ nợ xấu của VPBank ở mức 3,42%, cao nhất trong danh sách. Ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thị trường cho vay tiêu dùng đối mặt với nhiều rủi ro, dự báo ngân hàng phải vượt qua các thách thức trong năm 2020.
Thành lập từ năm 1993, với sự thay máu cổ đông lớn vào năm 2010, VPBank tái cơ cấu đẩy mạnh khai thác mảng ngân hàng bán lẻ, đặc biệt lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số, cơ cấu hoạt động và sản phẩm để xác lập lợi thế cạnh canh trong hai lĩnh vực trên.
Cùng với Vietcombank, VietinBank là một trong hai ngân hàng cổ phần quy mô nhất về tài sản và mạng lưới trong danh sách. Hiện tại, VietinBank có 1.115 chi nhánh và phòng giao dịch, dẫn đầu danh sách. Thương hiệu và mạng lưới giúp nhà băng này duy trì lợi thế về huy động vốn và cho vay.
2019 là một năm hoạt động tương đối khả quan của VietinBank khi nhiều chỉ số đánh giá khả năng sinh lời của nhà băng này cải thiện đáng kể so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng tăng gần 80% so với năm trước, đạt 9.461 tỉ đồng, xếp thứ ba trong danh sách.
Nợ xấu của VietinBank là 1,16%, khá thấp chỉ cao hơn sau ACB và Vietcombank. Nhưng một số chỉ số sinh lời của VietinBank như ROE, ROA, NIM... dù cải thiện nhưng chỉ nằm ở nhóm trung bình khiến ngân hàng xếp thứ 10 trong danh sách.
Thỏa thuận về Bancassurance giữa VietinBank và các công ty bảo hiểm dự kiến sẽ mang lại nguồn thu nhập ngoài lãi cho nhà băng này trong tương lai. Năm 2020, VietinBank có những chính sách hỗ trợ phí và lãi suất cho các doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vì vậy, nguồn thu chính từ hoạt động cho vay có thể bị ảnh hưởng nhất định từ Covid-19.
PHƯƠNG PHÁP TÍNH
Loại trừ bốn ngân hàng nhà nước sở hữu 100% cổ phần gồm Agribank, GPBank, ngân hàng Đại dương, ngân hàng Xây dựng, 31 ngân hàng thương mại cổ phần thuộc hệ thống nằm trong danh sách tính toán sơ bộ ban đầu.
Dựa trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2019, Forbes Việt Nam tính toán 10 tiêu chí đo lường hiệu quả hoạt động và rủi ro của các ngân hàng: lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE), lợi nhuận/tổng tài sản (ROA), thu nhập lãi thuần/tài sản sinh lãi (NIM), tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR), tỷ lệ trích lập dự phòng, tỷ lệ nợ xấu (NPL), tỷ lệ vốn cấp 1, tỷ lệ an toàn vốn (CAR), tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro/nợ xấu (LLR) và tăng trưởng tín dụng. Dựa vào điểm số, các ngân hàng sẽ được xếp hạng thứ tự từ trên xuống dưới theo mức độ hiệu quả và kiểm soát rủi ro.
Tiếp theo, Forbes Việt Nam thực hiện đánh giá định tính về sự phát triển bền vững và chất lượng quản trị của ngân hàng để chọn lấy 10 cái tên lọt vào danh sách. Danh sách có sự hỗ trợ tính toán định lượng của công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC). Phương pháp tính toán do Forbes (Mỹ) xây dựng.
Theo tạp chí Forbes Việt Nam, số 89, tháng 10.2020