Tính đến sáng hôm nay (24/03), bitcoin đã giao dịch ở mức 42.753 USD, tăng 1.41% so với cuối phiên ngày hôm qua. Mức này tăng hơn 1.000 USD sau 1 tuần – 41.066 USD vào ngày 17/03, thời điểm Fed chính thức nâng lãi suất lần đầu sau 3 năm.
Fed dự kiến có 6 đợt tăng lãi suất trong năm nay và 3 đợt trong năm 2023. Sau 6 đợt tăng trong năm, lãi suất đến cuối năm dự kiến tăng 1,9%. Đợt tăng lần đầu là 25 điểm phần trăm, tương ứng 0,25%.
Bitcoin ‘miễn nhiễm’
Một trong những nguyên nhân khiến bitcoin ‘miễn nhiễm’ với đợt tăng lãi suất này là căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có hồi kết. Tình hình cuộc chiến ở Ukraine ngày càng trầm trọng hơn, khiến giá trị các đồng tiền tệ giảm xuống. Điều này góp phần làm tăng giá trị của các tài sản số và các loại sản chống rủi ro khác như vàng.
Zing dẫn lời Edward Moya, một chuyên gia tài chính ở Mỹ, cho biết ngay cả khi lãi suất tăng cao cũng không thể ngăn các nhà đầu tư mua những tài sản rủi ro.
Giá bitcoin đã bắt đầu tăng trở lại từ đầu tháng 3 sau khi chính phủ Nga tuyên bố sẽ chính thức đưa dự luật về lưu hành tiền điện tử thành luật chính thức vào nửa sau năm 2022 hoặc đầu năm 2023.

Theo đó, tiền số sẽ trở thành tiền tệ được lưu hành hợp pháp thay vì chỉ được công nhận là tài sản số như hiện nay.
Theo sau động thái đó là một sắc lệnh tương tự từ Hoa Kỳ sắp được diễn ra, được công bố vào ngày 08/03 bởi Kho bạc Mỹ. Ngay lập tức, giá bitcoin tại thời điểm đó tăng đến 8%.
Ngoài ra, Bitcoin nói riêng và các đồng tiền ảo nói chung đang được hưởng lợi từ việc Nghị viện EU bác bỏ đề xuất cấm khai thác Bitcoin và Ethereum.
Tâm lý chuộng giao dịch bitcoin vẫn tiếp tục diễn ra. Trong ngày 22/03, đồng tiền số có lúc tăng vọt lên 4,6% (tương đương hơn 2.000 USD) vượt ngưỡng 43.116 USD, ngay sau lệnh mua lượng bitcoin trị giá 125 triệu USD diễn ra cùng ngày.
Đà tăng có gặp lực cản từ sự trừng phạt của phương Tây?
Trong cùng ngày diễn ra lệnh mua bitcoin trị giá 125 triệu USD, Christine Lagarde, chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cảnh báo một số giao dịch Nga đã cố ‘lách’ các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách chuyển đồng ruble thành tiền mã hoá và stablecoin (tiền ổn định).
“Các tài sản mã hóa chắc chắn đang được sử dụng như một cách để lách những lệnh trừng phạt mà nhiều quốc gia trên thế giới nhắm vào Nga,” bà Lagarde cho biết.
Hiện tượng này diễn ra sau khi các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và EU lên khả năng kinh doanh và giao dịch của Nga bằng đồng USD và các đồng tiền tệ khác. Những lệnh trừng phạt nhắm vào các ngân hàng lớn và giới thượng lưu của quốc gia này.
Tương tự, Fabio Panetta, thành viên Ban điều hành Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho rằng tiền mã hóa có thể tạo ra ‘lỗ hổng lớn’ của hệ thống tài chính.
Điều này để ngõ khả năng sẽ có một lệnh trừng phạt mới áp lên các giao dịch tiền số, nhằm ngăn chặn việc né đòn phạt của Nga.