Mới đây, theo thông tin từ Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết ngày 12/6 vừa qua, ACV đã chính thức đóng/mở thầu lần 2 Gói thầu số 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách” của Dự án thành phần 3 sân bay quốc tế Long Thành (giai đoạn I) với 3 nhóm nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu.

Gói thầu số 5.10 là gói thầu lớn nhất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với trị giá 35.233,712 tỷ đồng. Trước đó, gói thầu này đã phải gia hạn hồ sơ mời thầu quốc tế vì nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ dự thầu. Cụ thể, vào ngày 8/11/2022, ACV đã mở lần đầu với 1 liên danh nhà thầu tham gia nộp hồ sơ dự thầu tuy nhiên sau đó, đơn vị này phải hủy thầu vì nhà thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Trong đợt đóng/mở thầu lần này, theo thông tin từ ACV có 3 nhóm nhà thầu tham gia gồm: 1 nhóm đến từ Trung Quốc, 1 nhóm đến từ Thổ Nhĩ Kỳ và 1 nhóm đến từ nhà thầu trong nước.

du-an-ty-do-san-bay-long-thanh-va-the-tran-tam-quoc-trong-vu-dau-thau-xay-dung-1-1687200830.PNG

Thế trận tam quốc trong vụ đấu thầu xây dựng

Với liên danh 1 CHEC-BCEG-Vietnam Contractors - nhóm nhà thầu đến từ Trung Quốc đáng chú ý là China Harbour Engineering Company Ltd (CHEC) và Beijing Construction (BCEG).

CHEC là một trong những công ty từng thi công nhiều dự án với quy mô lớn như: sân bay, cảng biển, cơ sở hạ tầng. CHEC thường tham gia các dự án cơ sở hạ tầng lớn được chính phủ Trung Quốc cho vay ưu đãi, điển hình như dự án sân bay Khartoum trị giá 680 triệu USD tại Sudan – châu Phi.  

CHEC được thành lập vào năm 1980, có trụ sở tại Bắc Kinh, là công ty thành viên và là đại diện ở thị trường hải ngoại của Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC). Công ty mẹ của CHEC là CCCC nằm trong top doanh nghiệp xây dựng có quy mô doanh thu (trên 100 tỷ USD) hàng đầu thế giới và top 100 doanh nghiệp lớn nhất thế giới (Fortune Global 500). CHEC hiện có hơn 90 chi nhánh, văn phòng đại diện và hoạt động ở hơn 100 quốc gia, khu vực trên thế giới, giá trị của các hợp đồng đang thực hiện đạt 30 tỷ USD, doanh thu năm 2018 đạt 6,17 tỷ USD, số lượng nhân viên trên toàn cầu lên đến 15.000 người.

CHEC gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2002, đến nay đã hoàn thành và đang thực hiện hơn 20 dự án, các dự án trải dài từ Bắc đến Nam, với giá trị hợp đồng gần 700 triệu USD. Bên cạnh việc tích cực tham gia thực hiện các dự án EPC về lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, CHEC đang tìm cơ hội để tham gia đầu tư các dự án về năng lượng, cơ sở hạ tầng (đô thị), bất động sản, khu công nghiệp…

Về BCEG được thành lập năm 1953 và là một trong những doanh nghiệp thuộc nhóm 10 nhà thầu hàng đầu Trung Quốc. Công ty cũng lọt top 50 doanh nghiệp xây dựng lớn nhất thế giới với quy mô doanh thu khoảng 5 tỷ USD/năm.

Tương tự CHEC, BCEG cũng là ông lớn có nhiều kinh nghiệm xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng và sân bay tại nhiều quốc gia. Đặc biệt, BCEG chính là tổng thầu của sân bay quốc tế Đại Hưng (Daxing) với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD, đã đi vào vận hành vào cuối năm 2019. Tóm lại từ CHBE tới BCEG, liên danh số 1 đang có lợi thế về kinh nghiệm và là một đối thủ đáng gờm với nhóm liên danh còn lại trên đường đua về đích gói thầu 5.10.

du-an-ty-do-san-bay-long-thanh-va-the-tran-tam-quoc-trong-vu-dau-thau-xay-dung-1687199429.jpg

Với liên danh 2 Hoa Lư đang dẫn dắt bởi CTCP Xây dựng Coteccons. Liên danh này tập hợp các nhà thầu có tiếng trong nước như: Unicons, Delta, Central, An Phong, Hòa Bình, Thành An.

 Có thể thấy tất cả các nhà thầu trong nước tham gia vào liên danh 2 đều là những doanh nghiệp xây dựng lớn trong nước với kinh nghiệm đa dạng, đội ngũ kỹ sư xây dựng lớn, từng có kinh nghiệm tham gia thi công một số hạng mục ở các sân bay trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này chưa từng tham gia xây dựng có dự án có quy mô lớn như sân bay Long Thành.

Ngoài ra, trong liên danh này còn có sự xuất hiện của Công ty Powerline Engineering Public Company Limited đến từ Thái Lan, đây là đơn vị từng tham gia xây dựng sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan.

Với liên danh 3 VIETUR do nhà thầu ngoại – Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Istas (thành viên IC HOLDING) đến từ Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu. Xét về hồ sơ năng lực của Istas, đây là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong việc trong việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực bến cảng, năng lượng, sân bay… Các sân bay được Istas thi công nằm ở Nga, Arab Saudi với quy mô dưới 20 triệu khách/năm. Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh của IC Istas lại không mấy tươi sáng khi vẫn đang kéo dài tình trạng lỗ trong nhiều năm, nợ vay ròng trên vốn chủ cao xấp xỉ 70%.

Bên cạnh doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, liên danh VIETUR còn có hiện diện một số tên tuổi trong nước có liên quan đến hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương như: Ricons, Newtecons và SOL E&C.

Thêm vào đó, liên danh này còn có sự tham gia của Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). 

Nhấn mạnh sự nổi bật của Vinaconex ở chỗ so với các nhà thầu nội trong liên danh đây là đơn vị có kinh nghiệm, năng lực xây dựng, xây lắp hơn cả. Mới nhất VCG đã hoàn thành xong gói thầu nhà ga T2 sân bay Phú Bài - Huế (giá trị hơn 2,250 tỷ đồng). Xét ở vốn hóa doanh nghiệp hơn 9,000 tỷ đồng thì VCG cũng là doanh nghiệp nội có vốn hóa lớn nhất tham gia đấu thầu gói thầu quan trọng 5.10.

Chưa kể, trước khi gia nhập liên danh VIETUR, Vinaconex đã gắn bó với liên danh nội (Hoa Lư) tới sát ngày 12.06. Nước đi quay xe trong khoảng thời gian cuối của VCG được coi là một ẩn số trong đấu gói thầu 5.10 LTIA lần này.

Theo kế hoạch, ACV sẽ mở hồ sơ và chấm thầu trong thời gian khoảng 2 tháng. Với những thông tin sơ bộ như trên có thể thấy mỗi liên danh đều có những ưu khuyết điểm và hiện tại chưa thể kết luận nhóm liên danh nào chiếm ưu thế. Bởi ngoài kinh nghiệm thi công thì các tiêu chí về giá thành, thời gian thi công… cũng sẽ là những yếu tố quan trọng quyết định liên danh nào sẽ được trao quyền để chạm tay vào Gói thầu số 5.10 của Sân bay quốc tế Long Thành.