Mở đầu phiên giao dịch ngày 08/03, chỉ số US Dollar Index tiếp đà tăng mạnh 0,6%, vượt ngưỡng 99.24 điểm. Theo số liệu công bố từ marketwatch.com, 5 ngày gần đây, chỉ số này đã tăng đến 1.26%, và trong 1 tháng, US Dollar Index tăng 3.26%.
Trong khi đó, các đồng tiền tệ khác như Euro đã giảm 0,7%, hay 1 Euro tương đương 1,08575 USD. Đồng Ruble của Nga chịu thiệt hại nặng nề nhất khi bay hơi đến 30% giá trị.
Ngoài Nga, các nước châu Âu (đặc biệt là EU) đang đối mặt với tình hình lạm phát gia tăng do giá năng lượng sẽ ngày càng cao hơn sau khi Mỹ cấm vận dầu và khí đốt của Nga, trong khi khu vực lại cần 2 loại năng lượng này để phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch.
Trước tình hình này, theo Reuters, Ngân hàng Trung ương Châu Âu có thể tăng lãi suất ở mức 0,25-0,5% vào những tháng cuối năm.
Tại Việt Nam, giá USD ngày hôm qua (08/03) trên thị trường tự do tăng 20 đồng ở chiều mua vào và 70 đồng ở chiều bán ra, tương đương 23.420 VND/USD – 23.500 VND/USD.

Đây cũng là phiên thứ tư liên tiếp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng tỷ giá trung tâm lên 12 đồng và niêm yết đồng USD ở mức 23.171 VND/USD. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.050 VND/USD.
Đồng USD phục hồi nhờ chiến tranh Nga-Ukraine
Việc ban hành cấm vận lên dầu thô và khí đốt từ Nga đã khiến giá của 2 loại năng lượng này tăng cao ngất ngưỡng. Nhiều chuyên gia dự báo giá dầu thô sẽ lên mức 200 USD/thùng và cao hơn nữa nếu căng thẳng chính trị tiếp tục leo thang, thay vì ở mức 128-130 USD/thùng như hiện tại.
Và tất nhiên, các nước phải dùng đồng USD để mua dầu. Điều này góp phần làm tăng giá trị đồng bạc xanh, hỗ trợ giải quyết áp lực lạm phát của nền kinh tế Mỹ, khiến đồng tiền tệ này mất gia do ảnh hưởng nặng nề trong 2 năm đại dịch COVID-19.
Cụ thể, giá dầu gia tăng khiến các nước EU phải chịu thiệt hại bởi khu vực này nhập khẩu đến 40% lượng khí đốt tự nhiên tại Nga. Do đó, với đà giảm của Euro hiện nay, giá trị đồng Euro sẽ tỷ lệ nghịch với giá dầu, dầu càng leo thang thì đồng tiền này càng giảm. Trong khi đó, đồng USD lại tăng và tỷ lệ thuận với giá dầu, và điều này có lợi cho Mỹ.
Tính đến ngày 10/02, lạm phát của quốc gia này đã đạt mức cao nhất trong 40 năm, cụ thể là chỉ số giá tiêu dùng CPI đã tăng đến 7,5% so với tháng nước, và đây cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Dù đã có đợt cải thiện mạnh mẽ vào những tháng cuối năm, nhưng nguy cơ thất nghiệp tăng cao vẫn luôn rình rập đất nước này. Đến giữa năm 2021, tờ The Wall Street Journals dẫn thông tin từ Bộ Lao đông Mỹ cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại đây là 14,7% từ tháng 4/2020, tương đương 23,1 triệu người lao động không có việc làm.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn này gần đây đã được cải thiện khi nhiều chủ lao động trong lĩnh vực tư nhân của Mỹ đã thuê nhiều công nhân hơn dự kiến trong tháng 2/2022, báo hiệu thị trường lao động đang phục hồi, theo Refinitiv.
Chưa kể, đồng USD sẽ tiếp tục phục hồi nếu EU cũng như các thành viên NATO chi tiền để mua vũ khí từ các tập đoàn tư nhân Mỹ để hỗ trợ Ukraine.
Ngoài ra, EU còn có quỹ châu Âu được sử dụng để mua vũ khí được gọi là Cơ sở Hoà bình châu Âu. Quỹ có ngân sách khoảng 6,4 tỷ USD và các quan chức EU cho biết nếu Ukraine cần hỗ trợ thì quỹ này có thể được sử dụng.
Hiện tại đã có nhiều nước như Ba Lan, Thuỵ Điển, Phần Lan công bố ủng hộ tiền và một loạt vũ khí cho Ukraine.
Trước khủng hoảng chiến tranh, 5 trên 6 công ty sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ có cổ phiếu tăng mạnh. Cụ thể, chỉ trong 1 tháng trở lại đây, Northrop Grumman tăng 25.5%, Lockheed tăng 16%. 4 công ty còn lại giá cổ phiếu tăng từ 5 - 10% trong thời gian chiến sự căng thẳng.
Một điều ít được phổ biến là kinh doanh vũ khí là ngành công nghiệp tỷ đô của nước Mỹ. Theo Bloomberg, doanh thu hàng năm của mỗi doanh nghiệp trên thường ở mức hàng chục tỷ USD.